Bí quyết ăn hải sản không bị ngộ độc

Hải sản là đồ ăn ngon, giàu đạm, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu ăn hải sản không đúng cách có nguy cơ gây các bệnh nguy hiểm như giun sán, dị ứng và rất dễ bị ngộ độc.

Biểu hiện ngộ độc là: đau quặn ruột, vã mồ hôi, tiêu chảy, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chân yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu; nếu nặng bị liệt toàn thân, da tím tái, thân nhiệt giảm, khó thở, liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.

Để ăn hải sản an toàn, các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mách bạn một số mẹo cách để không bị ngộ độc hải sản:

Chỉ ăn loại hải sản được biết chắc chắn không có chất độc : Đây chính là các loại hải sản chúng ta vẫn thường ăn. Các hải sản đó phải có nguồn gốc rõ ràng an toàn.

Bên cạnh đó, khi ăn hải sản phải thận trọng ăn các loại hải sản lạ, ít khi ăn. Đây thực sự là sở thích khám phá của nhiều người. Tuy nhiên cần cân nhắc trước khi ăn thử. Lý do các loại hải sản này ít được ăn cũng có thể từng được biết là có thể gây ngộ độc, hoặc  không ai biết có gây ngộ độc hay không. Vì vậy đây cũng là nhóm hải sản có thể gây ngộ độc và nên tránh.

Ảnh minh họa

Ăn hải sản dễ bị ngộ độc. Ảnh minh họa.

Biết và tránh các loại hải sản được biết có thể chứa chất độc: Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thường có hoặc thỉnh thoảng mới có chất độc. Tuy nhiên bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống chúng ta không thể phát hiện có chất độc hay không, vì vậy với các loại hải sản này bạn cần biết và tránh ăn. Các loại hải sản có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển,…

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các nguồn thông tin khác và hỏi thêm người dân địa phương. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đung nấu và các biện pháp chế biến thông thường.

Không nên ăn các thức ăn hải sản đã chế biến từ lâu: Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein) khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh.

Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở,…). Nếu bạn chỉ ăn thức ăn được chế biến hợp vệ sinh từ hải sản còn tươi sống, sau chế biến ăn ngay, không có khâu nào trong giai đoạn từ lúc chế biến đến bàn ăn bị ô nhiễm thì bạn chắc chắn sẽ không bị ngộ độc hải sản do các loại vi trùng. Các hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi bạn mua và chưa quá hạn sử dụng.

Về độ nhiễm độc nước biển, ô nhiễm môi trường ở vùng biển bạn đang tới: Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bạn có thể biết rõ, có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt xảy ra chỉ riêng với biển có thể dẫn tới ngộ độc là hiện tượng “thủy triều đỏ”.

“Thủy triều đỏ” là hiện tượng nước biển đổi màu bất thường như hồng, tía, xanh lục, nâu hay đỏ. Nguyên nhân do một số loại tảo biển phát triển ồ ạt với số lượng lớn bất thường. Một số loại tảo có chứa chất độc. Các hải sản lúc bình thường có thể không có độc nhưng khi có thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ độc. Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có “thủy triều đỏ”, đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ (như trai, sò, ngao,…).

Chỉ nên ăn các hải sản được nấu chín:  Các vi khuẩn rất dễ phát triển trong hải sản. Có thể có một số phương pháp chế biến thực phẩm không bằng nhiệt nóng (như đun, nấu) nhưng vẫn có thể đủ tiêu diệt các vi trùng để cho phép ăn tươi. Tuy nhiên với chế biến thủ công thì nhất thiết phải bằng đun nấu.

Hiểu rõ các biểu hiện của ngộ độc do ăn hải sản như thế nào để có thể phát hiện nhanh. Nói chung có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc hải sản cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, ỉa chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong. Ngộ độ sẽ nguy hiểm nếu bạn có các biểu hiện thần kinh, tim mạch, hô hấp hoặc khi các biểu hiện ngộ độc kéo dài không đỡ.

Theo VnMedia



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.