Bố mẹ "chẩn đoán" nhầm, trẻ ốm nặng vì ho gà

Triệu chứng bệnh ho gà khá giống với chứng cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp thông thường nên nhiều mẹ xác định bệnh nhầm, khiến con trẻ bị bệnh nặng.

Triệu chứng bệnh ho gà khá giống với chứng cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp thông thường nên nhiều mẹ xác định bệnh nhầm, khiến con trẻ bị bệnh nặng.

Nguy cơ lớn

Mấy tuần nay các bệnh viện ở Hà Nội rải rác tiếp nhận trẻ mắc ho gà. Bệnh viện Nhiệt đới T. Ư tiếp nhận 1 ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện. Viện Pasteur TP.HCM cũng ghi nhận gần 20 ca ho gà từ các tỉnh phía Nam.

Theo Cục Y tế dự phòng, đã có thêm 9 ca bệnh ho gà vào Bệnh viện Nhi T.Ư, chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Dịch tễ T.Ư cho biết, ho gà khó có thể bùng thành dịch lớn nhưng lẻ tẻ, tản phát thì vẫn còn do Việt Nam chưa loại trừ hoàn toàn được bệnh ho gà.

Bệnh ho gà thường phát triển thành dịch ở nhiều nơi, nghiêm trọng là ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế xã hội phát triển thấp. Bệnh diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Dễ nhầm vì giống cảm lạnh

Ông Nguyễn Trần Hiển cảnh báo, do biểu hiện bệnh ho gà khá giống với chứng cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp thông thường khác, nên thực tế số lượng bệnh nhân ho gà có thể cao hơn số ghi nhận được.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn...) khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Vì triệu chứng của ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.

Cần đi tiêm chủng đúng lịch

Theo ông Hiển, bệnh ho gà rất dễ lây nhưng không có nguy cơ xảy ra dịch lớn vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao.

Phó giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ mắc năm nay so với năm trước không tăng trội. Điểm chung của các trẻ mắc bệnh ho gà năm nay đa phần là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, chiếm tỷ lệ từ 80-90%.

Theo ông Hiển, trong số trẻ mắc bệnh đa số chưa tiêm ngừa. Đặc biệt trong số ca mắc bệnh thời gian qua có 17% đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin vẫn mắc bệnh. Điều này cảnh báo trẻ cần được tiêm nhắc một mũi vaccine DPT có thành phần ho gà vào thời điểm trẻ 18 tháng tuổi.

Việc gián đoạn tiêm vaccine có 2 nguyên nhân: Những trẻ lớn là do thời gian trước vaccine Quinvaxem bị gián đoạn, một số cháu không được tiêm chủng đầy đủ; với trẻ nhỏ, thời gian qua do khan hiếm vaccine dịch vụ, các bà mẹ cố chờ không cho con đi tiêm chủng.

Do đó các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine dịch vụ, bởi bài học về dịch sởi đã xảy ra rồi và giờ là đến ho gà.

Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm vaccine phối hợp để phòng 5 bệnh là: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng. Tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi 18 tháng tuổi.

Phòng tránh dịch ho gà

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo các bà mẹ:

-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

-Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

-Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

-Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh ho gà (vaccine phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP) đầy đủ, đúng lịch.

Mùa đông xuân là thời điểm nhiều bệnh nguy hiểm như ho gà, sởi, rubella... Cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch.

Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm thì vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh.

Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa bệnh ho gà

Ủy ban cố vấn thực hành tiêm chủng (ACIP, Mỹ) vừa đưa ra hướng dẫn mới về việc chủng ngừa bệnh ho gà trong thời kỳ mang thai do nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi bị mắc bệnh ho gà, có thể gây tử vong.

Ủy ban này khuyên người mẹ mang thai từ tuần 27-36 nên chích ngừa bệnh ho gà để kịp thời sản xuất đủ kháng thể truyền qua nhau thai.

Được biết, trẻ em dưới 2 tháng tuổi rất “mong manh” phải chờ trẻ trên 2 tháng tuổi mới được bắt đầu tiêm chủng ho gà.

Theo GĐXG



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.