Các hướng dẫn chi tiết phòng chống giá lạnh

Bộ Y tế và các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe đưa ra những hướng dẫn chi tiết để người dân có thể chăm sóc bản thân, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của thời tiết giá rét với sức khỏe.

Bộ Y tế và các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe đưa ra những hướng dẫn chi tiết để người dân có thể chăm sóc bản thân, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của thời tiết giá rét với sức khỏe.

Giữ ấm cơ thể như thế nào?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nền thời tiết hiện tại lạnh giá, độ ẩm cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Vì thế, để phòng được bệnh tật, ưu tiên hàng đầu là giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Theo BS Bùi Hoàng Hải, khoa Cấp cứu (BV Đại học Y Hà Nội), những ngày giá rét này, chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là những người nông dân vẫn phải đi ra đồng cấy lúa. Nếu không biết cách giữa ấm sẽ có nguy cơ mất nhiệt, hạ thân nhiệt và đặc biệt nguy cơ đột quỵ cho những người đã uống rượu, có tuổi, người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não.

Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần lưu ý không nên ra đồng vào những ngày rét đậm rét hại. Người dân không nên quá sốt ruột với công việc đồng áng, vì thời tiết rét hại thường không kéo quá dài, hơn nữa cố gieo cấy trong thời điểm này cũng có thể phản tác dụng vì quá rét, cây lúa không sống được.

Còn trong trường hợp bất khả kháng vẫn phải ra đồng, ví dụ để lấy nước để giữ ấm cho cây mạ thì cần nhớ nguyên tắc mặc ấm, đó là giữ ấm bằng nhiều lớp áo mỏng hơn là một áo dày, mặc áo đi mưa chống thấm nước, đi ủng chống nước, không nên tiếp xúc với nước quá lâu. Còn khi quần áo đã bị ướt thì cần nhanh về nhà thay sớm tránh tình trạng nhiễm lạnh có thể gây hạ thân nhiệt, đột quỵ...

Thêm một cách giữ ấm được BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, vẫn đảm bảo nguyên tắc mặc nhiều lớp áo. Nhưng trong trường hợp không có nhiều áo, có thể độn các lớp báo ở giữa 2 lớp quần áo sẽ giúp giữ nhiệt. Và bà con ra đồng, dù trời mưa hay không nên mặc một áo tơi mỏng sẽ cản gió, giảm rét đáng kể. Ủng làm đồng cũng được khuyến khích bởi trời lạnh như này, khi chân tiếp xúc với nước lạnh buốt cơ thể sẽ nhanh chóng mất nhiệt dù phần trên được nhồi nhét hàng vài lớp quần áo.

Sưởi ấm an toàn!

Trời giá rét, người dân nhiều địa phương vẫn phải nhờ đốt củi để xua đi giá rét. Các bác sĩ lưu ý, người dân khi đốt củi, than hoa, than tổ ong để sưởi phải đặc biệt lưu ý nguy cơ cháy nổ và ngộ độc khí CO (monocide carbon) từ khói đốt. Đã có nhiều trường hợp tử vong thương tâm vì ngộ độc khí CO hoặc các trường hợp bỏng thương tâm vì để than củi dưới gầm giường, than bắt vào gỗ, đệm bùng cháy gây những ca bỏng rất thương tâm.

BS Hải khuyến cáo, do khí CO không mùi, không màu, không vị được tạo ra khi đốt xăng, củi, gỗ, than, nhựa... nên có nguy cơ gây ngộ độc rất lớn mà người dân chưa kịp nhận biết đã bị lịm dần, đến tử vong.

Biểu hiện của ngộ độc CO là thấy đau đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, chậm chạp, lờ đờ, hôn mê dẫn đến tử vong. Vì thế, có thể đốt củi trong phòng để sưởi ấm ở nơi thoáng khí, nhưng không được đốt than củi, than tổ ong để sưởi trong không gian kín như phòng ngủ, nhà tắm, khe núi, lò gạch, hốc cây... Khi phát hiện có người nghi bị ngộ độc khí CO cần làm thông thoáng khí trước khi tiếp cập nạn nhân như mở toang các cửa chính, cửa sổ, quạt khí, dùng cành cây đuổi khí CO xung quanh nạn nhân...

Theo BS Cấp, thời tiết lạnh giá như hiện nay, người già và trẻ em là những đối tượng có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp… Để phòng bệnh cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

Đối với trẻ nhỏ, đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối cho con mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Khi quần áo ướt sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi. Do đó, nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.

Bên cạnh đó cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.