Cách nhận biết trẻ bị dị ứng sữa

Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sữa công thức là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em.

Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sữa công thức là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Tuy nhiên tình trạng một số trẻ có thể bị dị ứng với chính thành phần protein có trong sữa công thức cũng ít nhiều gây bất lợi cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ.

Do vậy, các bậc cha mẹ nếu không chú ý tình trạng này có thể bị bỏ qua và lâu dần có thể gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân trẻ bị dị ứng sữa

Dị ứng protein sữa bò (sữa công thức) là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất trong 3 năm đầu đời của trẻ, do hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với protein có trong sữa bò. Khi trẻ mắc phải tình trạng này, hệ miễn dịch nhận diện sai lầm protein trong sữa bò là một chất có hại và cố gắng bảo vệ cơ thể bằng cách “đánh lại” các chất protein này, gây ra tình trạng dị ứng và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như: da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và toàn thân của trẻ.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ sơ sinh dị ứng với sữa bột công thức. Nếu mẹ hoặc cha đã từng dị ứng với sữa bột (hoặc sữa bò) lúc còn bé thì con của họ sẽ cũng có thể có những biểu hiện tương tự.
 

Dị ứng sữa ở trẻ. Ảnh minh họa.


Dấu hiệu trẻ dị ứng sữa
 
Tiêu chảy: Tiêu chảy rất thường gặp ở trẻ sơ sinh nhưng nếu tiêu chảy kéo dài (trung bình bé đi ị 2-4 làn/ngày và kéo dài trong hơn 5-7 ngày) và trong phân có máu thì đó là đáu hiệu bị dị ứng sữa nghiêm trọng.
 
Nôn trớ: Nếu trẻ bị nôn trớ nhiều lần và nôn cả những khi chưa được bú mẹ thì bạn nên cho bé đi khám bác sĩ. Những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản như nôn trớ cũng có thể là dấu hiệu bé bị dị ứng sữa.
 
Phát ban: Phát ban là một trong những biểu hiện của dị ứng sữa, đặc biệt là khi vết phát ban xảy ra đi kèm cùng với những triệu chứng khác.
 
Quấy khóc, khó chịu: Khi trẻ quấy khóc liên tục và không nín trong một thời gian dài thì đó là dấu hiệu bất thường, có thể là biểu hiện trẻ bị dị ứng sữa.
 
Thay đổi cân nặng : Khi bị dị ứng sữa có thể trẻ bị tăng cân hoặc giảm cân bất thường.
 
Xì hơi: Tất cả các bé sơ sinh đều ‘xì hơi’. Nhưng ‘xì hơi’ đi kèm cùng với một vài triệu chứng như trên thì có thể bé đang bị dị ứng sữa.
 
Hệ hô hấp có vấn để: Trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp thì đó có thể là do cơ thể bé đang phản ứng lại với protein sữa.
 
Chậm lớn: Trẻ bị dị ứng sữa thường thiếu nguồn dinh dưỡng hợp lý do mất nước, giảm sự ngon miệng và thiếu năng lượng.

Xử trí khi trẻ bị dị ứng sữa
 
Ths.Bs Đinh Thạc cho biết, để việc xử trí tình trạng dị ứng sữa mang lại hiệu quả và đảm bảo sức khỏe của trẻ, cần thực hiện những bước quan trọng sau đây:

- Nên dừng sử dụng sữa bò ở trẻ. Cha mẹ có thể chuyển sang sử dụng sữa đậu nành vì trong sữa đậu nành cũng khá đầy đủ những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của trẻ.

- Trong trường hợp cho trẻ sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng vẫn không cải thiện thì có thể hiểu rằng trẻ đồng thời cũng bị dị ứng với thành phần protein có trong sữa đậu nành. Khi đó, cần phải chuyển sang sử dụng những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây ra phản ứng dị ứng. Những loại protein này đã được xử lý đặc biệt để hạn chế tối đa việc gây dị ứng cho trẻ, tuy nhiên giá thành của những sản phẩm này thường rất đắt.

- Thời gian sử dụng sản phẩm ít gây kích ứng dị ứng nêu trên ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, cần cho trẻ dùng lại sữa bò để xem trẻ có dung nạp được hay chưa, nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3 - 6 tháng lại cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.

- Mẹ có thể cho trẻ tiếp tục bú nếu mẹ còn khả năng tiết sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ phải được thiết lập bởi một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để có thể đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết.Lưu ý, protein có trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ, vì vậy cần phải loại bỏ hết những thực phẩm có chứa sữa trong chế độ ăn của người mẹ.

Biện pháp phòng ngừa dị ứng sữa ở trẻ

- Phải kiểm tra thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm trước khi cho trẻ sử dụng, nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng. Ngay cả với những sản phẩm trẻ đã dùng quen vẫn phải đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần của sản phẩm.

- Cần thông báo rõ cho những người chăm sóc trẻ như người bảo mẫu, thầy cô giáo mầm non, quản gia, ông bà nội/ngoại…về tình trạng dị ứng của trẻ để họ tránh cho trẻ sử dụng sữa hay những sản phẩm có chứa sữa. Tốt nhất, cha mẹ nên có những mẩu giấy nhỏ dán trực tiếp lên những thực phẩm có chứa sữa.

- Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của trẻ trong những hồ sơ sức khỏe liên quan.

- Chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết. Ở một số nước đã có loại Epinephrine được định liều sẵn trong một ống tiêm nhỏ nhằm có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

- Nếu trẻ có biểu hiện bị phản ứng phản vệ cấp tính cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
 
Theo VnMedia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.