Cách phòng tránh ngạt khí than khi sưởi ấm

Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm một gia đình 3 người chết, 2 người hôn mê sâu vì bị ngạt khí than củi.

Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm một gia đình 3 người chết, 2 người hôn mê sâu vì bị ngạt khí than củi. Từ nay tới hết tháng 2 sẽ còn rét đậm, rét hại, bạn hãy học cách phòng tránh tai nạn khi sưởi ấm bằng than củi theo những thông tin mà các chuyên gia tư vấn dưới đây

Cách phòng tránh ngạt khí than khi sưởi ấm 1

Đồng bào vùng cao thường đặt kiềng để đun nước tránh khô da và tạo khí CO2 ít độc hơn. Ảnh: T.L.

Quá trình ngộ độc khí than rất nhanh

Theo tài liệu của Hội Hóa học Việt Nam, ngạt than củi hay xảy ra vào mùa đông là vì mưa, rét, lạnh các nhà đều đóng kín cửa, than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí và sinh ra khí cực độc là carbon monoxide (CO) rất nguy hiểm… Khí độc CO không màu, không mùi, không tan trong nước nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, nạn nhân cứ lịm dần, lịm dần. Mùa lạnh người sử dụng sưởi than trong phòng càng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi nạn nhân bắt đầu cảm nhận "bất thường" thì chân tay không cử động được nữa, cứ lịm đi, hôn mê và tử vong.

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội), năm nào ngành Y tế cũng có khuyến cáo tới các Sở Y tế, bệnh viện để tổ chức tuyên truyền cho người dân cảnh giác với ngạt khí, bỏng do sưởi lửa, sưởi than. Để hạn chế ngộ độc do khí than, người dân không nên sử dụng bếp than để sưởi vì nó sẽ cháy yếm khí, sinh khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của ôxy, hít vào sẽ gây ngạt. Nạn nhân bị ngạt khí CO khi cấp cứu sẽ trở nên khó khăn hơn vì hai cơ quan sử dụng nhiều ôxy nhất đã bị tổn thương nghiêm trọng, nhẹ cũng để lại di chứng thần kinh hoặc tâm thần.

Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, mạch máu não nếu bị ngạt khí CO sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với người bình thường. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người… gọi chung là hội chứng thần kinh - tâm thần muộn. Ngộ độc quá nặng sẽ tử vong, còn những người sống được sẽ sống đời sống thực vật, mất trí tuệ…

Phát hiện và cấp cứu người bị ngạt khí than

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng bị ngạt khí CO có thể nhận biết như sau:

Thể nhẹ: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, da đỏ lên… dễ nhầm là bị nhiễm virus.

Thể vừa: Đau ngực, nhìn mờ, lơ mơ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ… chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu và có thể tử vong nếu kéo dài.

Thể nặng: Đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.

Cấp cứu như sau:

Nếu thấy có người bị ngạt khí CO, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng.

Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc.Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. 

Theo TS Phạm Duệ, nếu trong trường hợp quá lạnh, bắt buộc phải dùng than củi, bếp than hoa để sưởi thì nhà phải có thông khí hoặc mở hé cửa để thông gió, tránh bị ngạt. Ngoài ra, bạn nên trang bị kiến thức phòng ngạt. Khi trong nhà đang sưởi bằng than hoặc sử dụng các loại máy phát điện mà thấy hơi choáng cần phải dậy mở cửa phòng ngay, đừng lười mà sẽ dần lịm đi. Nhà có trẻ em sưởi bếp than không nên để bếp dưới gầm giường hoặc gần nơi dễ bắt lửa để phòng tránh bỏng (nhất là trẻ em hiếu động rất dễ ngã vào chậu than).

Bạn có thể học cách sưởi than của đồng bào miền núi bằng cách đặt thêm cái kiềng đun ấm nước (hoặc đơn giản là đặt lon nước vào giữa lò than (chậu than) để tránh hiện tượng hăm nẻ, khô da, bong tróc. “Đồng bào vùng cao họ dùng hơi nước khi sưởi vừa giữ độ ẩm cho da, đồng thời không làm mất nhiệt. Trong nhà luôn nóng có nước để dùng. Nước giúp sinh ra khí CO2 ít độc hơn”, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ĐH Bách Khoa Hà Nội tư vấn.

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.