Cách trị ho khi giao mùa đơn giản, hiệu quả nhanh

Trị ho khi giao mùa thế nào khi thời tiết giao mùa ngày nóng - đêm lạnh rất nhanh bị biến chứng, nhất là trẻ vừa vào năm học mới?

Trị ho khi giao mùa thế nào khi thời tiết giao mùa ngày nóng - đêm lạnh rất nhanh bị biến chứng, nhất là trẻ vừa vào năm học mới?

Vừa chắt thìa nước húng chanh trị ho cho cháu ngoại, bà Nguyễn Thị Cúc (Thành Công, Hà Nội) vừa ca cẩm rằng cháu ngoại đi học được hơn 3 tuần mà đã phải nghỉ vì ho nặng.

Mẹ cháu đi làm ca nên bà ở nhà đưa đón cháu đi học. Buổi sáng đi thấy cháu húng hắng ho bà đã cho cháu uống siro ho, rồi ngậm thuốc ho, nhưng chiều tới đón thì cháu đã ho liên tục, tiếng ho nặng hơn… và có sốt nhẹ.

Biết là bệnh đã trở nặng, bà đưa cháu khi khám ngay để tránh biến chứng, thế mà đã thành viêm phế quản, phải uống kháng sinh và nghỉ học.

trị ho
Trẻ rất dễ bị ho khi giao mùa. Ảnh minh họa

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi giao mùa, các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi... có xu hướng tăng đáng kể. Vì chủ quan nên nhiều bố mẹ tự chữa ở nhà nên thường đưa con vào viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản (đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Khi trẻ bị ho, sốt, sổ mũi, các bố mẹ đừng đưa đơn thuốc cũ chữa bệnh cho con. Thậm chí dùng “đơn” truyền miệng, đơn cũ của hàng xóm đi mua. Điều này rất nguy hiểm vì cùng biểu hiện ho sốt, nhưng có thể là do virus hoặc vi khuẩn vì gốc bệnh khác nhau, mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị cho một bệnh trong một thời gian nhất định mà chỉ bác sĩ mới phân biệt được để dùng kháng sinh hay không, liều lượng và thời gian bao lâu? Vì thế cha mẹ không nên dùng đơn thuốc cũ cho con.

Kinh nghiệm dân gian truyền miệng có một số bài trị ho hiệu quả như sau:

Trị ho bằng tỏi

Với trẻ em dùng 2-3 tép tỏi, bóc vỏ bỏ bát, thêm 1 thìa đường và nửa bát nước. Hấp cách thủy 15 phút cho mềm rồi ăn khi ấm. Ăn 2-3 lần/ngày, các cơn ho sẽ giảm rõ, 1 tuần sẽ dứt hẳn.

Với người lớn cần đến 7-8 tép tỏi và 2 thìa đường rồi làm như trên.

Tỏi còn giữ ấm dạ dày, phổi... nhưng tốt nhất hãy dùng tỏi ta.

Trị ho bằng vỏ cam

Cam rửa sạch, ngâm với nước muối loãng. Sau mỗi lần ăn hãy gọt lấy vỏ đem nướng trên bếp, ăn khi còn nóng.

Nếu ho nặng có thể ăn 2-3 vỏ cam nướng, rất ấm cổ, tốt cho họng, tiêu đờm, dứt cơn ho đêm.

trị ho

Lá húng chanh rất tốt để trị ho.

Trị ho bằng húng chanh

Vườn nhà nên trồng cây húng chanh, mỗi ngày hái 2-3 lá húng chanh hấp cùng đường phèn (hoặc mật ong) và cho trẻ trẻ ăn nước cốt, hoặc bã, hoặc cả hai hàng ngày, vừa phòng được ho, vừa giảm ho.

Bà bầu dùng lá húng chanh trị ho cũng rất tốt. Lá húng chanh tươi xay nhuyễn, lọc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 50ml. Vị nước hơi khó uống nên có thể cho thêm vài giọt nước cốt chanh, đường vào cho dễ uống. Nhưng uống được lá húng chanh tươi hiệu quả hơn hấp mật ong, hay đường phèn.

Lá húng chanh cũng rất có lợi trong việc chữa ho và hạ sốt cho trẻ.

Cảnh giác khi sốt cao

Các bệnh dễ mắc khi giao mùa còn có nhiều như viêm kết mạc, dị ứng, đau mắt đỏ, cơ thể nhiệt, đau xương khớp… Khi đã mắc đều cần đi khám và chữa bệnh sớm để tránh bệnh trở nặng, khó điều trị.

Ngoài chứng bệnh ho, cần chú ý khi bị sốt cao đột ngột và kéo dài (nhất là trẻ con) cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng. Bởi các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các biện pháp thường áp dụng là: hạ sốt, chống co giật, bù nước và điện giải, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.

Chú ý ăn uống nâng cao sức đề kháng. Với trẻ nên tắm khi nhiệt độ ngày cao nhất. Tránh tắm buổi tối vì dễ nhiễm lạnh. Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu: Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C.

trị ho

Bệnh cảm cúm cũng rất dễ mắc khi giao mùa. Ảnh minh họa

Cảm cúm

Khi bị cảm cúm, phải sử dụng thuốc trị cảm cúm, nhưng mỗi loại thuốc chỉ phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân, cần có bác sĩ thăm khám, kê thuốc. Phòng cảm cúm là tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

- Nên dùng súp gà và đồ uống nóng (sữa, trà) tăng sự bài tiết của mũi, nên có thể giảm bớt triệu chứng cảm cúm. Cung cấp đủ các vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể.

- Bịt khẩu trang để tránh sự xâm hại của vi rút cúm. Vệ sinh phòng ngủ, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên để loại trừ mầm bệnh lây lan. Tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ sức khỏe bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ lượng nước cơ thể cần. Người già, trẻ em có nguy cơ mắc cảm cúm cao, cần dùng vitamin C và kẽm để phòng ngừa.

Trị ho

Ăn nhiều rau củ quả để tăng sức đề kháng khi giao mùa.

Dinh dưỡng khi giao mùa

- Uống nhiều nước, nghỉ ngơi nơi thoáng khí để thở tốt.

- Nếu ho nên ăn nhiều lần những món nhiều nước, dễ tiêu nhưng giàu dưỡng chất như súp, cháo, sữa (đủ bốn nhóm bột, béo, đạm, rau) hoặc canh, phở, miến… Cho ăn mỗi lần một ít để tránh bị nôn. Nếu trẻ bú, thì mẹ cần ăn đủ dinh dưỡng cho con bú. Chú ý đưa những thực phẩm có tác dụng phòng và trị bệnh vào khẩu phần của trẻ.

- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ như chiên, xào. Ăn nhiều món canh từ hẹ, rau quả nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt, su hào, bưởi, cà chua, giá đậu…). Với trẻ em hệ tiêu hóa yếu, nên chế biến những món dễ tiêu, hiệu quả của thức ăn sẽ tốt hơn.

- Để tránh tiêu chảy, cần vệ sinh ăn uống thật tốt. Nếu trẻ bị tiêu chảy, mẹ hãy cho trẻ ăn cháo cà rốt

- Khi muốn dùng thuốc cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước (nhất là với trẻ em).

Theo GĐ&XH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.