Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh mùa mưa lũ

Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn… hay tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là những vấn đề cần hết sức lưu ý khi mưa lũ kéo dài.

Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn… hay tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là những vấn đề cần hết sức lưu ý khi mưa lũ kéo dài.

Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là ở Quảng Ninh, lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và của. Không dừng lại ở đó, tình trạng mưa lũ kéo dài còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe bà con vùng mưa lũ.

Để giúp người dân phòng tránh những căn bệnh thường hay mắc phải, TS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đã có những chia sẻ hữu ích về vấn đề này.

Coi chừng tả, lỵ, thương hàn

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tiến, lũ lụt không những làm cho môi trường bị ô nhiễm mà còn là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát sinh, phát triển gây ô nhiễm thực phẩm làm hư hỏng chất lượng thực phẩm và vi sinh vật gây bệnh.

Đặc biệt, vi khuẩn đường tiêu hóa theo đường ăn uống vào cơ thể, tăng sinh nhanh đến khi có đủ lượng vi khuẩn nhất định đáp ứng liều gây độc là nguyên nhân chủ yếu gây các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt. Thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh qua thực phẩm và nước thường là do bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh: Salmonella, campylobacter, E.coli, B. cereus, Vibrio cholerae, C.botulium...

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh mùa mưa lũ - 1

Tình trạng mưa, lũ kéo dài người dân rất dễ mắc phải những căn bệnh như: tả, lỵ, thuong hàn.

Chính bởi vậy, trong trường hợp vùng mưa lũ, nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B hoặc clorua vôi. Theo BS Tiến, choloramine B dạng viên 0,25 gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại,…một viên 0,25 gam dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

“Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn”, BS Tiến khuyến cáo.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

“Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa cần đun chín kỹ thực phẩm, không ăn sống/tái các thực phẩm đặc biệt là tiết canh. Thực hiện tách riêng biệt thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác trong chế biến và bảo quản, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền: hoa quả, bún, nộm, giò chả.

Sử dụng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi đụng vào.

Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn”, BS Tiến hướng dẫn.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh mùa mưa lũ - 2

Thực hiện ăn chín, uống sôi và giữ vệ sinh cá nhân là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh mùa mưa, bão.

Đề phòng suy dinh dưỡng trẻ em

Đây là vấn đề mà nhiều người thường bỏ quên trong mùa mưa lũ. Theo đó, trẻ bị suy dinh dưỡng trong mùa mưa lũ là do, chế độ ăn thiếu cả số lượng và chất lượng. Khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn như đường ruột, sởi, viêm đường hô hấp nhưng chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng chưa đúng, kịp thời.

Để phòng tránh tình trạng này, BS Tiến khuyến cáo, các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay sau một giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không cai sữa trước 18 tháng tuổi.

Từ tháng thứ 6, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: Thức ăn giàu gluxít, thức ăn giàu Protein, thức ăn giàu Lipít, thức ăn giàu vitamin và khoáng chất.

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, cần thực hiện theo dõi biểu đồ tăng trưởng để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng, thực hiện tiêm chủng đề phòng các bệnh nhiễm khuẩn và xử lý đúng khi trẻ bị ỉa chảy và viêm đường hô hấp.

Sau lũ lụt, các cấp chính quyền ở địa phương cần vận động các gia đình nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, lựa chọn các loại cây, con giống ngắn hạn để sớm có rau xanh và các thực phẩm bổ sung cho bữa ăn gia đình.

Theo Khám phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.