Đau lưng coi chừng bị thoát vị đĩa đệm

Trong các nguyên nhân gây đau lưng thì thoát vị đĩa đệm là phổ biến nhất. Điều trị không đúng cách, nhiều người bị biến chứng viêm não, viêm tủy, thậm chí là liệt.

Trong các nguyên nhân gây đau lưng thì thoát vị đĩa đệm là phổ biến nhất. Điều trị không đúng cách, nhiều người bị biến chứng viêm não, viêm tủy, thậm chí là liệt.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh lý thần kinh thường gặp, chiếm khoảng 45-60% số trường hợp điều trị nội trú tại các khoa thần kinh. Bệnh thường khởi phát sau một chấn thương vùng cột sống thắt lưng hoặc mang vác nặng sai tư thế. Mới đầu, người bệnh thấy đau ở lưng, sau đó lan dọc xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân và các ngón. Khi vận động thì đau tăng, nghỉ ngơi thì đỡ và thường lan theo đường đi của dây thần kinh hông to.


Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-50, trên 70 tuổi ít gặp hơn. Bệnh hay bị nhầm với viêm dây thần kinh tọa, căng cơ và một số bệnh về cột sống khác như: thoái hóa, giãn dây chằng, lao, u... 

Tùy thuộc mức độ thoát vị, chèn ép các rễ thần kinh khác nhau mà có cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh không được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, dẫn đến hiệu quả điều trị thấp, nhiều biến chứng, liệt, thậm chí tử vong.

Lưu ý khi bị thoát vị đĩa đệm:

- Nếu đĩa đệm bị thoát vị nặng, chèn ép gây đau dữ dội thì cần phẫu thuật lấy đĩa đệm, giải phóng chèn ép. Khoảng 20-25% bệnh nhân cần phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp này là giải quyết được đúng nguyên nhân bệnh, lấy đi đĩa đệm bị thoát vị chèn ép vào. Tuy nhiên nó làm cho cột sống kém bền vững và có thể có một số biến chứng sau mổ.

- Nếu thoát vị mức độ vừa phải thì điều trị nội khoa cơ bản, chiếm 70-75% các trường hợp. Quá trình điều trị phải bài bản, kết hợp đồng thời 3 liệu pháp: kéo giãn cột sống thắt lưng, tiêm thuốc ngoài màng cứng và dùng các loại thuốc, biện pháp không dùng thuốc khác.

Mục đích của kéo giãn cột sống thắt lưng nhằm làm giảm sự đè ép của cột sống lên đĩa đệm, giúp đĩa đệm có thể tự co lại một phần.

Liệu pháp tiêm ngoài màng cứng là đưa thuốc tê và các thuốc chống viêm dạng steroid vào khoang ngoài màng cứng. Từ đó, thuốc ngấm trực tiếp vào rễ thần kinh bị chèn ép, đưa lại hiệu quả chống viêm, giảm đau cao nhất với liều thuốc thấp nhất.

Bên cạnh thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, có thể kết hợp thêm vật lý trị liệu như: như hồng ngoại, bó nến, điện phân và các biện pháp y học cổ truyền như châm cứu, thủy châm.

Sự kết hợp tổng thể và hài hòa 3 liệu pháp điều trị trên sẽ mang lại hiệu quả phục hồi bệnh cao nhất, đạt hiệu quả tốt và khỏi bệnh đến 80-90%.

- Các biện pháp điều trị can thiệp đĩa đệm tối thiểu như laze, chọc hút đĩa đệm qua da, sinh hóa tiêu nhân..., là những biện pháp mới, còn ít được áp dụng trên lâm sàng, cần được nghiên cứu nhiều hơn.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều thầy thuốc lang điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cách đứng giẫm lên lưng người bệnh. Đây là một phương pháp điều trị thiếu cơ sở khoa học, đi ngược với cơ chế bệnh sinh của bệnh, do đó có thể làm bệnh trầm trọng hơn, thậm chí gây trượt đốt sống và liệt hai chân.

Các tư thế sinh hoạt, lao động (buộc cột sống vận động quá giới hạn như quá ưỡn, quá khom người, vẹo cột sống), nghỉ ngơi không đúng đều là nguyên nhân dẫn tới bệnh và làm bệnh nặng thêm. Vì vậy, để phòng ngừa người bệnh cần chú ý sửa những thói quen đi đứng không đúng, gánh vác quá nặng, xách mang lệch một bên người và lao động sai tư thế.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.