Giao mùa, trẻ đổ bệnh hô hấp

Trung bình một ngày khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám, trong đó quá nửa là do sốt virus và bệnh đường hô hấp. Lý do vì thời tiết miền Bắc đang chuyển sang thu, lạnh về sáng và đêm, trưa nóng.

Trung bình một ngày khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám, trong đó quá nửa là do sốt virus và bệnh đường hô hấp. Lý do vì thời tiết miền Bắc đang chuyển sang thu, lạnh về sáng và đêm, trưa nóng.

Mới đi học chưa đến 2 tuần, cô con gái 4 tuổi nhà chị Thu (Hà Nội) lại nghỉ học vì ho. Mới đầu thấy con chỉ húng hắng vài tiếng, chị nghĩ không sao, tự mua thuốc về cho uống. Được 3 ngày cháu bắt đầu sốt, đi khám, bác sĩ bảo đã bị viêm tiểu phế quản.

"Mình không ngờ là con chỉ ho như thế mà đã viêm tiểu phế quản. Bé vốn đã bị suy dinh dưỡng nên cứ thời tiết thay đổi một lúc là y như rằng lại ốm. Lần nào nhẹ thì 3 ngày, nặng cũng 7-10 ngày mới khỏi", chị Thu nói.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, số trẻ đến khám vì các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi... có xu hướng tăng đáng kể. Nguyên nhân vì thời tiết các tỉnh miền Bắc đang chuyển từ hè sang thu, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch lớn, trẻ nhỏ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này nên rất dễ mắc bệnh. Trong đó, có những trường hợp nhiều cha mẹ nghĩ bệnh đơn giản, tự chữa ở nhà, đến khi chuyển đến viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu.


Trẻ dưới 6 tháng tuổi việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ

Nhiều bà mẹ thấy con ho, sốt, đưa đi khám thấy bác sĩ khám một loáng cái đã xong, rồi ra một đơn thuốc. Lần sau con cũng có biểu hiện tương tự thì cầm đơn thuốc cũ đi mua, tự làm "bác sĩ" cho con. Theo phó giáo sư Dũng, điều này rất nguy hiểm vì biểu hiện bệnh có thể giống nhau nhưng gốc gác bệnh lại khác nhau. Mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị cho bệnh đấy, trong một thời gian nhất định vì thế cha mẹ không nên dùng đơn thuốc cũ cho con, có người thậm chí mượn đơn của cả hàng xóm.

"Cùng biểu hiện ho, sốt nhưng có thể là do virus hoặc vi khuẩn. Chỉ việc phân biệt chúng với nhau đã khó để quyết định xem có nên dùng kháng sinh hay không, dùng thì loại nào, liều lượng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu", phó giáo sư Dũng lý giải.

Theo ông, với trẻ dưới 6 tháng tuổi việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, cũng có thể do bị bệnh. Ở trẻ sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng.

Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên giữ cho môi trường sống trong nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Cần lưu ý trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, vì thế khi thấy mình lạnh người lớn không nên nghĩ rằng con cũng lạnh. Vào gần sáng và đêm lạnh nên cho con mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra.

Đặc biệt cảnh giác khi con sốt cao. Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Triệu chứng ban đầu cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời chú ý đến việc ăn uống nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nên tắm cho bé vào buổi trưa khi trời ấm, tránh tắm vào buổi tối vì trẻ dễ nhiễm lạnh.

Theo Phương Trang
VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.