Hà Nội: Nhiều bệnh nhi tái nhiễm viêm phổi sau sởi

Dù số ca mắc sởi mới đã giảm nhưng các chuyên gia đều khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan. Vì có hiện tượng nhiều trẻ được chữa khỏi sởi, xuất viện về nhà nhưng bị tái nhiễm viêm phổi, thậm chí rất nặng, đe dọa tử vong.

Chiều 21/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội đã tổ chức họp giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tình hình dịch bệnh sởi đã có xu hướng chững lại và giảm dần. Trên thực tế, số bệnh nhân mắc mới, số bệnh nhân nhập viện và tử vong đều đang giảm đi.

Tuy vậy, Sở Y tế vẫn luôn chỉ đạo các địa phương cần đề cao công tác chống dịch, nhất là tập trung vào việc giám sát trường hợp bệnh nhân mắc sởi được xuất viện và đối tượng trẻ do ốm, sốt phải hoãn tiêm phòng sởi thời gian qua. Bởi trên thực tế xuất hiện hiện tượng, có nhiều bệnh nhi sau khi chữa khỏi sởi được xuất viện về nhà nhưng do chủ quan nên đã bị biến chứng tái viêm phổi, tử vong.
“Nguyên nhân vì ở giai đoạn hậu sởi, sức đề kháng của trẻ suy giảm mạnh, nhiều trẻ khi về nhà được người thân đến thăm, ôm ấp bế bồng, đây là hành động cần phải tránh vì sự tiếp xúc gần giai đoạn này vô tình khiến trẻ dễ bị nhiễm các bệnh khác, bội nhiễm nguy hiểm”, TS Hiền cảnh báo.

Hà Nội: Nhiều bệnh nhi tái nhiễm viêm phổi sau sởi

Sau mắc sởi miễn dịch của trẻ bị suy giảm rất dễ tái nhiễm bệnh. Trong ảnh, bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám, dặn dò bệnh nhân sởi trước khi xuất viện. Ảnh: H.Hải

Về hiện tượng tái nhiễm bệnh sau điều trị sởi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, có rất nhiều bệnh nhân xuất viện khỏe mạnh, sau một thời gian ngắn lại phải tái nhập viện vì bệnh lý khác, viêm phổi. Bởi sau khi mắc sởi, miễn dịch của trẻ vẫn chưa trở lại ngưỡng ban đầu, cơ thể trẻ yếu nên rất dễ lây bệnh từ cộng đồng. Vì thế, khi bệnh nhi được xuất viện, các bác sĩ luôn phải dặn dò kỹ gia đình chăm sóc, theo dõi trẻ, khi có hiện tượng ho, sốt, khó thở cần tái khám để kịp thời điều trị. Miễn dịch cơ thể trẻ cũng sẽ tăng lên dần sau một thời gian mắc sởi.

Tại Hà Nội, hiện đã có 21 quận, huyện qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi mới. Tuy nhiên, một số bệnh khác như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), thuỷ đậu lại có xu hướng tăng lên. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 287 trường hợp mắc TCM, số ca mắc giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng trong tuần qua lại ghi nhận thêm 49 ca mắc sởi, tập trung nhiều ở Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Còn về thuỷ đậu ghi nhận 1.207 trường hợp, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2013, từ đầu tháng 5 đến nay ghi nhận 48 trường hợp. Sốt xuất huyết đến nay có 51 trường hợp, trong tuần ghi nhận thêm 8 ca mắc mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo ngành y tế cần quyết liệt ứng phó, ngăn chặn những dịch bệnh đang đe dọa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, không để các dịch bệnh này bùng phát trên địa bàn. Theo đó, kho có bệnh nhân mắc cần có những phân tích cụ thể về độ tuổi, nguyên nhân mắc bệnh, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân… để chủ động ngăn chặn từ đầu tránh biến chứng và lây nhiễm chéo. Những nơi có diễn biến mới phát sinh, ngành y tế cần khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân, có phác đồ điều trị ngay lập tức, kiên quyết ko để xảy ra tử vong vì những dịch bệnh mùa hè.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.