Kẻ "sành ăn" đáng ghét

Lưỡi là cơ quan vị giác, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong động tác nhai, nuốt và nói. Trong quá trình ăn uống, nhờ lưỡi mà chúng ta thưởng thức được vị ngon ngọt của thức ăn.

Một khối cơ không xương

Lưỡi là một khối cơ vân được phủ bởi niêm mạc, nằm trên nền miệng gồm một thân, hai bờ và hai mặt trên dưới. Mặt trên - sau của lưỡi có một rãnh hình chữ V mà đỉnh quay ra sau gọi là rãnh tận. Rãnh tận chia lưng lưỡi thành hai phần: phần trước rãnh là phần được phủ bằng một niêm mạc có nhiều nhú lưỡi (còn gọi gai lưỡi), phần sau rãnh tạo nên thành trước của khẩu hầu, được phủ bằng niêm mạc có nhiều nang bạch huyết tập trung lại thành hạch nhân lưỡi. Mặt dưới lưỡi nhẵn, dính với nền miệng bởi một nếp niêm mạc trên đường giữa gọi là hãm lưỡi, ở hai bên hãm lưỡi có những lỗ ống tiết của các tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi.

Đặc điểm của vị giác

Trên lưỡi có các nhú xúc giác và vị giác

Trên lưỡi có các nhú xúc giác và vị giác. Nhú xúc giác có hình đài nằm ở sau chữ V lưỡi, còn nhú vị giác có hình nấm nằm ở trước chữ V lưỡi. Ở người, có 4 loại nhú vị giác để phân biệt 4 cảm giác cơ bản là ngọt, mặn, chua và đắng. Theo mức độ nhạy cảm mặt lưỡi được chia làm 4 vùng vị giác: Từ trước ra sau là vùng nhận cảm vị ngọt ở đầu lưỡi, tiếp theo là vùng nhận vị mặn ở hai bên lưỡi, rồi tới vùng nhận vị chua cũng ở hai bên lưỡi, cuối cùng là vùng nhận cảm vị đắng ở sát chữ V cuối lưỡi. Lưỡi có thể xác nhận được 4 vị cơ bản theo các độ nhạy cảm tăng dần là đắng, chua, ngọt, mặn. Cảm giác đó là do những thần kinh vị giác phân bố trên bề mặt lưỡi (vị giác trường) tiếp nhận. Muốn gây được cảm giác vị giác thì các vật nếm phải được hòa tan ở một nồng độ ngưỡng chất định trở lên. Nhiệt độ cũng có ảnh hưởng đến cảm giác vị giác (30-40oC là tối thuận cho nhận cảm vị giác), lưỡi miệng khô cũng làm giảm cảm giác vị giác. Ở những người có khả năng nhận biết sành sỏi các vị, có thể phân biệt được:

- Vị ngọt, khi trong 1kg thực phẩm chỉ có 7g đường. Nếu là saccarin thì 0,01.

- Vị mặn, khi trong 1kg thực phẩm có 0,5g muối NaCl.

- Vị chua, khi trong 1kg thực phẩm có 0,3g giấm (acid acetic).

- Vị đắng, khi trong 1kg thực phẩm chỉ có 0,016g quinin.

- Vị cay, khi trong 1kg thực phẩm chỉ có 0,001-0,002 capsaicin.

Và một số hóa chất có thể phát hiện ở nồng độ ppm (phần triệu).

Những bất thường ở lưỡi

Mỗi người chỉ có một lưỡi, có khả năng thò ra, thụt vào, có thể liếm mép. Nhưng cũng có những người mắc chứng lưỡi to dày khiến cho việc uốn lưỡi, ăn nói khó khăn.

Đặc biệt hiếm gặp là người 3 lưỡi. Tháng 2/1998 AFP đưa tin: tại vùng Tây Nam Trung Quốc có một người nông dân tên là Xiang Shihua 32 tuổi, có tới 3 lưỡi. Đây là một trường hợp hiếm thấy từ trước tới nay trên thế giới. Tại Bệnh viện Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, thành phố Wanyuan phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, các bác sĩ quân y đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân này. Theo người bệnh cho biết hồi còn nhỏ khi được 4-5 tuổi, sau lần bị ngã, Xiang Shihua thấy trong miệng mình xuất hiện thêm 2 lưỡi mới, và 28 năm sau đó chúng cứ thế phát triển to dần.

Ngoài ra, ở lưỡi còn có một loại bị nứt bẩm sinh, lành tính. Trên bề mặt lưỡi có những rãnh nứt ngang, dọc, sâu. Rãnh sâu nhất, rộng nhất chạy ở chính giữa lưỡi, các rãnh ở rìa lưỡi thì ngắn hơn và nông hơn. Niêm mạc lưỡi bình thường vẫn phủ lên các rãnh nứt đó. Lưỡi không đau, không cộm, nhưng nếu vệ sinh không tốt dễ bị nhiễm khuẩn, hoặc nhiễm nấm thứ phát. Vì là bẩm sinh nên hiện chưa có phương pháp nào chữa có kết quả.

Bệnh thực sự và do mắc phải thì có thể gặp trong một số trường hợp sau:

Lưỡi lông: Là một tình trạng bệnh lý do tăng sinh các nhú, các nhú dài ra và dày lên. Lưỡi lông cũng thường nhiễm sắc tố nâu đen do các vi khuẩn tạo sắc tố gây nên. Các yếu tố thuận lợi gây nên lưỡi lông là sốt, mất nước, giảm tiết nước bọt, uống kháng sinh trong thời gian dài.

Lưỡi bản đồ: Là một loại viêm lưỡi đặc biệt, nguyên nhân có thể do vi khuẩn. Viêm lưỡi biểu hiện thành từng mảng trụi gai, đỏ và nhẵn có viền trắng vằn vèo như hình bản đồ, viền hơi gờ cao 1-2mm, vùng trung tâm đỡ đỏ hơn, đỡ trụi gai hơn có xu hướng bình thường, không đau, tiến triển dai dẳng.

Viêm lưỡi trụi gai từng đám: Tổn thương mất gai lưỡi dẫn đến vết trụi gai khu trú đỏ và nhẵn không trợt, không đau. Có thể có các hình thái lâm sàng như: Trụi gai thành từng đám nhẵn, đều đặn, tròn hoặc bầu dục, liên kết thành từng mảng, không cứng, không đau, đơn độc, hoặc nhiều đám ở một vùng nào đó trên lưỡi. Nguyên nhân có thể do bệnh lý ở răng lợi, rối loạn tiêu hóa, bệnh giang mai...

Rối loạn vị giác: Lưỡi không còn khả năng tinh vi nhận cảm vị giác như: giảm vị giác, lẫn lộn vị giác, mất vị giác... Rối loạn vị giác có thể là do tổn thương tế bào thụ thể trong nụ vị giác, hoặc tổn thương dây thần kinh hướng tâm vị giác. Những bệnh nhân nhiễm độc kim loại nặng, nhiễm khuẩn hình thành khuẩn lạc ở nhú vị giác, thoái hóa trong khoang miệng, xạ trị... có thể gây ra rối loạn vị giác. Ngoài ra, còn có một số loại thuốc có tác dụng phụ gây rối loạn chức năng vị giác, nhất là những loại thuốc có ảnh hưởng đến quá tình sinh sản tế bào như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng tuyến giáp... và các chấn thương, hoặc các phẫu thuật làm tổn thương thần kinh hướng tâm vị giác.

Theo BS Vũ Hướng Văn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.