Không dùng nước quá lạnh khi sơ cứu bỏng

Nhiều người khi bị bỏng thường dùng nước quá lạnh hoặc đá để 'làm mát' nhanh chóng vết bỏng. Thực tế, điều này có thể khiến vết thương nặng thêm.

Hàng năm tại Khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 1.100-1.500 bệnh nhân vào điều trị, trong đó không ít trường hợp được người nhà tự xử trí ban đầu không đúng cách khiến cho vết bỏng nặng hơn, nhiều sẹo hơn, gây biến chứng nhiễm trùng, ảnh hưởng đến việc điều trị.

Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, bỏng có thể gặp trong sinh hoạt, trong lao động, cả trong vui chơi giải trí, các thảm họa cháy nổ. Đây là tai nạn nặng nề, điều trị tốn kém, lâu dài, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến chức năng, thẩm mỹ, tâm lý, kinh tế...

Nạn nhân bị bỏng xăng. Ảnh: A.X

Nạn nhân bị bỏng xăng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: A.X

Tác nhân gây ra bỏng thường là nước nóng, thức ăn nóng, bỏng do lửa như lửa cồn, lửa xăng, lửa gas, lửa do cháy nhà, cháy xe... Ngoài ra còn có các tác nhân bỏng do hóa chất axit, vôi tôi nóng, khói nóng, hơi nóng, tiếp xúc với vật nóng, bỏng điện, sét đánh, do phóng xạ...

Bỏng là tai nạn có thể phòng tránh nên mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản về dự phòng bỏng và sơ cứu bỏng.

Những việc cần làm khi sơ cứu bỏng:

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng gây bỏng.

- Ngăn chặn tiến triển bỏng bằng cách cho nạn nhân nằm lăn tròn dưới đất (không được chạy) hoặc dùng chăn, vải dày để dập lửa. Quần áo đang cháy hoặc có tác dụng giữ nhiệt phải được cởi bỏ càng sớm càng tốt. Cởi bỏ vật dụng gây siết bó như đồ trang sức, dây lưng...

- Tiến hành làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước mát, sạch (15-20 độ C) khoảng 20 phút hoặc đặt khăn, quần áo ướt lên vùng bỏng. Nên thay khăn mát thường xuyên vì khăn cũng hấp thu nhiệt và giữ nhiệt.

Lưu ý không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh và đảm bảo giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng của nạn nhân.

- Che phủ vết bỏng bằng vải sạch khô và băng ép nhẹ vùng bị bỏng.

- Nâng cao vùng bị bỏng giúp giảm phù nề.

- Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Những điều không được làm khi sơ cứu bỏng:

- Không làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa vết bỏng vào nước sạch, đắp vết bỏng bằng nước đá, đá lạnh...

- Không ngâm rửa vết bỏng bằng nước ấm.

- Không tự ý đắp thuốc lá, thuốc Đông y chưa rõ nguồn gốc. Không đắp các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, nước tương, lá cây... hoặc bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch. 

- Cẩn thận không làm trợt loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt phồng.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.