Kinh dị đồ lót cũ

Vì ham giá rẻ hoặc muốn sưu tập hàng "độc", nhiều bạn gái thích chọn đồ lót, đồ bơi cũ. Họ không biết rằng đây chính là "kho" chứa vi trùng nguy hiểm.

"Không tốn nhiều tiền mà vẫn có đồ đẹp, chất lượng, lựa đi em!". Đó là lời mời nhiệt tình của một chị bán đồ lót tại chợ Nguyễn Tri Phương, Q. 10, TP. HCM. Thấy tôi còn chút chần chừ, chị cầm một chiếc áo ngực lên, mời tiếp: "Vừa túi tiền sinh viên nè em. Hàng xịn đó!".

Giá rẻ "bèo", chất lượng đến đâu?

"Bao nhiêu một chiếc vậy chị?", tôi vờ hỏi. Chị bán hàng nhoẻn miệng cười: "Mười lăm nghìn hai chiếc. Hàng thanh lý chứ không phải đồ cũ đâu!".

Tôi cầm hai chiếc áo ngực người bán hàng vừa đưa. Không quá khó để nhận ra đó là đồ đã mặc qua, chỗ ren tuy còn nguyên nhưng phần dây đã bị xoắn lại.

Lấy cớ tấm áo ngực quá dày, tôi từ chối rồi ngỏ ý mẹ có hàng áo quần ở quê, hỏi chị mua sỉ để mang về bán lại. Lập tức, chị ta vui vẻ mời chào tôi nhiều mặt hàng khác: "Em muốn mua hàng gì, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông hay hàng thanh lý?". "Nhìn qua chỗ để quần lót, tôi thấy một bên bày hàng đẹp, còn mới và một bên là hàng cũ, hàng kém chất lượng. Tôi hỏi qua giá một chiếc quần lót cũ mèm, chị ta không nói giá mà giải thích: "Hàng đó không đủ size đâu em!". "Sao không đủ size vậy chị?", tôi vặn vẹo. "Vì đó là hàng thanh lý!", chị bán hàng trả lời ngay.

Theo những gì tôi nhìn thấy tại hàng đồ lót này, giá "bèo" là thứ thu hút nhiều chị em ham rẻ. Quần lót vài nghìn đồng, áo ngực 15.000 đồng hai chiếc, thậm chí là ba chiếc. Một chiếc áo ngực đắt nhất tôi hỏi cũng chỉ 45.000 đồng. Nửa giờ lân la tại đây, tôi đếm có hơn năm chị em ghé lại. Người hỏi mua vài chiếc áo ngực, người chọn chiếc quần ren không còn mới...

Theo tiết lộ của một người bán hàng, đây là một trong những sập bán đồ lót lớn nhất với số lượng nhiều nhất chợ. Nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc. Mỗi lần chị chủ sạp này chở về cả xe tải, bạn hàng đến lấy về bán rất đông.

Thích đồ lót cũ vì muốn có hàng "độc"

Ở TP. HCM, một vài địa chỉ nhiều người thích săn đồ cũ (hay còn gọi là đồ si-đa) thường lui tới là chợ Bà Chiểu hoặc đường Nguyễn Hữu Cầu gần chợ Tân Định... Đồ cũ ở các nơi này không thiếu món gì, từ quần áo người lớn, quần áo trẻ em, giầy dép, đồ bơi, đồ lót đến thú nhồi bông...

Đồ cũ không được tinh tươm như đồ mới nhưng có nhiều kiểu dáng. Nếu biết chọn, bạn có thể sắm cho mình vài món không đụng hàng. Tuy nhiên riêng đồ lót cũ, việc dùng chúng phải hết sức thận trọng.

Hiện nay, mốt "đồ si-đa" không còn thịnh nhưng mặt hàng này vẫn giữ vị trí nhất định trong nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là trong giới trẻ. Hàng "độc", giá rẻ, những ưu điểm này khiến đồ cũ vẫn không cũ.

Khi tôi dạo qua khu vực Nguyễn Hữu Cầu, hai cô gái ăn mặc khá mốt dừng xe trước một cửa hàng đồ cũ, hỏi bà chủ: "Hôm nay có hàng mới về không cô?". "Có, trong đó kìa!", người bán chỉ tay vào đống quần áo nằm giữa nhà. Sau một hồi xốc lên xốc xuống, cuối cùng, hai cô cũng chọn được hai chiếc jeans lửng, một bộ đồ bơi sặc sỡ, một chiếc quần "chíp" mà theo lời họ là đồ hiệu.

Đứng quan sát, tôi nghe hai cô gái thầm thì: "Mấy chiếc này đẹp và lạ, tụi mình đã đi mấy shop mà không thấy kiểu này". Nhìn bộ đồ bơi và chiếc quần "chíp" trên tay cô gái, tôi hỏi nhỏ: "Hàng này mà cũng xài đồ cũ hả em?". Hai cô cùng nhoẻn miệng cười: "Ăn thua gì chị ơi, giặt vài lần thì con vi khuẩn nào sống nổi. Mua ở đây vừa rẻ vừa có hàng độc. Đồ hiệu cả đấy! Đồ này vào shop, tiền nào mua nổi".

Một cô cho biết thêm: "Thấy mấy đứa bạn mặc đồ lót kiểu rất lạ nên bọn em hỏi thăm để tìm mua. Tụi nó nói chỉ mấy chỗ bán đồ cũ mới có những hàng này!".

Dạo quanh một lượt các tiệm đồ cũ, tôi thấy các chị em không chỉ ham giá rẻ mà còn thích sưu tập "hàng lạ, hàng độc". Món đồ họ chọn thường là áo ngực màu lạ, quần lót mà theo lời họ kháo nhau: "Đã từng nằm trong bộ sưu tập ở tận bên Anh, bên Mỹ".

Nguy cơ nhiễm bệnh từ đồ bơi cũ

Vào mùa nóng, các cửa hàng bán đồ bơi cũ bắt đầu đông khách vì mặt hàng này luôn được cho là rẻ, đẹp. Tuy nhiên, từ thực tế cũng như cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa, đồ bơi cũ ẩn chứa nguy cơ viêm nhiễm các loại bệnh về da, đường sinh dục.

Không quá khó để tìm một bộ đồ bơi đẹp tại các cửa hàng bán đồ cũ. Chỉ cần chịu "bới móc", bạn sẽ có ngay một bộ hợp với vóc dáng. Nhiều người quan niệm: "Đồ lót cũ mặc trong người cũng hơi ớn, nhưng đồ bơi mặc một lát, ăn thua gì!".

Chính vì tâm lý này, nhiều người không ngần ngại mua đồ bơi cũ. Thế nhưng, đồ bơi chẳng khác gì đố lót vì thông thường đã mặc đồ bơi, ít ai mặc thêm đồ lót bên trong. Vi khuẩn cũng chẳng đợi lâu, chỉ cần bạn khoác lên người là chúng lập tức xâm nhập vào cơ thể.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ đồ bơi cũ không thể lường trước. Không ai có thể biết chủ cũ của nó có nhiễm bệnh hay không. Nếu người mặc trước bị các bệnh da liễu, người sau sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nhiều người chủ quan chỉ cần giặt xà phòng và phơi nắng là sạch, nhưng trên thực tế, vi khuẩn vẫn còn ẩn nấp đâu đó.

Quan sát, tìm hiểu tại những điểm bán đồ cũ, tôi thấy quần áo bơi được bày bán có rất nhiều chủng loại, kích cỡ. Từ quần tắm nam đến bikini, thậm chí có cả quần áo bơi của trẻ em. Tất cả đều được đổ đống hay trộn lẫn trong mớ đồ cũ. Một số món đã ngả màu, dúm dó, phần thun bị giãn, thậm chí có chiếc quần còn ố vàng phần đũng... Hầu hết người mua phải bới trong đống đồ cũ đó để tìm cho mình món phù hợp. Mỗi bộ quần áo bơi của phụ nữ hoặc trẻ em có giá từ 15.000 - 90.000 đồng, tùy loại.

Người bán luôn miệng quảng cáo: "Đồ mặc sát người mà, yên tâm, đã được giặt sạch sẽ!". Quần áo lót cũ đã qua giặt giũ vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh, liệu những lời quảng cáo này đáng tin đến đâu khi trong đống đồ cũ vẫn không thiếu những bộ ố vàng?

Hậu quả khôn lường từ đồ lót "second-hand"

Theo bác sĩ sản khoa Hồ Thị Ngọc, công tác tại Bệnh viện FV, TP. HCM, khó ai biết được có các chất bẩn gì trong quần áo cũ và cũng khó biết quần áo đó có bị nhiễm nấm, bệnh da liễu, hoa liễu từ người mặc trước hay không. Đặc biệt, đối với đồ lót cũ, bạn càng không nên mặc. Nếu người mặc trước đã bị các bệnh về nấm da, nấm vùng âm đạo hoặc các bệnh về da liễu, nguy cơ người mặc sau bị nhiễm là rất cao.

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm, các loại nấm thường ký sinh trên quần áo rất lâu và khó có thể diệt sạch bằng cách giặt thông thường. Khi đã nhiễm vào người, phải dùng các loại thuốc đặc hiệu mới có thể diệt được. Đó là chưa kể đến các biến chứng như viêm loét da, viêm âm đạo dẫn đến vô sinh... Vì thế, tốt nhất nên mặc quần áo mới. Không nên vì "mốt" mà chọn đồ "si-đa" vì nguy cơ nhiễm nấm rất cao.

Trong một bộ đồ lót bạn mới thay ra có không dưới 0,1g chất cặn bẩn còn bám lại. Vi khuẩn thường chỉ được loại sạch khi bạn xử lý quần lót với nước sôi, sau đó giặt sạch và phơi khô.

Bác sĩ Ngọc cho biết, trong trường hợp phải dùng quần áo cũ, bạn cần tẩy, sấy, hấp sạch như quần áo bệnh viện để đảm bảo vệ sinh. Việc giặt hấp đúng quy trình mới có thể tiêu diệt các mầm mống gây bệnh.

Tuyệt đối không mặc quần áo cũ giặt giữ một cách sơ sài, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Nếu chỉ giặt bình thường và phơi nắng, bạn khó có thể diệt được nấm và các loại vi khuẩn gây bệnh khác.

Như thế, công sức và chi phí bỏ ra để "thanh tẩy" đồ cũ xem ra tương đương với việc mua đồ mới. Thậm chí với quần áo mới, bạn cũng cần giặt giũ sạch sẽ trước khi mặc. Từ lúc còn là mảnh vải mới dệt đến khi thành phẩm, quần áo đã "vật lộn" với biết bao thứ bụi, chất bẩn. Đấy là chưa kể quần áo bày bán tại các cửa hàng có thể "qua tay" nhiều người mặc thử. Tốt nhất, thay vì mua mười bộ đồ lót hoặc đồ bơi cũ, bạn hãy dành tiền để mua một bộ mới, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo An Đông



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.