Ngừa tiêu chảy cho trẻ vào mùa hè

Tiêu chảy dễ mắc ở trẻ em, tỷ lệ tử vong cao. Mùa hè được các chuyên gia y tế khuyến cáo là thời điểm dễ phát bệnh tiêu chảy nhất ở trẻ.

Tiêu chảy dễ mắc ở trẻ em, tỷ lệ tử vong cao. Mùa hè được các chuyên gia y tế khuyến cáo là thời điểm dễ phát bệnh tiêu chảy nhất ở trẻ.

Chuyển bệnh nhanh
 
Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP HCM vừa cứu sống một trường hợp tiêu chảy cấp có biến chứng nặng. Bệnh nhi chưa được 1 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, khó thở, trụy mạch, có dấu hiệu mất nước nặng. Ngay lập tức, bé được đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch chống sốc và thực hiện các xét nghiệm cấp cứu. Bác sĩ kết luận bệnh nhi bị toan chuyển hóa, hạ đường huyết và hạ kali máu nặng.

Mang đến bệnh viện ngay nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau:

- Bỏ ăn, bỏ bú.

- Sốt cao.

- Tiêu phân có máu hoặc tiêu lỏng nhiều lần.

- Trẻ khát đòi uống nước liên tục.

- Khóc không thấy nước mắt.

Đặc biệt đối với các trẻ bụ bẫm hoặc béo phì, các bậc cha mẹ phải quan tâm nhiều hơn vì những trẻ này rất khó đánh giá tình trạng mất nước.

Theo BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPCHM, trước đó, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận những trường hợp biến chứng nặng do tiêu chảy cấp như bệnh nhi trên. Nguy hiểm là những trẻ tiêu chảy khoảng 10 lần/ngày, đột nhiên sốt cao, co giật, hôn mê, trụy mạch. Nếu không xử trí kịp thời rất dễ tử vong.

Mùa hè được các chuyên gia y tế khuyến cáo là thời điểm dễ phát bệnh tiêu chảy nhất ở trẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương, mùa nào trẻ cũng có thể bị đe doạ bởi bệnh tiêu chảy cấp. Nhưng tỷ lệ phát sinh bệnh cao nhất là mùa hè - thu. Trẻ nhỏ bị tiêu chảy rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được sơ cứu kịp thời. Tiêu chảy cấp cũng là một trong số loại bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, tử vong cao nhất ở trẻ nhỏ.

Khi bị tiêu chảy, nếu trẻ có những biểu hiện như: Mất nước, mắt hõm sâu, miệng cực kỳ khô, khát nước, khóc không thấy nước mắt, tiểu tiện ít, không muốn ăn và uống nước, nôn mửa nhiều lần, trong 1-2 giờ đồng hồ đại tiện ra nước nhiều lần, trong phân có máu thì ngay lập tức phải đưa đến viện cấp cứu vì trẻ đang bị đe doạ tính mạng.

Bù nước cho trẻ như thế nào?
 
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Khi trẻ tiêu chảy cấp (tiêu chảy phân lỏng trên 3 lần/ngày và kéo dài dưới 14 ngày), điều quan trọng nhất phải vẫn phải cho trẻ ăn, bú nhằm tránh tình trạng hạ đường huyết. Phải bù nước cho trẻ bằng đường uống ngay từ những ngày bị tiêu chảy đầu tiên. Tốt nhất là uống nước oresol.

Tuy nhiên, nếu ở nông thôn không tiện mua loại nước điện giải này thì có thể thay thế bằng nước cháo muối hay nước gạo rang muối theo tỷ lệ 50g gạo  với 3,5g muối, nấu nhừ và lọc lấy nước. Cứ sau mỗi lần trẻ đại tiện, cha mẹ nên bù nước cho con với lượng uống từ 50-100ml đối với trẻ dưới 2 tuổi và từ 100-200ml đối với trẻ trên 2 tuổi. Riêng với nước oresol, không nên pha quá đặc. Tỷ lệ tốt nhất là 1 gói pha với 1 lít nước sôi để nguội.

Với trẻ còn đang bú mẹ, nên tăng thêm số lần cho con bú. Nếu đứa trẻ vì mệt không muốn bú mẹ thì tốt nhất là vắt sữa vào một cốc sạch (đã khử trùng) rồi cho con uống sữa đó. Tuy nhiên, người mẹ không được kiêng khem dầu, mỡ vì lý do sợ truyền sang con vì thức ăn của người mẹ có mỡ sẽ làm tăng hấp thu vitamin A,D,E,K. Vì vậy, thành phần của sữa sẽ không thiếu các vitamin này, nhất là vitamin A. Vitamin A làm tăng sức đề kháng của niêm mạc đường tiêu hoá, giúp tiêu chảy ở trẻ khỏi nhanh. Trong sữa mẹ năng lượng do mỡ tạo ra chiếm khoảng 50%. Vì vậy, nếu người mẹ kiêng mỡ sẽ thiếu năng lượng, dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Với những trẻ nuôi bộ bằng sữa bò hoặc sữa bột, khi cho trẻ uống sữa cần tăng thêm lượng nước sạch gấp 2 lần so với lúc bình thường để bổ sung thành phần nước đã bị mất.

Với trẻ đã ăn dặm hoặc ăn cơm, vì tiêu chảy mất nước, cơ thể mệt mỏi nên ngoài bú mẹ (nếu chưa cai sữa) có thể chia nhỏ bữa ăn cho trẻ và ăn làm nhiều bữa trong ngày. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn bằng những loại thức ăn hàng ngày chúng thường ăn hoặc thích ăn. Tuy nhiên, loại thực phẩm tốt nhất là cháo hoặc bột nấu với khoai tây, cà rốt, thịt lợn nạc, thịt gà, đồ uống có sữa đậu nành, sữa ít lactose hoặc không có lactose. Không nên cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường.

Theo Gia đình & Xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.