Nguy cơ ung thư từ những vật dụng gần gũi trong gia đình
Trong sinh hoạt, những vật dụng tưởng chừng rất đỗi quen thuộc nhưng lại là nguy cơ tiềm ẩn căn bệnh chết người.
Trong sinh hoạt, những vật dụng tưởng chừng rất đỗi quen thuộc nhưng lại là nguy cơ tiềm ẩn căn bệnh chết người. Hãy điểm danh những đồ dùng trong gia đình là mối nguy cơ gây hại trực tiếp đến sức khỏe chúng ta.
Nến thơm
Theo cảnh báo của các chuyên gia, lạm dụng thường xuyên, trong môi trường kín, các loại nến thơm có thể gây ra một số tác hại cho sức khoẻ: đau đầu, viêm xoang, tổn thương hệ thần kinh trung ương…
Một nghiên cứu của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) cho thấy gần một nửa số nến thơm trên thị trường có chứa hóa chất độc hại trong dây bấc được khuếch tán vào không khí khi đốt. Những hóa chất này dẫn đến sự gián đoạn hóc môn, rối loạn hóc môn và các vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều nến cũng được làm bằng sáp paraffin, khi bị đốt cháy nó sẽ tạo ra hai hợp chất có độc tính cao là benzen và toluene. Cả hai chất này đều là chất gây ung thư.
Những nguy cơ ung thư từ đũa ăn
Đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh. Liều gây chết thông thường là 3 g cho mỗi ký trọng lượng cơ thể.
Các nhà khoa học của cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Mỹ giải thích melamine và axit cyanuric hấp thụ vào máu, tập trung và tương tác trong nước tiểu ở bể thận và kết tinh thành các tinh thể hình tròn màu vàng, gây tổn thương thận, tạo sỏi thận.
Các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch.
Các chuyên gia vật liệu cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ inox vì nhằm giảm giá thành sản phẩm, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn gây nên các chà xát, cũng như việc đũa được sử dụng trong môi trường axit (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc. “Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...
Khói nhang
Khói hương (nhang) là nguyên nhân trực tiếp gây kích ứng đường hô hấp, có thể dẫn đến ung thư hoặc tử vong.Trong hương nhang bình thường, thành phần tạo mùi thơm là những hợp chất benzen. Khi đốt cháy, chất độc sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.
Nén hương cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm. Vì thế, những que hương càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, cũng không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc.
Kem đánh răng
Hầu hết kem đánh răng trên thị trường đều có chứa fluoride có tác dụng chống sâu răng. Nhưng hãy thử tưởng tượng, một hóa chất chống lại các vi khuẩn tự nhiên tất sẽ gây độc cho con người. Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ khi sử dụng các sản phẩm có chứa fluoride với căn bệnh ung thư , chất này còn có khả năng tích lũy gây độc tính ở người. Trong một số kem đánh răng còn có saccharin- gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên nó sẽ gây độc nếu sử dụng một số lượng lớn.
Các chuyên gia nha khoa đã đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng quá 3,4 mg kem đánh răng mỗi ngày cho người lớn, và 1,9 mg đến 2,1 mg đối với trẻ từ 7-15 tuổi. Trẻ em nên sử dụng kem đánh răng không có floride.
Chảo chống dính
Teflon là chất được phủ lên bề mặt của nhiều loại chảo chống dính kém chất lượng. Đây là vật liệu thông dụng, khá rẻ tiền nhưng không bền. Nó sẽ bị mòn đi theo thời gian và rất dễ trầy xước. Ở nhiệt độ sôi của dầu chất này sẽ bị phân hủy, trộn lẫn vào thức ăn và tác động trực tiếp lên sức khỏe con người gây ho, tức ngực, đau đầu, khó thở thậm chí là có nguy cơ gây ung thư hoặc bị sảy thai
Túi nilon
Theo kiểm tra của các cơ quan chức năng, các loại túi nilon được bày bán trên thị trường đều vượt ngưỡng cho phép sử dụng một số hợp chất như crôm, chì. Đặc biệt, túi càng sặc sỡ càng độc hại. Với những loại túi nilon màu dùng để chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm bị nhiễm các kim loại như chì, clohydric thì sẽ gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi.
Đồ nhựa
Những đồ nhựa được làm từ nhựa kém chất lượng sẽ sản sinh chất độc BPA. Đây là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, vô sinh hoặc ung thư, chủ yếu là ung thư gan. Đặc biệt, khi ở trong môi trường nhiệt độ cao như lò vi sóng, hộp nhựa sẽ sản sinh độc tố BPA cao gấp nhiều lần so với điều kiện thường.
Nước xả vải, tẩy rửa
Hiện nay không ít các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa bát, nước xả vải, dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh, nước lau nhà… được các nhà sản xuất quảng cáo chiết xuất từ thiên nhiên, không hại da tay, không gây hại cho người sử dụng… Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng, các sản phẩm đó chủ yếu được sản xuất từ hóa chất, nhiều loại gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chúng thường có chứa hoá chất benzyl, polyetylen, sodium hypochlorite hay chlorine. Đây là những chất có hại cho sức khỏe người sử dụng, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ tiêu hoá viêm da, rối loạn sinh dục, di tật thai nhi, hoại huyết và ung thư.
Ngay cả quần áo thông thường, nếu sử dụng nước xả vải mà không xả lại bằng nước sạch thì khi là ủi quần áo, sức nóng sẽ thúc đẩy sự bay hơi của các hóa chất vào không khí, khiến chúng đi thẳng vào cơ thể người thông qua đường hô hấp. Như vậy, vô hình trung người tiêu dùng đã đưa một lượng hóa chất vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe của chính mình.
Hải Anh/VietNamNet (tổng hợp)