Những điều cần biết về loãng xương

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, là hậu quả của sự suy giảm các khung protein và lượng canxi gắn với các khung này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương như do suy giảm nội tiết tố sinh dục gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh, do chế độ ăn không cung cấp đủ canxi hoặc cơ thể không hấp thu được canxi, do bệnh tật (Bệnh tuyến thượng thận, cường giáp trạng, suy thận mạn…) do lạm dụng thuốc. Trong đó, chế độ ăn là quan trọng vì trong cơ thể, 99% canxi tập trung ở xương, chỉ có 1% ở trong máu và các tổ chức. Cơ thể luôn kiểm soát mức canxi huyết một cách chặt chẽ. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ canxi, mức canxi huyết hạ thấp, cơ thể sẽ điều hòa các hormon để huy động canxi từ xương vào máu nhằm đảm bảo canxi ở mức ổn định bình thường. Như vậy bộ xương hoạt động như một kho dự trữ canxi và có thể huy động khi cần thiết. Nếu quá trình huy động diễn ra liên tục sẽ dẫn đến loãng xương.

Vai trò của canxi

Canxi đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình hoạt động của cơ thể. Muối canxi là thành phần thường xuyên của máu, các dịch tế bào và tổ chức. Các liên kết canxi tăng cường các cơ chế bảo vệ của cơ thể, nâng cao sức đề kháng.

Canxi có vai trò quan trọng trong co giãn cơ, dẫn truyền các xung dộng thần kinh và là chất đệm của máu.

Canxi ảnh hưởng tới hoạt động chức phận của cơ tim và một số hệ thống men tại cơ tim.

Muối canxi tham gia vào quá trình đông máu và tham gia điều chỉnh thăng bằng kiềm toan trong cơ thể.

Trong máu và các dịch sinh học khác, canxi ở dưới dạng ion hóa. Canxi ion hóa giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì các kích thích thần kinh, cơ.

Canxi rất cần thiết cho việc xây dựng và duy trì cấu trúc xương, răng của cơ thể.

Chuyển hóa canxi

Canxi thuộc loại những chất khó đồng hóa. Khi vào cơ thể, canxi dưới dạng ác liên kết khó tan hoặc không tan trong nước, dưới ảnh hưởng của độ tan dạ dày, một phần các liên kết canxi không tan chuyển thành hòa tan được, nhưng do hấp thu canxi ở dạ dày ít nên quá trình trên không có ý nghĩa đáng kể. Môi trường kiềm của ruột non tạo điều kiện hình thành các liên kết canxi khó tan và chỉ nhờ tác dụng các acid mật kèm theo tạo thành nhiều chất phức tạp khác cho phép chuyển canxi sang dạng hấp thu được.

Quá trình hấp thu canxi chủ yếu ở đoạn trên ruột non. Trong khẩu phần ăn, để cơ thể có hấp thu canxi tốt nhất, cần chú ý đến cân bằng giữa canxi và phosphat trong chế độ ăn, nên duy trì ở mức 1,5 – 2. Lượng phospho và magiê trong chế độ ăn quá cao sẽ ngăn cản hấp thu canxi. Tương tự, lượng muối kali và natri trong khẩu phần cao cũng làm giảm hấp thu và tăng đào thải canxi vì chúng cản trở sự tạo thành các liên kết phức tạp của canxi với acid mật. Việc duy trì mức canxi ổn định trong máu là rất quan trọng, cơ thể kiểm soát mức canxi huyết một cách chặt chẽ. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ canxi, mức canxi huyết hạ thấp, cơ thể sẽ điều hòa các hormon để điều động canxi từ xương vào máu nhằm đảm bảo canxi huyết ở mức ổn định bình thường.

Ngay từ lúc nhỏ, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đủ canxi cùng với vitamin D để tránh còi xương. Lúc tuổi thanh niên càng cần đảm bảo đủ 2 yếu tố trên để bộ xương phát triển tốt và đạt tới đỉnh cao độ tập trung canxi (mật độ xương) vào tuổi 25 – 30, sau đó giảm xuống ở nữ tuổi mạn kinh và nam giới sau 55 tuổi. Những người khi còn trẻ có độ đặc xương (mật độ xương) thấp khi về già dễ bị loãng xương. Những người gầy, nhỏ bé cũng dễ bị loãng xương.

Triệu chứng loãng xương

Các triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thương nhẹ (ngã ngồi, va chạm nhẹ, đi ô tô xóc, mang xách một đồ vật gì…) có thể xuất hiện và từ từ tăng lên.

Đau xương: Thường đau ở vùng xương chịu tải của cơ thể (cột sống, thắt lưng, chậu hông) đau nhiều nếu là sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau tăng khi đi lại, đứng ngồi lâu, giảm khi nằm nghỉ.

Hội chứng kích thích rễ thần kinh: Đau có thể kèm với dấu hiệu chèn ép, kích thích rễ thần kinh như đau dọc theo các dây thần kinh liên sườn, dọc theo dây thần kinh đùi, đau tăng khi ho, hắt hơi, nín thở.

Lún, nứt hoặc gãy xương: Lún đốt sống, gù còng, nứt hoặc gãy cổ xương đùi, xương cẳng tay, cổ tay xảy ra sau một va chạm mạnh hay chấn động nhẹ.

Không có biện pháp gì chữa khỏi hẳn bệnh loãng xương. Tuy nhiên có thể làm chậm lại quá trình phát triển bằng duy trì chế độ ăn đủ canxi phối hợp với dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chế độ ăn phòng bệnh loãng xương

Nhu cầu canxi:

+ Trẻ em dưới 15 tuổi cần 60 – 1000 mg canxi/ngày

+ Trẻ trên 15 tuổi và người lớn cần 700 – 1000 mg canxi/ngày

+ Phụ nữ mang thai, cho con bú cần nhiều canxi hơn, 1000 – 1200 mg canxi/ngày

+ Người già cần nhiều canxi hơn vì khả năng hấp thu canxi của họ thấp hơn. Với người trên 50 tuổi cần 1200 mg canxi/ngày.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng và đủ canxi:

Phải đảm bảo đủ nhu cầu và cân đối về năng lượng. Hoạt động thể lực điều độ, không uống rượu nhiều, duy trì cân nặng nên có. Nên ăn các loại rau củ như cải thìa, đậu bắp, bông cỉa, củ cải… và các loại đậu. Các loại cá như cá mòi, cá thu, cá đóng hộp còn nguyên xương. Đối với hải sản, cố gắng ăn một tuần ít nhất một lần các món tôm nguyên vỏ hoặc ốc, hến, sò. Ngoài ra, yaourt, phô-mai, sữa đậu nành, bột ngũ cốc và các loại sữa bò nguyên kem cũng là những thực phẩm bổ sung canxi rất tốt.

Theo BS Phạm Thu Hương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.