Ô nhiễm không khí - sát thủ tàn phá cơ thể nhanh nhất

Nhiều bệnh nhân nhập viện do làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí trầm trọng, rửa phổi cho nước đen ngòm như nước cống.

Nhiều bệnh nhân nhập viện do làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí trầm trọng, rửa phổi cho nước đen ngòm như nước cống.

Hôm 7/12, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lần đầu tiên phát báo động đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo về ô nhiễm môi trường. Nhiều thành phố xung quanh thủ đô cũng lần lượt đưa ra cảnh báo này do khói mù nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Còn tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông, sự phát triển của các khu công nghiệp, khí thải sinh hoạt cũng khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí từng có công bố Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Sương mù dày đặc tại Bắc Kinh ngày 27/11. Ảnh: Reuters
Sương mù dày đặc tại Bắc Kinh ngày 27/11. Ảnh: Reuters

Trao đổi với Zing.vn, PGS TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP HCM cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe con người song ít người để ý đến điều này.

Theo đó, ô nhiễm không khí được hiểu đơn giản nhất là do tình trạng gia tăng quá nhiều, thậm chí vượt ngưỡng của khói, bụi, đặc biệt là CO2, CO, chì và các hóa chất độc hại khác do xe máy, xe hơi, phương tiện giao thông, các nhà máy, khu công nghiệp thải ra.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn gây tình trạng dị ứng gây hen suyễn.

Trong đó, mũi là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến cửa ngõ này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.

Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây cho thấy các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. PGS Nam khuyến cáo, các chất độc không khí vào cơ thể chính là tác nhân gây ung thư phổi, vòm họng, mũi.

Còn về tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…

“Các chất ô nhiễm này là những chất độc tính xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào trong máu, vào cơ thể, ngấm vào các thành mạch gây nên tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, xơ cứng phổi, 5-10 năm sau mới phát bệnh”, PGS Nam phân tích.

Bác sĩ này cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng với các bệnh lý về phổi. Thậm chí có những bệnh nhân xơ cứng phổi, khi rửa phổi cho nước đen ngòm như nước cống.

Còn theo PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da…. Chúng là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau.

TS.BS Đỗ Quang Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng khuyến cáo thêm, bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi. Do đó, bác sĩ khuyên những người dân khi đi ra ngoài, đặc biệt những người trực tiếp làm việc trong môi trường bị ô nhiễm cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt tốt hơn.

“Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh”, bác sĩ Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó, những người sống trong khu vực bị ô nhiễm không khí nặng rất dễ mắc các bệnh đau bao tử, đường ruột, tiêu chảy do nguồn thức ăn, thực phẩm nhiễm khuẩn.

Đối phó ô nhiễm không khí như thế nào?

Về điều này, PGS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo, chúng ta có thể góp phần vào việc giảm ô nhiễm không khí bằng cách thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm cần một giải pháp đồng bộ của các cơ quan hữu quan.

Còn người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, cần giữ nguyên tắc:

- Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.

- Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.

- Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.

- Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.

- Hạn chế đi ra ngoài.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.