Ông bố cứu mạng con bị sốt co giật: Bố cứu hay con tự tỉnh?

Sốt co giật có cần cấp cứu khẩn cấp ngay tại chỗ giống như câu chuyện ông bố cứu mạng con đang được chia sẻ trên mạng không? Đây là ý kiến phân tích của chuyên gia.

Sốt co giật có cần cấp cứu khẩn cấp ngay tại chỗ giống như câu chuyện ông bố cứu mạng con đang được chia sẻ trên mạng không? Đây là ý kiến phân tích của chuyên gia.

>> Clip bố hà hơi thổi ngạt, cứu con sốt cao ngừng thở gây bão mạng

Những ngày qua, cư dân mạng xôn xao chia sẻ đoạn video ngắn có nội dung một ông bố có hành động sơ cứu ngưng tuần hoàn đã giúp con trai bị sốt co giật có biểu hiện ngưng thở, tím tái vượt qua cơn hiểm nghèo.

Chỉ trong thời gian ngắn, video đã có 500.000 lượt xem và hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Hành động của ông bố được coi là rất kịp thời nên đã giành giật được con khỏi bàn tay tử thần. Bên cạnh đó, rất nhiều người tỏ ý lo ngại về những nguy hiểm khi trẻ bị sốt co giật.

Nhận thấy "hiệu ứng ngược" của video khiến cho nhiều người hiểu sai về sốt  co giật ở trẻ em dẫn đến sự lo lắng không cần thiết và những xử trí sai rất có thể gây hại cho sức khoẻ của trẻ, vì thế chúng tôi xin phép đăng tải ý kiến của Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn, BS Nhi khoa, GĐ Y khoa – Hệ thống phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ nhận định về hành động sơ cứu trong video này.

Đồng thời, chúng tôi cũng xin phép BS Nguyễn Trí Đoàn đăng tải lại bài viết về Sốt co giật (được trích dẫn nguyên văn từ cuốn "Để con được ốm") nhằm giúp độc giả trang bị kiến thức về sốt co giật ở trẻ em và cách xử trí phù hợp, an toàn cho trẻ.

Clip bố hà hơi thổi ngạt, cứu con sốt cao ngừng thở gây bão mạng

Có thật sự ông bố đó đã nhanh trí sơ cứu và cứu mạng con trai?


Tôi được hỏi ý kiến về chuyện một ông bố sơ cứu đứa con và xem đoạn video đó trên trang báo mạng, và thấy có một số điều không đúng.

Theo như trong đoạn video clip đó và lời mô tả của ông bố, tôi đoán bé đó bị sốt co giật. Cơn co giật không nhất thiết phải là giật tay chân hay người, mà có thể chỉ là co cứng và tím.

Tình trạng co giật do sốt thường kéo dài khoảng 1-3 phút và tự hết. Do đó, đứa bé đó đã thở lại bình thường sau khoảng 1 phút, không phải vì ông bố sơ cứu. Trong khi bé bị co giật, chỉ cần đặt bé nằm nghiêng và không nhét bất cứ cái gì vô miệng bé.

Trong video clip đó có vài điều không đúng về sơ cứu.

- Thứ nhất, ông bố đó hà hơi thổi ngạt không đúng, vì thổi ngạt vào miệng mà không bịt mũi của bé thì hơi đó sẽ bay ra ngoài theo đường mũi, chứ không đi vào phổi được.

- Thứ hai, ông bố nhấn tim không đúng, dẫn đến tim không bơm được máu ra toàn thân. Ông bố đó đã ấn tim bằng cách nhấn vào cả lồng ngực bé đó, trong khi kỹ thuật nhấn tim đúng và hiệu quả là phải nhấn vào xương ức chỗ đường nối 2 núm vú, có nghĩa là giữa ngực, chứ không phải hai tay đặt hai bên lồng ngực như video clip của ông bố đó.

- Thứ ba, người phụ nữ lấy tay nhét vào miệng bé đó và vỗ vỗ vào lưng. Động tác đó không giúp ích gì cho bé.

Tóm lại, các thao tác sơ cứu đó không có hiệu quả gì đối với một bé bị ngưng thở hay ngưng tim thật sự. Bé đó tỉnh lại sau 1 phút chỉ đơn thuần là do đã tự qua cơn co giật, chứ không phải do thao tác sơ cứu (không hiệu quả) như vậy.

Ông bố cứu mạng con bị sốt co giật: Bố cứu hay con tự tỉnh? - Ảnh 1.

Những hiểu biết cơ bản về sốt co giật cha mẹ cần biết


Sốt co giật là gì?

Sốt co giật là một tình trạng co giật xảy ra ở trẻ trong lứa tuổi từ 3 tháng – 6 tuổi và có nhiệt độ sốt từ 38 độ C trở lên. Hầu hết tình trạng sốt co giật xảy ra ở các bé trong độ tuổi từ 12-18 tháng.

Trẻ bị sốt co giật sẽ có triệu chứng sốt, tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt, tay chân giật liên hồi và sau 1-2 phút thì sẽ tự hết co giật.

Trẻ sốt cao sẽ bị co giật?


Hiện nay, vẫn có nhiều thông tin cho rằng trẻ bị sốt cao, nếu không hạ nhiệt độ sẽ khiến trẻ bị co giật. Điều này không có cơ sở bởi không phải trẻ nào sốt cũng bị co giật và nhiệt độ sốt cao không nhất thiết sẽ gây sốt co giật ở trẻ.

Ở trẻ có cơ địa dễ co giật do sốt thì nhiệt độ sốt cao có thể dễ gây co giật hơn, tuy nhiên ngay cả khi trẻ đó (có cơ địa co giật do sốt) chỉ sốt 38 độ C đã có thể bị co giật, trong khi có trẻ sốt đến hơn 40 độ C vẫn không co giật (trẻ không có cơ địa sốt co giật). Và người ta ước tính có khoảng 2-4% bé dưới 5 tuổi bị sốt co giật, điều đó cũng có nghĩa là 96-98% (đa số) trẻ bị sốt sẽ không bị co giật.

Nguyên nhân khiến trẻ sốt co giật


Nguyên nhân của sốt co giật rất nhiều, trong đó có tình trạng nhiễm trùng: nhiễm do siêu vi, nhiễm do vi khuẩn hoặc là tình trạng sau chích ngừa cũng có thể khiến trẻ bị sốt co giật. Ví dụ như chích ngừa sởi – quai bị - rubella, sau khoảng 1-2 tuần, trẻ có thể bị sốt và co giật.

Ngoài ra, tình trạng sốt co giật ở trẻ thường hay có yếu tố gia đình. Có thể tiền căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ như ba, mẹ, anh, chị,...

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa ai biết được tại sao trẻ bị co giật khi sốt. Một số suy đoán cho rằng, tác nhân gây ra vấn đề co giật ở trẻ là do chất hóa học nào đó trong cơ thể tiết ra hơn là do nhiệt độ sốt.

Sốt co giật có gây ảnh hưởng đến não bộ và bệnh động kinh?


Tình trạng sốt co giật thường khiến người nhà rất sợ, nhất là cha mẹ rất hoảng hốt khi con bị sốt co giật. Nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng rằng đứa bé bị co giật sau này có thể bị ảnh hưởng não. Tuy nhiên, đây là một điều lo lắng tương đối chưa có cơ sở khoa học.

Nói chung, tình trạng sốt co giật hầu như không nguy hiểm và không để lại di chứng gì về thần kinh cho trẻ về sau. Tình trạng này cũng không tổn hại đến não, cũng như không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến trí thông minh của trẻ.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, những trẻ bị sốt co giật từ nhỏ vẫn thông minh, học giỏi, trí nhớ tốt, hành vi cư xử bình thường như những trẻ không bị sốt co giật. Thông thường, tình trạng sốt co giật ở trẻ sẽ hết sau 6 tuổi, một số trường hợp sẽ hết sau 7 tuổi. Và trẻ lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.

Cũng có nhiều cha mẹ lo lắng rằng trẻ bị sốt co giật là triệu chứng của bệnh động kinh. Điều này cũng không đúng. Bởi trẻ bị sốt co giật (febrile seirure hay febrile convulsion) không có nghĩa là trẻ bị động kinh. Động kinh (epilepsy) là tình trạng trẻ bị co giật ít nhất 2-3 lần trở lên và không kèm theo sốt, nó khác hoàn toàn với sốt co giật.

Ông bố cứu mạng con bị sốt co giật: Bố cứu hay con tự tỉnh? - Ảnh 2.

Cách xử lý khi con bị sốt co giật


Dù có lo lắng đến đâu, điều quan trọng nhất để xử trí khi trẻ bị sốt co giật là cha mẹ phải bình tĩnh. Thường đa số trường hợp trẻ co giật do sốt sẽ tự chấm dứt sau 1-2 phút, nên trẻ không cần phải tiêm thuốc chống co giật. Nếu sau khoảng 5 phút mà bé vẫn bị co giật, thì phụ huynh nên đưa bé đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử lý kịp thời. Có thể bé sẽ được cho thuốc để chống co giật.

Điều cần chú ý là người chăm sóc trẻ phải giữ cho đường thở của trẻ được thông thoáng bằng cách cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi thấp để đờm nhớt trong miệng trẻ chảy ra, KHÔNG NHÉT BẤT CỨ THỨ GÌ VÀO MIỆNG TRẺ ĐANG CO GIẬT và đừng cố giữ trẻ để ngăn sự co giật.

Nhiều cha mẹ thường quá lo sợ trong cơn co giật trẻ sẽ tự cắn lưỡi nên lấy cây đề lưỡi, nhét vào miệng bé, hoặc lấy tay cho vào miệng. Thực tế là trong đời làm bác sĩ tại khoa cấp cứu, tôi chưa bao giờ gặp trẻ nào bị co giật mà tự cắn lưỡi. Ngược lại, tôi chỉ toàn gặp những trường hợp trẻ cắn rách (đứt) tay người nào đó cố nhét tay vào miệng trẻ.

Tôi còn gặp những trường hợp người lớn cố nạy răng trẻ ra, làm chảy máu nướu, thậm chí làm gãy răng của trẻ. Do đó, cha mẹ không được nhét bất cứ cái gì vào miệng trẻ bởi khi co giật, bé đã nghiến chặt hai hàm răng của mình lại rồi, nên bé không thể nào để lưỡi vào giữa hai hàm răng để cắn vào lưỡi.

Một sai lầm thường hay gặp khác là người vắt chanh hay sả vào miệng đứa bé đang co giật. Điều này có thể gây ra nguy hiểm tính mạng của trẻ bởi khi bé ngưng co giật thì có thể hít vào và sặc hột chanh hay dị vật vào đường thở khiến trẻ bị nghẹt thở. Và trong thực tế, đã có trường hợp để lại di chứng ở não do trẻ bị thiếu oxy não vì nghẹt thở như vậy.

Thế nên, một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng việc vắt chanh hay sả vào miệng, hay cạo gió hay là hành động nào khác đi nữa thì cũng không làm cho bé ngưng co giật, mà hầu hết co giật do sốt sẽ tự chấm dứt sau vài phút. Khi bé ngưng co giật và bắt đầu tỉnh lại, người nhà có thể cho bé uống thuốc hạ sốt (paracetamol hay ibuprofen đều được).

Uống
thuốc hạ sốt có ngừa được sốt co giật?

Về mặt lý thuyết (hay lý luận) thì uống thuốc hạ sốt sớm sẽ hạ sốt và (hy vọng) giảm nguy cơ bị co giật do sốt. Tuy nhiên, vì sốt co giật thường xảy ra ngay cơn sốt đầu tiên của đợt bệnh và khi nhiệt độ tăng cao đột ngột (trước đó hoàn toàn không biết được bé sẽ bị sốt), nên hầu như cha mẹ không bao giờ kịp cho bé uống thuốc hạ sốt.

Và cho dù cha mẹ cho bé uống thuốc ngay lúc đó thì phải mất 20 phút sau hy vọng mới hạ sốt, nhưng trong thời gian đó bé đã bị co giật rồi. Thậm chí, có cha mẹ còn cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay cả khi bé không sốt để phòng ngừa.

Tuy nhiên, đã có nghiên cứu về việc cho uống thuốc hạ sốt để phòng ngừa co giật này và kết quả là chưa có nghiên cứu nào rút ra được bằng chứng về việc uống thuốc hạ sốt sẽ ngừa được co giật do sốt. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quá lo lắng thì vẫn có thể cho bé uống thuốc được.

Theo Trí thức trẻ

Trẻ sơ sinh

chăm sóc con

sốt

sốt co giật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.