Phòng bệnh mùa đông

Hiện nay, ở miền Bắc nhiệt độ xuống thấp khiến cho trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Theo thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) số bệnh nhi tới thăm khám, điều trị trong những tuần gần đây tăng khoảng 40% với khoảng 300-400 bệnh nhi mỗi ngày, đa số là các bệnh tiêu chảy, viêm mũi, họng sốt cao, hen phế quản v.v..

Hiện nay, ở miền Bắc nhiệt độ xuống thấp khiến cho trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Theo thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) số bệnh nhi tới thăm khám, điều trị trong những tuần gần đây tăng khoảng 40% với khoảng 300-400 bệnh nhi mỗi ngày, đa số là các bệnh tiêu chảy, viêm mũi, họng sốt cao, hen phế quản v.v..

Điều đáng ngại là mặc dù diễn biến bệnh của trẻ không có gì mới so với quy luật nhưng nhiều cha mẹ chủ quan, tự ý chữa ở nhà cho con dẫn đến những biến chứng đáng tiếc. Vì vậy, việc phòng ngừa và cách xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

Phòng bệnh mùa đông 1
Mùa đông, cần giữ ấm cho trẻ.          Ảnh: MH

Một số bệnh thường gặp

Viêm mũi - họng:

Viêm mũi- họng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 - 8 tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp...

Với biểu hiện là trẻ thường sốt khoảng 37oC nếu bệnh nhẹ, nếu bị bội nhiễm trẻ có thể sốt 39 - 40oC, trong 2-3 ngày. Ngoài ra trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, đôi khi có nôn mửa, tiêu chảy... Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho.

Cách xử trí: Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày cần nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 - 4 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi, với trẻ lớn dạy trẻ biết cách xì mũi đúng (bịt một bên, xì mũi bên kia). Nếu kéo dài phải đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Viêm phế quản

Viêm phế quản thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3-6 tháng tuổi. Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho nhiều hơn, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Đối với trẻ còn bú mẹ, khi viêm phế quản trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khoảng 1/5 trường hợp bệnh có thể kéo dài nhiều tuần. Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa.

Các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách: Với trẻ còn bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Khi có biểu hiện nặng lên và có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để được khám và điều trị.

Tiêu chảy

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số trường hợp bệnh hồi phục tốt nếu được chăm sóc đúng cách, ngược lại bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như  mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.

Tiêu chảy gồm 2 loại: tiêu chảy cấp tính xảy ra đột ngột, nhưng chỉ kéo dài vài ngày có khi tới hơn một tuần, nhưng không quá 2 tuần. Tiêu chảy mạn tính, là tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần, 1 tháng, có khi hơn nữa, có ngày tiêu chảy ít, có ngày tiêu chảy nhiều, có ngày tưởng như khỏi bệnh, nhưng sau đó lại tái phát ngay. Loại tiêu chảy mạn tính ít gặp hơn tiêu chảy cấp, nhất là ở trẻ em.

Cách xử trí: Bổ sung lượng nước thường xuyên nhất là oresol; Nếu là trẻ nhỏ cần cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn; Tuyệt đối không được nhịn ăn điều này hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Thực tế dù bị tiêu chảy nhưng cơ thể vẫn có khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng. Nếu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho quá trình lành bệnh diễn ra nhanh hơn.

Biện pháp phòng bệnh mùa đông

Bổ sung dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với bệnh. Cung cấp đủ các chất đạm, bổ sung vitamin, ăn nhiều trái cây, rau xanh.

Giữ ấm cơ thể: Nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm họng, viêm nhiễm các xoang. Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc quần áo đủ ấm; ăn uống nóng. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, tránh nhiễm lạnh do mưa, mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn giữ ấm, tránh gió lạnh… Lưu ý không mặc quá nhiều quần áo cho trẻ vì mặc quá nóng có thể làm cho trẻ ra mồ hôi khiến trẻ ngấm mồ hôi dễ dẫn đến nhiễm lạnh. Mùa đông, thời tiết lạnh, vì thế không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm cho trẻ. Hàng ngày, chỉ cần lau sạch cơ thể với nước ấm. Một tuần bạn có thể tắm cho trẻ 2 lần. Khi tắm cho trẻ, nhất thiết phải tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió.

Khi có việc ra ngoài đường, nên hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang, vừa có tác dụng ngăn ngừa bụi bẩn vừa có tác dụng ủ ấm cho đường hô hấp trên. Giữ ấm cho tai cũng rất quan trọng.

Vệ sinh ăn uống: Cần vệ sinh ăn uống, ăn nóng, không ăn các thức ăn ôi thiu. Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ để tránh nhiễm khuẩn. Rửa tay sạch sẽ, không cho trẻ mút tay, ngoáy mũi. Cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo chương trình quy định. Khi trẻ sốt liên tục hoặc kéo dài kèm theo có triệu chứng nặng hơn phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tránh để bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hiểm.

Theo SKĐS



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.