Quan niệm sai lầm khi không cho trẻ đánh răng sớm

Nhiều phụ huynh cho lo ngại việc trẻ đánh răng sớm sẽ làm mất lớp men răng, khiến răng đen. Điều này đúng hay sai?

Nhiều phụ huynh cho lo ngại việc trẻ đánh răng sớm sẽ làm mất lớp men răng, khiến răng đen. Điều này đúng hay sai?

Khi nào trẻ nên đánh răng?

Khác với các bạn bè cùng tuổi, bé Tùng Quân (5 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa biết đánh răng. Lý do bởi bố mẹ cháu không cho cháu đánh răng sớm. Mẹ của bé giải thích: “Hồi nhỏ, mình cũng đâu được đánh răng, thậm chí lên lớp 3 mình mới bắt đầu biết đánh răng. Mình sợ men răng của cháu còn yếu, việc chà xát sẽ làm xước lớp bên ngoài đồng thời làm tổn thương phần lợi của con”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền (Thanh Hóa) dù đã tập cho hai bé Linh Đan, Linh Chi (3 và 5 tuổi) đánh răng nhưng cũng cho rằng việc đánh răng ở trẻ là chưa cần thiết. Do đó, hầu như hai bé không đánh răng hay dùng các biện pháp chăm sóc răng miệng nào khác. Hiện tại răng của hai bé đã bắt đầu có dấu hiệu bị sâu, đặc biệt hơi thở rất hôi.

Trả lời thắc mắc về việc đánh răng ở trẻ nhỏ, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa răng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba (Hà Nội), cho hay 90% trẻ em Việt Nam gặp vấn đề về răng miệng, trong đó việc không cho trẻ đánh răng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới vấn đề này.

Theo đó, đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ăn là thói quen cần duy trì ở trẻ để có hàm răng khỏe mạnh. Thực tế, có nhiều trẻ đã mọc hết răng nhưng bố mẹ vẫn chưa nhận thức đúng về vấn đề này.

Theo tiến sĩ Hải, nếu bé chưa được 3 tuổi thì nên chải răng bằng nước sạch hoặc nước muối sau bữa ăn. Còn khi trẻ đã mọc đủ răng và có ý thức biết nhổ nước ra ngoài, không nuốt vào là có thể đánh răng và dùng kem đánh răng loại chuyên dùng cho trẻ en.

Để an toàn cho trẻ, tiến sĩ Hải lưu ý, phụ huynh cần phân biệt rõ loại kem đánh răng dành cho trẻ em và loại dành cho người lớn. Theo đó, loại dành cho trẻ em được sản xuất dựa trên nguyên lý có ít chất gây hại nhất, chất kiềm sẽ ít hơn để không ảnh hưởng đến men răng và lợi của trẻ. Lúc đầu, mẹ chỉ nên sử dụng một ít kem và hướng dẫn trẻ không được nuốt kem. Ngoài ra, các mẹ cũng nên chọn kem đánh răng có mùi vị phù hợp sở thích của bé. Tuyệt đối không sử dụng kem đánh răng để lâu hoặc đã hết hạn.

Sau 6 tuổi, trẻ có thể dùng kem đánh răng của người lớn.

Đánh răng thế nào là đúng?

Vẫn theo tiến sĩ Hải, việc chăm sóc bộ nhai cho trẻ cần cẩn thận hơn người lớn, trong đó, phụ huynh cần phải hướng dẫn trẻ những điều nhỏ nhặt nhất. Trong đó, việc lựa  chọn bàn chải phù hợp cũng khá quan trọng. Bạn nên chọn kích cỡ dành cho trẻ em, bàn chải lông mềm, mịn để giúp răng lợi của bé không bị tổn thương mà vẫn sạch. Đối với trẻ lớn, lông bàn chải cũng cần phải có độ cứng vừa phải, đồng thời phải có độ đàn hồi. Bởi nếu lông bàn chải quá mềm, sẽ không thể làm sạch răng một cách tốt nhất, cứng quá lại dễ làm tổn thương răng. Thay bàn chải cho trẻ 3 tháng một lần, khi lông trên bàn chải đã bắt đầu bị xơ.

Đặc biệt, khi hướng dẫn con cách đánh răng, nhiều mẹ vẫn áp dụng thói quen chải răng theo chiều ngang. Theo tiến sĩ Hải, đây là một sai lầm phổ biến dẫn đến hậu quả trầy nướu, mòn răng trong khi mảng bám không sạch. Do đó, hãy dạy bé cách đánh răng theo vòng tròn và hướng lên xuống, chải mặt trong, mặt ngoài của răng.

Về tần suất đánh răng, bác sĩ cho hay, mỗi ngày, cả người lớn lẫn trẻ em chỉ nên đánh răng 2-3 lần sau khi ăn đặc biệt là khi tiêu thụ món ngọt, tinh bột và trước khi ngủ. Trong đó, đánh răng trước khi ngủ có vai trò quan trọng nhất vì ban đêm miệng không hoạt động, vi khuẩn có điều kiện phát triển gây sâu răng.

Cần chú ý, không đánh răng ngay khi vừa ăn, lúc này môi trường miệng mang tính axit nhiều, chà mạnh dễ làm tổn thương men. Do đó, bạn chỉ nên đánh răng sau khi ăn ít nhất 15-20 phút.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.