Sốt kéo dài, nguy kịch tính mạng vì côn trùng đốt

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt cao dài ngày, mệt mỏi, vàng da toàn than, thậm chí bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi… từ những nốt đốt tưởng như vô hại của côn trùng.

Nằm điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (BV Nhiệt đới) đã được 6 ngày, nhưng bà Phạm Thị Nhiệm (68 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn còn rất mệt mỏi, vàng da toàn thân, men gan tăng.

Trước thời điểm nhập viện, bà Nhiệm sốt liên tiếp 1 tuần liền, được chẩn đoán sốt vi rút điều trị không đỡ. Thấy người càng lúc càng mệt mỏi, bệnh viện Mỹ Đức đã chuyển bệnh nhân lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sỹ đã phát hiện bà bị mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia gây nên; trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò.

Sốt kéo dài, nguy kịch tính mạng vì côn trùng đốt
Bệnh nhân Phạm Thị Nhiệm vẫn còn tình trạng vàng da sau 6 ngày nhập viện điều trị. Trước đó, bà sốt dai dẳng cả tuần trước khi nhập viện. Ảnh: H.Hải

TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt do côn trùng mò, ve đốt không phải là hiện tượng lạ. Ngược lại, đây là căn bệnh khá phổ biến trong mùa hè, thường gặp nhất tại các vùng quê có nhiều bụi rậm, là nơi sinh sống của các loài côn trùng mò thuộc họ ve.

Khi bị côn trùng mò thuộc họ ve đốt, người bệnh thường có biểu hiện sốt kéo dài 2-3 tuần, kèm theo có loét ở vùng da bị đốt, nổi hạch toàn thân và nổi ban. Trên thực tế, bệnh thường dễ bị bỏ qua, chẩn đoán nhầm nếu không quan sát, khám kỹ, không phát hiện được vết đốt trên cơ thể người bệnh.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 150 trường hợp bị sốt do các loại côn trùng như mò, ve đốt. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 20 ca bệnh do bị loài côn trùng này đốt. Bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh vùng cao, trung du như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn… Phần lớn các bệnh nhân khi nhập viện đều không biết, hoặc chủ quan dù thấy nốt côn trùng đốt. Chỉ đến khi sốt kéo dài, người mệt mỏi, vàng da… bệnh nhân mới tới viện khám và nhiều người ngỡ ngàng khi biết chỉ vì một vết côn trùng đốt tưởng như vô hại lại gây những biểu hiện trên.

Vết đốt của côn trùng này dễ bị bỏ qua dẫn đến chẩn đoán nhầm bệnh. Ảnh: H.Hải

Vết đốt của côn trùng này dễ bị bỏ qua dẫn đến chẩn đoán nhầm bệnh. Ảnh: H.Hải

Theo ThS. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, về bệnh học, sốt do ấu trùng mò đốt có thể gây những bệnh cảnh nặng như tình trạng nhiễm trùng huyết và suy đa phủ tạng. Các bác sỹ cảnh báo, có nhiều trường hợp suy đa phủ tạng thậm chí tử vong khi bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì thế, trong mùa hè này, nếu thấy bỗng dưng sốt cao kéo dài, dai dẳng người dân cần nghĩ đến nguy cơ côn trùng đốt để đi khám. Người bệnh cũng nên tự kiểm tra trên cơ thể, nếu thấy các vết đốt màu đen trên nền da màu hồng bị viêm tấy kèm sốt kéo dài thì cần đến khám ngay tại  các cơ sở y tế, tránh để diễn biến kéo dài có thể gây vàng da, tổn thương gan, thậm chí có biến chứng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy phủ tạng… đe dọa tính mạng.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.