Sốt ruột cảnh chờ 4-5 tiếng để tiêm 1 mũi vắc xin dịch vụ

Sau nhiều ngày hết vắc xin dịch vụ 5 trong 1, ngày hôm nay, nhiều điểm tiêm chủng tiêm trở lại vắc xin này.

Sau nhiều ngày hết vắc xin dịch vụ 5 trong 1, ngày hôm nay, nhiều điểm tiêm chủng tiêm trở lại vắc xin này. Người dân ùn ùn đến các điểm tiêm chủng, trung bình mỗi người phải chờ đợi 4 - 5 tiếng từ khâu lấy số đến khi được tiêm xong.

Đã 16h chiều ngày 7/7 nhưng vẫn rất đông các bậc phụ huynh có mặt tại điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Lò Đúc, Hà Nội).

Hồng Hải
Tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh, 3 mẹ con bà cháu em bé này chờ đợi 4 - 5 tiếng con mới đến lượt tiêm.

Ngay cổng ra vào, chốc chốc lại có ông bố, bà mẹ dừng xe, vội vàng hỏi vắc xin 5 trong 1 để vào đăng kí số.

 

Trong nhà, lúc 16h5’, bà bé Trần Tuấn Phát (5 tháng tuổi, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) vừa bế cháu ra khỏi phòng tiêm cho biết: “Lường được đông đúc, cả 3 mẹ con bà cháu đã lỉnh kỉnh sữa, bỉm lên điểm tiêm chủng từ lúc 12h trưa”.

 

Còn chị Tuyên (ở phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) thấy mình may mắn vì nhà gần nên có thể ngồi canh, chờ gần 4 tiếng đến lượt mới gọi về nhà đưa con lên. “Bé được tiêm lúc 3h30, đã ngồi theo dõi 30 phút đang chuẩn bị về. Chỉ đi tiêm chủng thôi mà mất hẳn nửa buổi. Thấy nhiều bé ở xa, sữa bỉm lỉnh kỉnh, ngủ vạ vật bố mẹ bế trên tay vã hết mồ hôi mà mình cũng sốt ruột thay”, chị Tuyên cho biết.

 

ThS.BS Nguyễn Minh Hồng, Phó trưởng Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật y tế dự phòng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, ngày hôm nay, tại điểm tiêm chủng tiếp nhận khoảng 600 - 700 trường hợp đến tiêm, trong đó chủ yếu là tiêm chủng vắc xin 5 trong 1.

Hồng Hải
16h chiều, phòng tiêm chủng tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn đông nghịt.

Đánh giá về hiện tượng thiếu nguồn vắc xin dịch vụ thời gian gần đây, từ vắc xin sởi - quai bị - rubella, vắc xin thủy đậu, cúm và gần đây là hết sạch vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho biết: Tình trạng “cháy” vắc xin chỉ xảy ra tại khu vực tiêm vắc xin dịch vụ còn 11 loại vắc xin trong chương trình TCMR, trong đó có vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đều không thiếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm trẻ.

Khác với trong TCMR có kế hoạch cụ thể về lượng vắc xin cần chuẩn bị, vắc xin dịch vụ tuaân theo quy luật cung cầu.

“Làm sao để xác định đúng nhu cầu người dân, bài toán cung cầu không đơn giản”. Các điểm tiêm chủng phải xác định trước nhu cầu cần dùng để đặt hàng phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu thì gây lãng phí như 1 số năm trước hoặc ngược lại như hiện nay, GS Hiển giải thích.

 

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho rằng, hiện tượng cháy vắc xin thời gian vừa qua là do việc lập dự trù, đặt hàng của một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ chưa kịp thời, dẫn đến việc thiếu vắc xin cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của người dân. Để tránh tình trạng này, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần nghiêm túc thực hiện việc lập dự trù sát với thực tế, đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhập khẩu vắc xin để cung ứng đủ cho người dân.

 

Ông Hiển cho biết thêm, thời gian tới Viện sẽ có thảo luận với Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh với các công ty cung ứng vắc xin trong nước và quốc tế, với Cục Quản lý Dược để bàn xem cơ chế nào đó để xác định nhu cầu, xác định số trẻ cần tiêm vắc xin dịch vụ để định lượng nhập cho phù hợp.

 

Dưới đây là 1 số ảnh phóng viên ghi nhận tại điểm tiêm chủng dịch vụ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 7/7:
Hồng Hải
Hồng Hải
Người mẹ này cho biết, chưa bao giờ chị thấy đi tiêm phòng dịch vụ khổ như hôm nay, chị cũng như các bà mẹ khác, chờ không dưới 4 tiếng từ khi xếp hàng lấy số, đợi bác sĩ tư vấn cho đến lượt tiêm.
Hồng Hải
Hồng Hải
Mệt mỏi phờ phạc vì chờ tiêm.
Hồng Hải
Hồng Hải
Nhân viên y tế luôn tay tiêm cho các bé

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.