Sưởi ấm bằng bếp than: Đừng giỡn với "tử thần"

Thông tin về sự việc con tử vong, bố mẹ nhập viện vì sưởi ấm bằng than một lần nữa là lời cảnh báo đối với nhiều gia đình về thói quen chống rét rất nguy hiểm này.

Thông tin về sự việc con tử vong, bố mẹ nhập viện vì sưởi ấm bằng than một lần nữa là lời cảnh báo đối với nhiều gia đình về thói quen chống rét rất nguy hiểm này.

Tỷ lệ người dân dùng than còn rất cao

Theo đó, tối ngày 8/12, do thời tiết lạnh nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (20 tuổi) và Lê Thị Thúy Kiều (19 tuổi, cùng trú thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang) đốt lò than đặt dưới gầm giường sưởi ấm cho con trai là Nguyễn Văn Huy (1 tuổi).

Trưa ngày 9/10, bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ anh Hùng, đi làm về thấy cửa phòng hai vợ chồng con trai đóng kín mít nên gọi nhưng không ai trả lời. Nghi có chuyện chẳng lành, bà Hoa phá cửa vào thì phát hiện cháu Huy đã tử vong; hai vợ chồng con trai bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu.

Sưởi ấm bằng bếp than: Đừng giỡn với "tử thần" - 1

Đã có rất nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong do sưởi ấm bằng than.

Thực tế, việc nhập viện do dùng than sưởi ấm mùa đông không phải là hiếm. Theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận cấp cứu 10 đến 20 bệnh nhân ngộ độc do hít phải khí than. Bên cạnh những ca tử vong, cũng có không ít người không thể trở lại bình thường do não bị ảnh hưởng, thậm chí có người còn sống thực vật.

Riêng về việc sử dụng than tổ ong và than củi trong sinh hoạt hàng ngày, một nghiên cứu tại Hà Nội cho thấy, đối với khu vực nội thành, 70% gia đình sử dụng gas, điện và số còn lại dùng bếp than tổ ong để đun nấu sinh hoạt. Còn ở ngoại thành và các tỉnh khác, tỷ lệ này ngược lại là 30% dùng gas, điện và 70% dùng than củi.

Khi bị ngộ độc thường không biết

Nói về sự nguy hiểm khi sử dụng than tổ ông cũng như than củi, nhất là dùng để sưởi ấm trong phòng kín TS Phạm Duệ, nguyên GĐ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, than cháy sẽ sản sinh ra chất độc nên nếu đốt ở chỗ thoáng khí sẽ làm loãng nồng độ chất độc còn nếu đốt trong phòng kín, than cháy sẽ đốt hết oxy, nồng độ chất độc tích tụ, gây thiếu máu não và ngộ độc cho người.

Cùng quan điểm với TS Phạm Duệ, trao đổi với phóng viên về vấn đề này TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người dân phải hết sức thận trọng với các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, củi bởi trong phòng kín sẽ gây nên hiện tượng đốt cháy không khí và rất nguy hiểm, thậm chí làm cả nhà tử vong.

Sưởi ấm bằng bếp than: Đừng giỡn với "tử thần" - 2

TS Trương Đình Bắc trao đổi với phóng viên về những tác hại khi sưởi ấm bằng than.

Theo TS Bắc, than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra một loại khí cực độc là carbon monoxide (CO). Khí CO được tạo ra từ các nhiên liệu cháy không hoàn toàn, thường gặp là dùng các loại than để đun nấu, sưởi ấm, khói từ các vụ cháy nhà, khói xả từ máy phát điện, động cơ xe máy, ôtô, ở nơi thông khí kém như phòng đóng kín cửa, khu vực ít lưu thông khí, sử dụng lò nướng bằng khí đốt để sưởi...

“Nạn nhân khi hít phải khí này nặng thì bị tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng thần kinh - tâm thần. Khí CO là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích cho nên khi bị ngộ độc, nạn nhân thường không biết.

Cho đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì bản thân họ không còn khả năng gọi cấp cứu được nữa. Khí CO là chất gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với oxy gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể. Vì thế, những cơ quan nào sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương nặng nhất, theo đó, não và tim sẽ bị tổn thương nghiêm trọng”, TS Bắc cảnh báo.

Đặc biệt, các nạn nhân dễ tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn hoặc có thể để lại di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề. Các đối tượng: phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, mạch máu não có nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn.

Cuối cùng TS Bắc cũng khuyến cáo, khi người nhà phát hiện ra nạn nhân bi nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau: nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi. Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Theo Khám Phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.