TP Hồ Chí Minh: Phát hiện phẩy khuẩn tả trong ốc bươu

Mẫu ốc bươu được lấy tại chợ Cầu Xáng, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh - nơi cung cấp thực phẩm cho các hộ dân có chùm ca tiêu chảy xã Lê Minh Sơn (Bình Chánh) đã được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.

Mẫu ốc bươu được lấy tại chợ Cầu Xáng, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh - nơi cung cấp thực phẩm cho các hộ dân có chùm ca tiêu chảy xã Lê Minh Sơn (Bình Chánh) đã được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.
 
Thông tin trên được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại cuộc họp trực tuyến ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người diễn ra tại Hà Nội và các đầu cầu TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Sơn La.
 

Nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm là nguyên nhân gây dịch tiêu chảy

 
Tiêu chảy vì nước bẩn, thực phẩm ô nhiễm!

Trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà đã trực tiếp đi thị sát hai ổ dịch tiêu chảy tại huyện Bình Chánh với 14 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong cho thấy, điều kiện vệ sinh của dân ở đây còn rất khó khăn, mức độ ô nhiễm ở mức báo động. Vẫn còn tình trạng hồ tiêu thải thẳng ra ao cá, sát ngay phòng ngủ.

Bộ trưởng cũng công bố kết quả kiểm tra nguồn nước tại TP Hồ Chí Minh cho thấy các trạm cấp nước dưới 1.000 m3 khối nước hàm lượng clo rất thấp, có nơi gần như không. Bên cạnh đó, một số nước nhiễm bẩn, không hợp vệ sinh. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu TP Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng nước sạch tại các khu vực này.

Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm ốc bươu tại chợ Cầu Xáng, nơi cung cấp thực phẩm cho các hộ dân xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh – nơi có chùm ca tiêu chảy) cũng phát hiện dương tính với chủng phẩy khuẩn tả từng gây bệnh tả ở Việt Nam năm 2007. Theo điều tra, người bán ốc lấy ốc ở chợ đầu mối Bình Điền giáp ranh với huyện Bình Chánh.

“Với bệnh tiêu chảy, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt là những nguyên nhân trực tiếp gây dịch. Chỉ cần cải thiện được nước, nguồn thực phẩm và thực hiện ăn chín uống sôi, dịch bệnh sẽ đỡ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.

Theo Bộ trưởng Tiến, bên cạnh việc cải thiện điều kiện sinh hoạt, cung cấp nguồn nước sạch, thực phẩm đảm bảo thì việc tuyên truyền người dân vùng dịch cũng rất quan trọng. Bệnh tiêu chảy lây qua đường phân – miệng, nếu ăn uống, vệ sinh không đảm bảo chắc chắn lây ra. Vì thế, phải tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ môi trường, rửa tay xà phòng trước ăn uống…

Dịch tiêu chảy còn diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch tiêu chảy cấp có thể có chiều hướng gia tăng hơn, dù số mắc hiện nay ghi nhận 6 tháng đầu năm 2014 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp, tả có nguy cơ xảy ra tại Việt Nam bởi nhiều yếu tố.

Kết quả giám sát trọng điểm bệnh tả năm 2013 của Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã giám sát trên 800 mẫu bệnh nhân tiêu chảy cấp tuy không phát hiện dương tính với phẩy khuẩn tả, tuy nhiên, kết quả giám sát các yếu tố nguy cơ lại thấy sự hiện diện của vi khuẩn này. Theo đó, 0,9% mẫu nước ngoại cảnh dương tính với khuẩn tả V.cholera 01 và o139; giám sát một số thực phẩm nguy cơ cao thì có đến 0,4% mẫu dương tính với V.cholera 01.

Chưa kể, hiện có đến 22 tỉnh có tỷ lệ bao phủ nhà tiêu dưới 50%. Đặc biệt còn 5% hộ gia đình chưa có nhà tiêu và 12% hộ gia đình sử dụng cầu tiêu ao cá (tập trung nhiều ở phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long) không hợp vệ sinh.

Ngay tại huyện Bình Chánh, nơi xảy ra hai ổ dịch tiêu chảy làm 14 trường hợp mắc, 2 tử vong, các hộ gia đình sống trong khu vực tự phát nên điều kiện vệ sinh thấp kém, nước ao hồ tù đọng, sử dụng cầu tiêu trên ao cá, rác thải không được thu gom xử lý và thiếu nước sạch.

“Trong khi nguyên nhân gây tiêu chảy đầu tiên là do môi trường, do điều kiện vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm, mầm bệnh xuất phát từ thực phẩm ăn uống, từ nguồn nước. Nếu mầm bệnh này xuất phát từ nguồn nước, khả năng xảy ra dịch rất lớn. Vì thế Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp. Trong đó cũng lưu ý thêm trách nhiệm của người dân tham gia vào phòng chống dịch bệnh. Mỗi người dân hiểu biết đầy đủ sẽ tham gia hiệu quả vào việc phòng ngừa dự phòng thông thường.

Khuyến cáo, ăn chín, uống sôi, thực phẩm vệ sinh sẽ không bị bệnh. Mỗi người dân nếu có ý thức hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình dự phòng này”, Thứ trưởng Long nói.
 

Cấp 150 nghìn liều vắc xin tả

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ có 150 nghìn liều vắc xin tả được cấp cho 3 tỉnh có nguy cơ cao là Bến Tre, Tiền Giang, Huế. Trước thực trạng TP Hồ Chí Minh xuất hiện dịch tiêu chảy, mẫu thực phẩm tại đây dương tính phẩy khuẩn tả, Bộ Y tế sẽ bàn bạc, xem xét khả năng cấp vắc xin tả cho TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo điều quan trọng người dân phải áp dụng những biện pháp theo hướng dẫn của y tế để phòng bệnh. Đặc biệt chính quyền các cấp phải triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp, trong đó đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân.

 
Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.