Trào ngược thực quản

Gặp tình trạng này, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp, dẫn đến ung thư thực quản.

Nôn trớ ở trẻ là một triệu chứng bình thường. Thế nhưng, nếu nôn nhiều trong ngày, trẻ có thể bị trào ngược dạ dày – thực quản. Bác sĩ Trần Nguyên Khôi, chuyên khoa cấp 1 Nhi khoa, khoa Dịch vụ 3, bệnh viện Nhi đồng II, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.

Những triệu chứng của trào ngược là gì?

- Quấy khóc vô cớ, biếng ăn, có biểu hiện nôn hoặc ợ thường xuyên (hiếm xảy ra vào lúc ngủ, thường xảy ra trong vòng một giờ sau bữa ăn).

- Trẻ lớn sẽ có cảm giác rát bỏng sau xương ức, khó nuốt.

Nôn trớ bình thường khác với trào ngược dạ dày - thực quản như thế nào?

(Ảnh minh họa)

Trẻ nôn trớ thường liên quan đến bệnh lý đi kèm gồm viêm họng, rối loạn tiêu hóa… chứ không liên quan đến bữa ăn. Hiện tượng nôn trớ này xảy ra trong thời gian ngắn, nhất định, không có chu kỳ, không lặp lại nhiều lần và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Còn trào ngược dạ dày – thực quản thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Hiện tượng này luôn xảy ra sau bữa ăn khoảng một giờ và xảy ra ở trẻ khỏe mạnh, không có yếu tố bẩm sinh khác.

Trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản thường khỏi hẳn ở tháng thứ 9 đến tháng thứ 18.

Trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày – thực quản sinh lý không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và sinh hoạt thường ngày của bé. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày – thực quản bệnh lý lại gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của bé. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị viêm thực quản. Nếu viêm thực quản kéo dài, con bạn sẽ đứng trước nguy cơ bị ung thư thực quản. Bên cạnh đó, bé còn có thể gặp những biến chứng về hô hấp (viêm phổi, bệnh phổi mãn tính). Trào ngược dạ dày – thực quản còn có thể gây hội chứng chết đột ngột.

Chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản như thế nào?

Sau khi bú, bạn nên cho trẻ nằm sấp, kê đầu cao 30 độ so với thân người. Cho bé tựa lên vai mẹ và vỗ lưng để trẻ ợ hơi. Bạn cần tránh các yếu tố làm tăng áp lực trong ổ bụng như táo bón, mặc quần áo chật, những loại thuốc, thực phẩm làm dãn co thắt, khói thuốc lá, sôcôla…

Thức ăn của những trẻ này cần đặc hơn bình thường và nên chia nhỏ cữ ăn. Bạn hãy cho bé uống một ít nước ấm để làm sạch miệng, lưỡi sau khi nôn. Nếu nghi ngờ dị ứng protein sữa bò, hãy cho trẻ dùng sữa thủy phân protein trong hai tuần hoặc loại trừ protein sữa bò để khỏi chế độ ăn của mẹ nếu vẫn đang cho bé bú.

Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ dùng các loại thuốc chống nôn Metoclopramide, thuốc Antacid: Phosphalugel, Ranitidin, Opmepraol trong tám tuần. Sau hai tháng, nếu không có kết quả và trẻ có triệu chứng hô hấp nặng, bạn cần cân nhắc cho trẻ phẫu thuật sớm để tránh khả năng bị ung thư thực quản.

Có thể dùng sữa chống nôn dành cho trẻ hay nôn trớ?

Bạn có thể cho trẻ dùng loại sữa này, nhất là với những trẻ nghi ngờ dị ứng protein sữa bò. Những loại sữa này có đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng để trẻ phát triển bình thường nhưng cần kết hợp ăn dặm đúng và đủ chất cho trẻ theo từng giai đoạn phát triển.

Theo Thanh Phương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.