Trời nồm ẩm, bệnh nào dễ phát?

Thời tiết nồm ẩm ướt trong mấy ngày qua chính là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn mầm bệnh phát triển.

Thời tiết nồm ẩm ướt trong mấy ngày qua chính là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn mầm bệnh phát triển.

Thời tiết ẩm ương, dễ phát tán bệnh truyền nhiễm

Chị Nguyễn Ngọc Anh (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) than thở: “Nhà có bốn người thì ba người hắt hơi sổ mũi, cảm cúm lây nhau. Khổ nhất là con bé mới 3 tuổi, ho sù sụ hai ngày nay mà đêm qua lại thấy sốt nhẹ. Chắc phải đưa đi khám, ngộ nhỡ mắc viêm phổi thì khổ”.

Theo lời chị Ngọc Anh, chồng chị là người đầu tiên mắc cúm, dù tránh tiếp xúc, thế nhưng lần lượt từng người còn lại trong nhà đều bị lây. Còn chị Hoàng Minh Thùy (Lò Đúc, Hà Nội) buộc phải nghỉ làm hai ngày nay vì bé lớn mắc thủy đậu. Chị Thùy cho biết: “Đứa bé mới 2 tuổi mà đành phải dứt ra gửi nhờ bà ngoại vì sợ chúng lây nhau”.

Nồm ẩm là nguyên nhân của nhiều bệnh truyền nhiễm
Nồm ẩm là nguyên nhân của nhiều bệnh truyền nhiễm

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, thời tiết giao mùa từ xuân sang hạ thường nồm, ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển, gia tăng thời gian tồn tại, phát tán các mầm bệnh  trong không khí.

Thời tiết “ẩm ương” không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ ốm, sức khỏe người lớn cũng bị ảnh hưởng. Các bệnh dễ bùng phát trong thời điểm này phải kể đến các bệnh hô hấp viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp; bệnh sởi, thủy đậu, não mô cầu, tay chân miệng...

“Đặc biệt, lưu ý với trẻ nhỏ, thời tiết nồm, ẩm gây toát mồ hôi dễ thấm ngược vào cơ thể nếu cha mẹ không để ý. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì viêm phổi với diễn tiến nhanh”, BS. chuyên khoa Nhi Nguyễn Tiến Dũng  lưu ý.

Theo khuyến cáo của BS. Trung Cấp, để phòng bệnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, điều quan trọng là các gia đình phải giữ vệ sinh môi trường sống, làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà; làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, hong khô quần áo trước khi mặc. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh tốt cần thực hiện đúng lịch tiêm chủng.

Cẩn trọng với máy hút ẩm

Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn mấy ngày qua khiến không ít gia đình lao đao vì quần áo phơi vài ngày không khô; sàn, tường nhà ẩm ướt rất khó chịu. “Mở cửa sổ thì sợ nhà đổ mồ hôi, đóng kín cửa thì ngột ngạt không thể chịu được. Đành đầu tư cái máy hút ẩm, anh Hoàng Anh Nghĩa (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ. Cùng lý do, nhiều gia đình tìm đến “cứu cánh” là máy hút ẩm và máy sấy quần áo.

Chính vì vậy, đây là hai loại mặt hàng tiêu thụ nhanh. So với một số đồ gia dụng khác, máy hút ẩm có giá đắt hơn, dao động từ 3,5 - 10 triệu đồng/sản phẩm, tùy thuộc vào thương hiệu, xuất xứ và công năng.

Theo các chuyên gia việc sử dụng máy hút ẩm để làm khô không gian phòng ở là cách phòng bệnh hiệu quả, nhưng cần phải lưu ý, độ ẩm phải đạt trong giới hạn hợp lý (thông thường 40 - 70%) nếu không sẽ phản tác dụng.

Cụ thể, trường hợp sử dụng máy hút ẩm thường xuyên, trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người như gây khô da, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Máy hút ẩm không có tác dụng điều hòa, làm sạch không khí, vì vậy, trong quá trình sử dụng, các gia đình nên mở cửa thông gió để lưu thông không khí và điều chỉnh độ ẩm của máy một cách hợp lý, tránh để quá thấp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo độ bền cho máy, người sử dụng cần thực hiện tốt việc bảo dưỡng như: Thay bộ lọc không khí theo định kỳ, xả hết nước trong máy hút ẩm khi không sử dụng nữa. Khi độ ẩm quá thấp, sẽ khiến niêm mạc mũi, miệng khô, dễ gây nên tổn thương.

Theo Báo Giao Thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.