Vô phương cứu chữa vì lạm dụng kháng sinh

Thực trạng về sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, lạm dụng gây khó khăn trong công tác điều trị được đặt ra như một vấn đề cấp bách.

Các chuyên gia y tế nhận định là do sử dụng thuốc kháng sinh không theo đơn, chủ yếu theo… truyền khẩu từ chính những bệnh nhân với nhau và từ những người bán dược phẩm - không có chức năng kê đơn điều trị, sau đó là đến bác sĩ yếu kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm.

Bệnh gì cũng dùng kháng sinh

Một bác sĩ có phòng khám ở phố Cửa Bắc, Hà Nội, “nổi tiếng” là điều trị cho bệnh nhi rất… “mát tay” - bệnh “tiệt” nhanh, không phải điều trị kéo dài. Duy chỉ có điều, bệnh nhi phải “chịu khó” đau đớn hoặc mệt mỏi, bởi bác sĩ chuyên sử dụng thuốc kháng sinh, thậm chí liều cao ở cả hai hình thức: tiêm (chủ yếu là tiêm tĩnh mạch) và uống. Cứ nghe mẹ bệnh nhi kể triệu chứng sốt, ho… là bác sĩ sau khi nghe tim phổi, soi tai, mũi, họng… lập tức kê đơn thuốc kháng sinh ngay, không cho xét nghiệm hay phân tích nguyên nhân dẫn đến triệu chứng như vậy là gì.

Trong y khoa, nếu nguyên nhân do vi rút thì không điều trị bằng kháng sinh. Nhiều bà mẹ sau khi chữa trị cho con tại phòng khám của bác sĩ đó, bệnh tái phát nhiều lần, có lần nặng tới mức phải đưa con đi cấp cứu, điều trị tại bệnh viện thì mới biết con mình có dấu hiệu bị nhờn thuốc kháng sinh do sử dụng không đúng hàm lượng và lạm dụng, làm cho công tác điều trị không hiệu quả, phải kéo dài hơn thông thường. Bây giờ bác sĩ ở phòng khám trên phố Cửa Bắc “nổi tiếng” đến mức, hầu hết bác sĩ nhi ở các bệnh viện trên địa bàn đều biết vì phải “xử lý” hậu quả của việc kê đơn, điều trị kháng sinh tùy tiện của bà quá nhiều.

Không chỉ có bác sĩ mà ngay cả bệnh nhân cũng lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị. Nguyên nhân của tình trạng này được xem là bắt đầu từ chính thói quen chữa bệnh theo truyền khẩu của người Việt hình thành từ thời kỳ y học còn chưa phát triển, việc chữa trị hầu hết chỉ bằng thảo dược truyền thống và kéo dài cho đến nay. Mặc dù hiện nay, y học đã phát triển, khoa học kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào công tác điều trị nhưng rất nhiều bệnh nhân vẫn chữa bệnh theo truyền khẩu, đặc biệt là theo phương thức “rỉ tai nhau”. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cũng vậy.

Có nhiều bệnh nhân, mỗi lần có triệu chứng bệnh tật từ nhẹ đến nặng thay vì đến các cơ sở, trung tâm y tế trước tiên thì đều hoặc là ra hiệu thuốc nhờ chủ cửa hiệu… chẩn trị hoặc tìm hiểu từ những người cùng triệu chứng rồi họ mách dùng thuốc gì thì dùng thuốc ấy. Chứng kiến tại các hiệu thuốc lớn ở Hà Nội như ở Vĩnh Phúc, Giảng Võ, Vũ Trọng Phụng… mới thấy người dân lạm dụng thuốc kháng sinh như thế nào. Họ chìa ra những tờ giấy ghi tên thuốc kháng sinh được người quen mách cho để chủ cửa hiệu thuốc lấy cho họ. Họ kể biểu hiện bệnh để dược sĩ… kê đơn và bán thuốc. Tựu lại, việc sử dụng thuốc kháng sinh đang “loạn” và được dùng như… chất bổ dưỡng!

Hao người hại của vì
kháng sinh

Hao người hại của vì kháng sinh

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã thống kê: “Dù có quy định nhưng phần lớn thuốc kháng sinh vẫn được bán mà không có đơn kê với tỷ lệ 88% ở thành thị, 91% ở nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2010, kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và gần 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc”.

Từ thực trạng này cùng với thực tế hiệu quả trong điều trị, ông Cao Hưng Thái khẳng định nguyên nhân kháng thuốc kháng sinh có thể thấy vì sao và hệ lụy của nó là công tác điều trị phải kéo dài, kéo theo gánh nặng về chi phí làm cho bệnh nhân không những giảm năng lượng sống mà còn tốn kém tiền bạc.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì bức xúc: “Không quá khi nói rằng việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện dễ như mua rau hoặc dùng như… ăn cơm. Trong khi ở thế giới đặc biệt là những quốc gia phát triển, sử dụng loại thuốc này rất nghiêm ngặt, được quản lý chặt chẽ từ người kê đơn, điều trị đến người bán thuốc và người được điều trị”. Ông còn nói: “Kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu và đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển với gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn và những chi phí bắt buộc cho việc thay thế các kháng sinh cũ bằng kháng sinh mới đắt tiền. Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện là các nguyên nhân hàng đầu có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển, lan truyền tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn”.

Hiện nay, để điều trị đối với những bệnh nhân “nhờn” thuốc kháng sinh, các cơ sơ y tế phải dùng phối hợp nhiều loại thuốc. Có người nhiều nhất phải dùng kết hợp đến 6 loại. Còn đâu là 2-3 loại. Khảo sát tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2012, trong số gần 450 hồ sơ bệnh án, chỉ có duy nhất một bệnh án điều trị 1 loại kháng sinh.

Ðể khắc phục tình trạng này, TS Nguyễn Văn Kính cho rằng phải tăng cường giám sát sử dụng kháng sinh, tổ chức các chiến dịch thông tin đại chúng về mối hiểm họa của việc kháng kháng sinh đồng thời thay đổi cấu trúc các giải pháp chính sách để khuyến khích đối với bệnh nhân, các nhà lâm sàng và các đối tượng khác trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và các chính sách này phải được vận hành trong mối quan tâm cao nhất của xã hội

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh: Gây lãng phí do có một số bệnh, nhất là bệnh do virus gây ra không chữa bằng kháng sinh nếu vẫn dùng gây lãng phí; Gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh; Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao dễ dẫn đến suy tủy, hại thận.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.