Mẹ bị bệnh nặng nhưng không muốn điều trị

Mấy tháng nay mẹ cháu hay ho khan, mỗi lần ho cứ phải gập người lại vì đau. Mẹ cháu không muốn đi cầu thang lên tầng nữa vì thấy người nhọc quá. Chồng cháu thuyết phục mãi mẹ cháu mới đi khám tại bệnh viện tỉnh...

Cô Thanh Tâm ơi!

Nhà cháu một mẹ một con nên ngay từ bé, với cháu không gì có thể so với mẹ. Chỉ cần mẹ muốn, điều gì cháu cũng nỗ lực để khiến mẹ vui lòng. Có người yêu, việc đầu tiên bao giờ cháu cũng hỏi người đó có đồng ý sống cùng mẹ con cháu sau khi cưới không. 

Có lẽ vì vậy mà phải đến người đàn ông thứ tư, khi cháu 29 tuổi, mới đi đến kết hôn. 

Sự kiên trì, bền bỉ của cháu cũng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của chồng cháu, anh ấy thương và lo cho mẹ cháu thật lòng. Anh ấy như là con trai của mẹ cháu. Hai con gái của cháu gắn bó với bà ngoại từ nhỏ, những lúc ôm bà thì thầm vào tai, cả hai đứa gọi bà là "mẹ ngoại".

Mấy tháng nay mẹ cháu hay ho khan, mỗi lần ho cứ phải gập người lại vì đau. Mẹ cháu không muốn đi cầu thang lên tầng nữa vì thấy người nhọc quá. Chồng cháu thuyết phục mãi mẹ cháu mới đi khám tại bệnh viện tỉnh. 

Bác sĩ chẩn đoán mẹ cháu bị vôi hoá phổi, chỉ định tiêm mỗi ngày 2 mũi kháng sinh 2.000mg. Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện trong phổi của mẹ cháu có cái u nhưng vì mẹ cháu có vấn đề về tim nữa nên tuyến tỉnh không tiếp tục thực hiện các xét nghiệm. Cộng thêm, sau 10 ngày mẹ cháu chỉ đỡ chút ít nên hai vợ chồng cháu xin chuyển viện cho mẹ. 

Hôm đi ô tô lên Hà Nội, mẹ cháu cứ nắm tay hai vợ chồng cháu bảo nếu bệnh thông thường, điều trị được thì bao lâu mẹ cháu cũng cố gắng chữa cho khỏi. Nhưng nếu mẹ cháu mắc ung thư thì cho mẹ cháu về nhà nghỉ ngơi, an dưỡng, mẹ cháu không mổ, không xạ trị gì cả! 

Nghe mẹ nói mà cháu thương thắt ruột. Mong cô tư vấn cho cháu cách nào động viên tinh thần cho mẹ chữa bệnh được không cô?

Nguyễn Thị Minh (Lạng Sơn)

Minh thân mến!

Hẳn cháu đang rất lo lắng trước tình trạng sức khỏe của mẹ. Việc chứng kiến mẹ đau đớn mà không thể làm gì nhiều sẽ khiến cháu rất đau lòng. Nhưng chính cháu cũng cần bình tĩnh, tin tưởng vào những tiến bộ của y học trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Điều này chính là một cách giữ bình tĩnh cho mẹ tốt nhất đấy cháu ạ. 

Trước mắt, mẹ cháu đã chuyển viện, vợ chồng cháu động viên bà yên tâm thăm khám để biết thực trạng sức khoẻ của bà hiện nay. Bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn kỹ là một cơ sở để gia đình cháu quyết định lựa chọn chữa trị như thế nào. 

Khi có kết luận về bệnh, cháu hãy cùng mẹ tìm hiểu về căn bệnh của mẹ. Cháu cũng cần dành thời gian trò chuyện với mẹ, giúp mẹ cảm nhận được yêu thương của con cháu dành cho mình và không cảm thấy cô đơn. 

Những điều đó sẽ giúp mẹ cháu đối mặt và vượt qua những cảm xúc tiêu cực một cách mạnh mẽ hơn, giảm căng thẳng và lo lắng, từ đó có những quyết định sáng suốt hơn.

Nếu mẹ cháu phải điều trị ung thư, hãy tìm các nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư, nơi mẹ cháu có thể chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự động viên từ những người cùng cảnh ngộ.

Cháu có thể kể cho mẹ nghe câu chuyện về những người đã chiến thắng bệnh tật để giúp mẹ có thêm hy vọng; đồng thời cùng mẹ cháu thay đổi góc nhìn về bệnh tật, nhìn vào những điều tích cực, nhắc nhở mẹ cháu rằng điều trị sớm, đúng, đủ sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và kéo dài cuộc sống.

Cháu ạ, việc thay đổi tâm lý của một người bệnh cần thời gian. Hãy kiên nhẫn và đừng nản lòng, không ép buộc mẹ phải làm điều gì mà bà không muốn bằng cách tôn trọng quyết định của mẹ. 

Các cháu cũng cần phải chăm sóc bản thân thật tốt để có đủ sức khỏe hỗ trợ mẹ lâu dài nữa nhé. Mong mọi điều an lành đến với mẹ cháu!

Theo Phụ nữ Việt Nam

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/me-bi-benh-nang-nhung-khong-muon-dieu-tri-20240827162512882.htm

khám bệnh


6 loại thực phẩm bổ dưỡng tốt nhất cho phụ nữ mang thai
Quá trình nuôi dưỡng một sinh linh mới là một trong những việc khó khăn. Điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn bổ dưỡng. Lựa chọn những thực phẩm tốt nhất sẽ giúp cả mẹ và em bé khỏe mạnh hơn trong thai kỳ.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.