Cắn răng gửi con cho mẹ chồng để đi làm, sau một tháng trở về thăm con, tôi không ngờ mình lại lĩnh hậu quả đau điếng đến thần người

Nhiều đêm nhớ con đến không ngủ được, tôi chỉ mong mỏi được gặp con dù chỉ giây phút, nhưng mẹ chồng bảo không nên gọi video vì con bé cứ nhìn thấy tôi là khóc khiến bà dỗ dành rất vất vả…

Vợ chồng tôi còn nghèo, mới mua được căn hộ chung cư trả góp nên phải giật gấu vá vai tiết kiệm kham khổ để lo trả cho hết nợ. Vì thế mà khi con vừa tròn 1 tuổi, tôi phải cắn răng cai sữa cho con rồi gửi về bà nội trông giúp để lao vào kiếm tiền. Trước đó tôi đã nghỉ quá lâu vì không nhờ được ai trông con.

Bố mẹ chồng ở quê cách chỗ chúng tôi hơn trăm cây số. Ông bà cũng không thể ra thành phố vì còn vườn tược, nhà cửa. Bố chồng tôi thì cứ thỉnh thoảng lại ốm vắt, hết đau đầu đến sốt nên bà không thể để ông một mình được. Vì thế, tháng trước vợ chồng tôi mang con về quê.

Xa con khi con quá nhỏ như vậy, nhiều đêm tôi không ngủ được vì nhớ và thương con. Thế nhưng tôi không dám gọi điện vì có lần gọi về, con nhìn thấy tôi thì bật khóc nức nở nửa đêm đòi về với mẹ khiến bà nội vất vả lắm mới dỗ dành được. Từ đó, mẹ chồng không để tôi nói chuyện với con nữa mà chỉ thỉnh thoảng quay video rồi gửi cho tôi xem. Càng xem càng nhớ con các chị ạ. Ai rơi vào hoàn cảnh của tôi chắc sẽ thấu hiểu nỗi buồn tủi này.

Tôi quay trở lại công việc sau 1 năm nghỉ bẵng nên khá khó khăn, thường xuyên phải làm thêm giờ để cho bằng người khác. Đến cả thứ bảy chủ nhật cũng phải ngồi học bổ túc lại kiến thức. Quê chồng thì xa, đi lại tốn kém nên tôi dù nhớ con nhưng vẫn không dám về.

Sau 1 tháng xa con, tôi cũng rút ra được 2 ngày cuối tuần rảnh rỗi để cùng chồng về thăm con. Tôi mua cho con rất nhiều đồ, cứ tưởng tượng được bế con trên tay mà sung sướng đến mức ngồi trên xe khách cũng ứa nước mắt hạnh phúc.

Cắn răng gửi con cho mẹ chồng để đi làm, sau một tháng trở về thăm con, tôi không ngờ mình lại lĩnh hậu quả đau điếng đến thần người-1

Cứ tưởng tượng được bế con trên tay mà sung sướng đến mức ngồi trên xe khách cũng ứa nước mắt hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Khi vừa về đến cổng, tôi đã thấy con đang ngồi chơi một mình trong sân. Tôi lao vào vừa gọi tên vừa ôm hôn chùn chụt lên mặt con thì con bé gào khóc giãy giụa. Tôi cười trấn an: "Mẹ đây, mẹ T đây mà. Nhím không nhớ mẹ T hay sao mà khóc lóc thế này?".

Con bé càng khóc lớn hơn. Chồng tôi đứng bên cạnh cũng sốt ruột, vừa gọi con vừa hỏi han. Đến khi mẹ chồng từ bếp chạy ra đón cháu, con bé ôm chặt cổ bà nội và dần nín khóc. Bà liền trách: "Ờ, Nhím ngoan, để bà đánh con mẹ T này làm Nhím của bà sợ".

Tôi choáng váng, đứng thần người vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ chồng nháy mắt bảo vợ chồng tôi vào nhà trước rồi nói chuyện sau. Tôi ngồi trong nhà mà như ngồi đống lửa, chỉ muốn được ôm con một lúc nhưng con bé cứ bám chặt bà nội, không nhìn mẹ một lần.

Mẹ chồng nói: "Lâu ngày không gặp, chắc nó dỗi mẹ nó thôi, cứ ở vài ngày rồi nó sẽ quen lại". Tôi biết có thể bà nói đúng nhưng lòng đau như xát muối. Có khi nào con quên mất tôi không?

Mãi tới tận bữa cơm tối, con bé mới chịu để tôi bế và thân quen ôm ấp mẹ lại như ngày trước. Nhưng tôi vẫn sợ lắm mọi người ạ. Tôi muốn đón con về lại thành phố nhưng cả bố mẹ chồng không đồng ý. Ông bà bảo vợ chồng tôi còn thiếu thốn, cứ để con ông bà trông cho thêm 1-2 năm, Nhím cứng cáp thì mang lên thành phố gửi nhà trẻ, mới tháng đầu còn nhớ nhung nhiều chứ rồi sẽ dần quen thôi. Tôi phải làm gì đây hả các anh chị? Có nên nằng nặc đòi mang theo con đi không hay là cứ để ở nhà nội, tiếp tục chịu đựng sự xa cách này?

 


THEO NHỊP SỐNG VIỆT 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/can-rang-gui-con-cho-me-chong-de-di-lam-sau-mot-thang-tro-ve-tham-con-toi-khong-ngo-minh-lai-linh-hau-qua-dau-dieng-den-than-nguoi-22202011371425326.htm

chăm sóc con

mẹ chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.