Vội cưới chồng trẻ, tôi nhiều đêm khóc ướt đẫm gối trong cô đơn

Sự vô tâm, không biết vun vén cho gia đình của người chồng kém tuổi khiến tôi phải "cắn răng chịu đựng", không dám kêu ca.

Tôi và chồng vừa cưới nhau được 6 tháng. Tình yêu lệch tuổi của chúng tôi vốn đã trải qua nhiều "sóng gió", nhưng khi thành vợ chồng vẫn chưa thể có được hạnh phúc trọn vẹn. 

Tôi năm nay 29 tuổi, chồng kém 4 tuổi. Ở cái tuổi này, tôi cần tổ ấm hạnh phúc và ổn định, còn chồng dường như vẫn quá trẻ con.

Tôi và anh ấy quen nhau sau một lần va quệt xe trên đường. Anh đi thiếu quan sát nên tông phải xe máy khiến tôi ngã ra đường, cần nhập viện.

Anh và gia đình hết sức quan tâm. Chúng tôi xin số điện thoại của nhau để duy trì liên lạc, nhằm giải quyết hậu quả của vụ việc.

Từ mấy câu nói bâng quơ, anh và tôi có tình cảm với nhau từ lúc nào không hay. Chồng tôi tính hơi trẻ con nhưng đổi lại đẹp trai, khéo ăn nói. 

Khoảng cách tuổi tác là rào cản lớn nhất, dù chúng tôi chẳng hề suy nghĩ. Sau khi ra mắt, hai bên gia đình đều không đồng ý. Nhà trai nói tôi lớn hơn anh nhiều tuổi, khó hòa hợp trong cuộc sống. Còn bố mẹ tôi lắc đầu vì sợ tôi khổ khi lấy người chồng ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

Ban đầu, sự phản đối của hai gia đình căng thẳng đến mức chúng tôi không dám về nhà nhau, yêu trong âm thầm. Tôi dường như bị sự hấp dẫn, hồn nhiên của anh chàng trẻ tuổi "hớp hồn" nên bỏ ngoài tai lời khuyên của mọi người để chạy theo tiếng gọi con tim.

Vội cưới chồng trẻ, tôi nhiều đêm khóc ướt đẫm gối trong cô đơn-1
Chồng thờ ơ với tổ ấm mới xây dựng khiến tôi không khỏi buồn lòng (Ảnh minh họa: Videvo).

Trong quá trình yêu đương, tôi nhận thấy bạn trai đúng chất anh chàng mới lớn, chưa chú tâm vào việc làm ăn, còn mải chơi, thích tụ tập bạn bè và khá "nghiện" chơi điện tử.

Tôi hiểu ở tuổi 25, hầu hết anh chàng nào cũng vậy nên không quá lo lắng. Trước khi cưới nhau, chồng tôi hứa sẽ thay đổi hoàn toàn.

Tôi "tạm ứng niềm tin" để anh trưởng thành hơn. Anh bảo, lúc có gia đình, trách nhiệm nặng nề hơn, tự nhiên sẽ bỏ đi những thói quen cũ, chăm lo cho vợ con.

Tin anh sẽ làm được như lời anh nói, chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn và ấn định ngày cưới. Nhìn thấy sự quyết tâm của hai đứa, gia đình gật đầu đồng ý theo kiểu chiều lòng, vì cấm đoán cũng chẳng ngăn được chúng tôi.

Sau ngày cưới, tôi và anh ở riêng trong căn nhà do bố mẹ chồng mua. Anh là con trai một nên bố mẹ không tiếc tiền, miễn không theo bạn bè, sa đà vào tệ nạn. Từ ngày có tôi, bố mẹ chồng cũng phần nào yên tâm hơn.

Kết hôn xong, anh vẫn chứng nào tật nấy, thích giao du với bạn bè nhiều hơn là ở nhà với vợ. Đến bữa, cơm canh đã nấu nướng xong xuôi, không hiếm những lần tôi chỉ ăn một mình.

Có những hôm, anh mải chơi điện tử với bạn bè đến nửa đêm, tôi nhắn tin năm lần bảy lượt mới chịu về đi ngủ.

Vào dịp cuối tuần, số ngày ở nhà của anh đếm trên đầu ngón tay. Thấy bạn nhắn tin rủ rê, anh vội đi ngay. Nhiều đêm tôi cứ chờ đợi rồi bật khóc ướt đẫm gối trong nỗi cô đơn.

Khi về nhà, anh tỏ ra cau có, phàn nàn, thậm chí buông lời: "Biết cưới vợ gò bò thế này, lẽ ra chưa kết hôn".

Tôi nghĩ anh còn trẻ con nên không mấy để tâm những câu nói đó nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng. Sau mỗi lần như vậy, thấy vợ giận dỗi, anh dùng khả năng ăn nói khéo léo để trấn an, hứa hẹn, nhưng chỉ được vài bữa lại "ngựa quen đường cũ".

Thú thực, nếu ở hoàn cảnh như vậy, tôi nên kêu ca với gia đình hai bên để góp thêm tiếng nói, nhưng tôi chẳng dám mở lời. Tôi sợ bố mẹ chì chiết chuyện đã cảnh báo khi lấy người chồng chưa chín chắn trong suy nghĩ.

Mấy tháng nay, cuộc sống hôn nhân của tôi trôi qua trong sự nhạt nhẽo và vô vị. Tình yêu của anh dành cho tôi không phải là không có, nhưng thời gian anh dành cho bạn bè và những cuộc vui vẫn nhiều hơn.

Tôi thủ thỉ, phân tích cho anh, bây giờ cuộc sống hôn nhân đã khác với thời độc thân. Nếu không chịu chăm lo cho gia đình, rất khó có thể đi đường dài cùng nhau. Ngoài ra, vợ chồng cũng phải tính toán chi tiêu, làm ăn để có tiền sinh đẻ và nuôi con, không thể mãi trông chờ vào nhà nội. 

Sau đó, tôi tiếp tục nghe những lời hứa quyết tâm thay đổi của chồng, đến nay chưa thấy kết quả. Anh còn tự tin khẳng định, chuyện kinh tế không phải lo, của cải của bố mẹ còn nhiều, sau này không ai ngoài hai vợ chồng được hưởng khối tài sản đó.

Với tôi, chuyện thừa hưởng tài sản là của tương lai, vợ chồng cưới nhau đâu phải vì chỉ sinh con đẻ cái, mà còn phải xây dựng cuộc sống trên nền tảng vững chắc của tình yêu, sự trách nhiệm.

Nếu chỉ nghĩ có của cải là đủ, liệu ai sẽ hạnh phúc mãi mãi với số tiền mình có mà chồng không chịu vun vén.

Tôi đang ở trong tình cảnh cắn răng chịu đựng cho qua ngày. Chuyện ly hôn chưa được nghĩ đến nhưng bất lực khi chồng không chịu thay đổi.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/voi-cuoi-chong-tre-toi-nhieu-dem-khoc-uot-dam-goi-trong-co-don-20230702055218152.htm

Chồng vô tâm


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.