Phẫu thuật thẩm mỹ chân để đi vừa giày hàng hiệu

Sau nâng mũi, nâng ngực, nhiều phụ nữ phương Tây chạy theo trào lưu chỉnh hình bàn chân để tự tin sải bước trên những đôi giày cao gót của các thương hiệu nổi tiếng.

Sau nâng mũi, nâng ngực, nhiều phụ nữ phương Tây chạy theo trào lưu chỉnh hình bàn chân để tự tin sải bước trên những đôi giày cao gót của các thương hiệu nổi tiếng.

a
Ngày càng nhiều phụ nữ "gọt" chân để đi vừa giày. Ảnh: New York Times

13 năm trước, khi mở phòng khám chuyên khoa chân ở Beverly Hills, California, Mỹ, bác sĩ Ali Sadrieh đã nhận được rất nhiều phàn nàn của bệnh nhân về việc họ không thể đi vừa những đôi giày yêu thích và họ muốn phẫu thuật để cải thiện. 

Lúc đó, Sadrieh đã rất ngạc nhiên và cho rằng nếu họ muốn phẫu thuật chỉ vì những đôi giày thì thật thiển cận. Nhưng dần dần, ông nhận ra phụ nữ cần những đôi giày để thêm tự tin, giày sẽ tôn lên vẻ đẹp của họ.

Với phái đẹp, giày cao gót là một phần quan trọng định hình phong cách thời trang. Nhiều phụ nữ sẵn sàng cắt ngắn, kéo dài ngón chân, tiêm botox bàn chân, hút mỡ ngón chân hay thậm chí cắt bớt ngón chân út chỉ để đi vừa đôi giày mà họ muốn.

Sadrieh chia sẻ với New York Times rằng ngày nay loại hình phẫu thuật này phổ biến đến mức ông đã phải đặt những cái tên ngắn gọn cho những thủ thuật này để khách hàng dễ nhớ. Ví dụ như Perfect 10 (làm bàn chân ngắn đi), Model T (làm bàn chân thon dài hơn) và đặc biệt là Cinderella, tức Cô bé Lọ lem, (cắt gọt chân cho gọn gàng, vừa vặn hơn với dáng giày ưa thích).

Một khách hàng của công nghệ mới này là Paulina Charlikowska, 30 tuổi, sống ở Anh. Bàn chân của Paulina to hơn so với các cô gái khác, thêm vào đó ngón chân thứ 2 và thứ 3 lại dài hơn ngón chân cái rất nhiều. Vì vậy, cô không thể đi những đôi giày hở ngón như những người bạn của mình.

Vì không muốn đi những đôi giày to và xấu xí nên Paulina đã chọn những đôi giày đẹp nhưng quá chật. Thời gian trôi qua, ngón chân cô ngày càng trở nên biến dạng. Vì vậy, khi nhìn thấy quảng cáo về chỉnh hình bàn chân, cô đã bỏ qua sự phản đối của người thân, không do dự bỏ ra 4.500 bảng Anh (hơn 160 triệu đồng) để tiến hành phẫu thuật cắt ngắn hai ngón chân thứ 2 và thứ 3. 

Cô chia sẻ rất hoan hỷ rằng ca phẫu thuật kéo dài 1 giờ đồng hồ và cô hoàn toàn không thấy đau. "Giờ tôi đã bình phục hoàn toàn và thấy đôi chân của mình rất hấp dẫn", Paulina nói với Daily Mail.

a
Paulina Charlikowska tự tin trong đôi giày hàng hiệu sau khi phẫu thuật chân. Ảnh: Daily Mail

Thời hậu nâng mũi, nâng ngực

Chỉnh hình bàn chân chính là chiến tuyến cuối cùng của những người đã phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt hoặc phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực. Vì những đôi giày sành điệu của Manolo Blahnik, Nicholas Kirkwood hay Christian Louboutin mà việc phẫu thuật bàn chân ngày càng trở nên phổ biến.

Bác sĩ Oliver Zong, người được coi là "cha đẻ" của kỹ thuật chỉnh hình bàn chân và tiêm botox vào chân, chia sẻ hình thức phổ biến nhất mà bà thường làm cho khách hàng là chỉnh sửa bàn chân biến dạng, không phù hợp đi giày gót nhọn và bàn chân có ngón cái quá to. Trên trang web của vị bác sĩ này cũng đăng lời quảng cáo gây sốc: "Chuyên thiết kế chân cho những đôi giày hiệu!"

Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cùng thảo luận với khách hàng về loại giày phù hợp nhất với họ, đó có thể là đôi boot Victorian hay những đôi giày của Jimmy Choos, Manolo Blahnik. Những đôi giày của Prada hay Michael Kors thường sẽ rộng hơn những nhãn hiệu khác.

a
Một ca phẫu thuật gọt xương gồ hai bên chân. Ảnh: Daily Mail

Tuy nhiên, bác sĩ Jonathan T. Deland, trưởng khoa chân tại Bệnh viện Phẫu thuật đặc biệt ở Mỹ, không cho rằng việc phẫu thuật này là cần thiết: "Điều quan trọng nhất là bàn chân bạn không bị đau và hoạt động đầy đủ chức năng. Việc chỉnh hình bàn chân để đi vừa giày là lý do thiếu thuyết phục". 

Hiện nay các bác sĩ vẫn đang nghiên cứu để tìm ra phương pháp hiệu quả và lâu dài cho loại hình phẫu thuật này, nhưng vẫn chưa có kết quả và không thể chắc chắn về những hậu quả sau phẫu thuật. 

Trường hợp của Danielle Sandler cho thấy rõ hơn mặt tiêu cực của trào lưu này. Vì không chịu đựng được những ngón chân quặp vào phía trong và việc không thể đi giày cao gót đã khiến Sandler quyết định đến một bệnh viện tư ở London, Anh, để chỉnh hình bàn chân.

Khi phẫu thuật người ta đưa các móc câu vào ngón chân để chỉnh hình, đồng thời gọt bớt phần xương gồ ra ở chân. Sau phẫu thuật, Salder không nhìn thấy đôi bàn chân hoàn mỹ của mình, mà thay vào đó là một bi kịch khác, ngón chân bị cong một cách kỳ lạ.

Ca phẫu thuật lần hai cũng không cải thiện được tình hình. Giờ đây bàn chân của Danielle sưng phồng, mắt cá chân và đầu gối rất đau, cô đi lại cũng khó khăn, có khả năng từ giờ đến cuối đời cô chỉ có thể đi giày đế bằng, thay vì những đôi giày cao gót như cô mong muốn. "Giờ tôi rất buồn, tôi hối hận vì đã không nghe theo lời khuyên của chồng", Sandler thừa nhận.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.