Khi Wu Song-lin trở về Vân Lâm vào tháng 8/2012 sau gần 10 năm lưu lạc ở Đài Bắc, mong muốn của chàng giáo viên tiếng Anh khi đó là phát triển nền nông nghiệp sạch không thuốc trừ sâu cho quê nhà.
Vùng quê nghèo Vân Lâm của anh vốn là một trong 4 vựa lương thực nổi tiếng nhất Đài Loan (cùng với Đài Nam, Chương Hóa và Gia Nghĩa). Giấc mơ làm nông nghiệp sạch cho quê là giấc mơ ấp ủ từ lâu của anh.
Nhưng anh Wu, 35 tuổi, cùng những người bạn của mình nhanh chóng phát hiện ra vùng đất quê hương đã rơi vào tình trạng ô nhiễm quá nặng mà nguyên nhân chính là vì tổ hợp điện - dầu khí - naphtha khổng lồ của Formosa nằm cách nơi anh ở chưa đầy 10 km.
Xã Mạch Liêu, nơi anh đang ở và làm việc, hiện là địa phương có tỷ lệ ung thư cao nhất toàn Đài Loan. "Chúng tôi trước đó đã nghe về ô nhiễm nhưng không ngờ tình trạng lại kinh hoàng đến vậy", anh Wu kể với Zing.vn trong căn phòng khách cũ với những mảng trần bong tróc.
Bùng phát ung thư
Năm 1994, tập đoàn Formosa lần đầu tới vùng quê nghèo Vân Lâm ở phía Nam Đài Loan để xây dựng khu hoá dầu Naptha số 6 của mình - sau khi thất bại không xin phép được ở Nghị Lan và Đào Viên ở phía Bắc trong suốt 8 năm trời (đều bị từ chối vì lý do môi trường).
Lãnh đạo Vân Lâm khi đó chấp nhận dự án với hy vọng thay đổi đời sống người dân cùng lời hứa mang hàng trăm nghìn việc làm thêm cho địa phương của tập đoàn Formosa.
Tới năm 1998, nhà máy khai thác naptha của Formosa chính thức hoạt động trên vùng đất lấn biển ở phía Tây của Vân Lâm. Cùng lúc đó khu tổ hợp công nghiệp này nhanh chóng được mở rộng lên 2.604 hecta với nhà máy hoá dầu, nhà máy điện... trở thành một trong những khu công nghiệp lớn nhất Đài Loan với hơn 100.000 công nhân.
Nhưng chỉ mười năm sau khi Formosa vào hoạt động, những thông tin đầu tiên về bùng phát ung thư ở Vân Lâm bắt đầu được giới khoa học và báo chí Đài Loan đưa tin.
Trong bán kính 10-20 km quanh Formosa, những căn làng ung thư bắt đầu xuất hiện như nấm ở các xã như Đài Tây, Đông Thế, Luân Bội, Tứ Hồ, Bao Trung và Mạch Liêu.
Anh Wu Songlin nói về những trường hợp người dân bị ung thư ở Vân Lâm. Ảnh: Thanh Tuấn |
'Nhà tôi, mỗi năm có hai đám tang'
Nhà thầy Huang Yuan-he, trưởng khoa tại Đại học Minh Đạo, có tới 6-7 người thân mất vì ung thư chỉ trong vài năm qua: bố, mẹ, chị họ, anh họ, thím và cậu.
Ngoài người thân, ông còn nhiều bạn bè khác cũng bị mất vì căn bệnh quái ác. Hầu hết những người mất đều vì ung thư gan hoặc ung thư phổi. "Bắt đầu từ năm 2012 là người nhà tôi lần lượt qua đời. Năm 2013 cha và anh họ tôi mất, đến năm 2014 là mẹ và cậu tôi...," ông nói.
Từ 2012, mỗi năm, ông Huang lần lượt chứng kiến hai đám tang. Cha mẹ ông Huang đều đã 80 tuổi, nhưng "anh họ, chị họ đều mất lúc khoảng 60 tuổi, với người Đài Loan thì 60 tuổi vẫn còn trẻ," ông giải thích. (Tuổi thọ trung bình người Đài Loan năm 2015 là 79,84 tuổi với phần lớn người già đều sống trên 80-85 tuổi).
Nhà ông Huang ở Đài Tây cách Formosa khoảng 20 km và trong năm có 8 tháng gió từ Formosa thổi về hướng nhà ông. "Mọi việc Formosa đều phủ nhận hết," ông nói với Zing.vn.
Xung quanh ông, dường như cái chết quái ác của ung thư đang ngày càng hoành hành hơn bao giờ hết. Trong xã ông độ tuổi người chết ngày một trẻ. "Có những cháu bé bị ung thư não mất lúc mới 14-16 tuổi, hoặc có mấy người mới hơn 30 tuổi đã chết," ông Huang kể.
Năm 2009, giáo sư Chan Chang-chuan của Đại học Đài Loan (NTU) công bố nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư ở các xã lân cận Formosa cao gấp 1,7 lần so với các thành phố và địa phương khác ở Đài Loan.
Tỷ lệ ung thư gan ở xã Đài Tây đã tăng 30% trong vòng 9 năm, trong khi tỷ lệ ung thư nói chung tăng tới 80%. Tới 2012, nghiên cứu của giáo sư Chan cho thấy tỷ lệ ung thư của người dân sống trong bán kính 10 km của dự án trong giai đoạn 2008 - 2010 đã tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 1999 - 2001 (dự án Formosa vận hành từ 1998).
Sau 10 năm dân số giảm 40.000 người
Trung bình mỗi năm ở Vân Lâm có khoảng 3.000 - 4.000 người rời đi. 10 năm trước, nhân khẩu của Vân Lâm có 740.000 người, thống kê dân số năm 2015 chỉ còn 700.000 dù vẫn có số lượng lớn công nhân từ nơi khác đến làm cho Formosa.
Ông Huang rời xã của mình từ 2008, ban đầu để gần chỗ làm, tiện cho công việc. Sau đó ông không dám trở về quê nữa vì lo sợ nguy hiểm sức khoẻ. "Tôi và nhiều người trong thôn giờ thuộc cảnh ngộ có nhà mà chẳng thể về, thật sự đau lòng," ông Huang, người giờ ở cách quê nhà gần 60 km, chua chát nói.
3 năm trước, anh trai ông Huang cũng định quay về Vân Lâm ở nhưng thấy nhiều người chết vì ung thư quá nên ko dám về nữa. Theo ông Huang chỉ có một số người đi làm hoặc có ruộng đành phải ở lại và "không phải ai cũng thuê được nhà ở".
Dân rời bỏ quê - "quay về là bất hiếu"
Ở xã Mạch Liêu, anh Wu dẫn chúng tôi đến đường Trung Chính vốn là con đường tấp nập náo nhiệt nhất thôn. Nhưng trên con đường này giờ chỉ còn lác đác bóng người đi, các hàng quán đều đóng khi phóng viên Zing.vn tới.
"Hầu hết người dân ở đây đều đã rời đi. Những người ở lại thường là vì còn làm với Formosa hoặc những người từ địa phương khác tới," anh Wu, người cùng bạn bè lập một tờ báo mạng nhỏ chuyên nêu những sai phạm của Formosa và về nông nghiệp sạch, giải thích.
Khi chúng tôi tới gần hơn nữa khu công nghiệp khổng lồ của Formosa, mùi cay của dầu và của không khí đặc quyện hoá chất càng nặng và khó chịu. Trước mắt chúng tôi là khu công nghiệp khổng lồ rộng hơn 20 km2 với hàng chục ống khói xả những làn khói trắng cuồn cuộn lên bầu trời.
Cho tới trước năm 2009, theo anh Wu, người dân và gia đình ở đây đều cảm thấy biết ơn Formosa về những thay đổi nhờ dự án này. Nhưng khi phát hiện ra căn bệnh ung thư thì mọi người dần thay đổi quan điểm về Formosa. Rất nhiều người dân ở 6 xã quanh Formosa đã phải rời đi xa hơn để đảm bảo an toàn.
Trung bình mỗi năm ở đây có khoảng 3.000 - 4.000 người rời đi. 10 năm trước, nhân khẩu của Vân Lâm có 740.000 người, thống kê dân số năm 2015 chỉ còn 700.000 dù vẫn có số lượng lớn công nhân từ nơi khác đến làm cho Formosa. "Một số người làm ở Formosa nhưng mua nhà cho vợ con ở Đài Trung. Một số người già giờ nói với con cháu phải đi xa vì quay về chính là bất hiếu với cha mẹ", anh Wu nói.
Nên kiểm tra sức khoẻ người dân toàn khu vực trước khi Formosa hoạt động. Chỉ như vậy mới xác định chính xác hoạt động của họ gây tác hại thế nào tới người dân nếu như xảy ra chuyện.
Nghị sỹ Đài Loan Su Chih-feng, cựu thị trưởng huyện Vân Lâm.
Người dân ở xã Đài Tây vào năm 2015 đã khởi kiện tập thể đối với tập đoàn Formosa để đòi 70 triệu Đài tệ (2,16 triệu USD) đền bù cho các vấn đề sức khoẻ mà họ phải chịu vì tổ hợp dầu khí của Formosa.
74 nguyên đơn đã tham gia vụ kiện này trong đó đòi đền bù về chi phí y tế, mất khả năng kiếm sống, ảnh hưởng về tinh thần, chi phí lễ tang do các bệnh tật gây ra từ chất thải của Formosa.
Trong số này, có 20 nguyên đơn đã chết vì bệnh ung thư.
Nên kiểm tra sức khoẻ nơi Formosa tới đầu tư
Nghị sỹ Su Chih-feng, người có 9 năm làm thị trưởng của huyện Vân Lâm và là người bác dự án thép của Formosa, nói với Zing.vn: "Chúng tôi không làm việc kiểm tra sức khoẻ người dân trước khi Formosa tới đầu tư. Thành ra giờ cáo buộc việc Formosa gây ra ung thư là công việc rất gian truân".
Khu nhà rộng vốn là nơi sinh sống của hai cặp vợ chồng gia đình họ Khang. Ông Khang Vũ Hùng 11 năm trước mất vì ung thư gan. 7 năm sau, người em Khang Thanh Vạn, cả đời không ưa uống rượu, cũng có số phận tương tự. Hai người khi mất mới 57 và 54 tuổi. Chị dâu năm ngoái mất vì tai nạn, ngôi nhà giờ chỉ còn người em dâu Hứa Tú Vân, 56 tuổi, sống một mình. Ôm di ảnh chồng trong tay và ảnh anh trai chồng đặt ở đằng xa, bà Tú Vân nghẹn ngào kể lại câu chuyện gia đình mình. Ảnh: Pts.org.tw
Lời khuyên của bà cho các địa phương Việt Nam mà Formosa tới đầu tư là: "Nên có kiểm tra sức khoẻ người dân toàn khu vực trước khi họ hoạt động. Chỉ như vậy mới xác định chính xác hoạt động của họ gây tác hại thế nào tới người dân nếu như xảy ra chuyện," nghị sỹ Su, nói. "Như vậy họ mới không cãi được".
Bà Su cho biết chính việc không kiểm tra sức khoẻ trước cho người dân trước khi Formosa tới hoạt động khiến vụ kiện của người dân liên quan tới vụ Formosa gây ung thư đang gặp khó khăn.
Chia tay ở Vân Lâm, anh Wu, nhắc lại chuyện xưa, ký ức của anh về quê nhà là mọi người hay tụ tập trong bầu không khí vui vẻ, náo nhiệt mỗi lần có ngày nghỉ hay lễ hội. "Giờ mỗi lần về chủ đề là bây giờ phải đi thăm ai, người này người kia bệnh tình thế nào, chi phí bệnh viện ra sao. Không khí vui vẻ ngày xưa đã mất rồi," anh buồn bã.