Xếp hàng từ sáng sớm mua số báo "sống sót" của Charlie Hebdo

3 triệu tờ Charlie Hebdo của số báo ngày 14-1 có mặt khắp châu Âu đúng kế hoạch. Phản ứng đối với số báo này hết sức phức tạp.

3 triệu tờ Charlie Hebdo của số báo ngày 14-1 có mặt khắp châu Âu đúng kế hoạch. Phản ứng đối với số báo này hết sức phức tạp.

Số báo của “những người sống sót” thu hút sự chú đặc biệt của dư luận và truyền thông quốc tế. Ngay trên trang bìa, Charlie Hebdo cho in hình nhà tiên tri Muhammed đang rỏ một giọt nước mắt, cầm tấm biển ghi khẩu hiệu: “Tôi là Charlie” cùng dòng chú thích “Tất cả được tha thứ”.

Bình thường, Charlie Hebdo chỉ phát hành khoảng 60.000 tờ báo mỗi tuần. Nhưng sau vụ thảm sát hôm 7-1 khiến 12 người thiệt mạng, nhận thấy nhu cầu tăng cao, Charlie Hebdo nâng số phát hành lên 3 triệu bản cũng như dịch sang 16 thứ tiếng tại 25 nước, bao gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập. Ngoài ra còn có thêm 4 trang báo phát hành riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có hầu hết là người Hồi giáo sinh sống.

Rất nhiều người dân Paris tới các quầy phát hành báo từ sớm để có trong tay số mới nhất của tuần báo trào phúng này. Theo ghi nhận của phóng viên trang Mirror (Anh), bên ngoài một quầy báo chưa mở cửa ở Paris, có khoảng 100 người dân đang xếp hàng chờ đợi trong cái lạnh cắt da.

Một phụ nữ đến quảng trường Place de la Republique từ 6 giờ sáng, cho biết: “Cách đây 1 tuần, 12 người thiệt mạng vì cố gắng xuất bản tờ báo này. Chờ đợi vài tiếng đồng hồ, đó chỉ là một điều nhỏ nhoi tôi làm được để tưởng nhớ những người đã khuất”.

Người dân xếp hàng mua số báo mới của Charlie Hebdo ở thủ đô Paris. Ảnh: Twitter
 
Trên trang web mua bán eBay, mọi người tìm kiếm để có được số báo mới nhất của Charlie Hebdo, dù giá bán 1 tờ báo lên tới 3 euro. Hầu hết các quầy báo đều cho biết chiều nay (14-1) hoặc sáng mai, lượng báo họ nhận được sẽ dồi dào hơn.

Tại Anh, chỉ có 1.000 tờ báo được phát hành nhưng có tới hàng trăm người đăng ký phân phối. Hiện chính phủ Pháp chưa đưa ra phản ứng về số báo mới của Charlie Hebdo.

Nhiều tổ chức Hồi giáo chính thống tỏ ra giận dữ trước bìa báo mới của Charlie Hebdo. Tổ chức Dar al-Ifta (Ai Cập) gọi đó là "sự khiêu khích phi lý đối với cảm xúc của 1,5 tỉ người Hồi giáo". "Số báo này sẽ gây ra làn sóng thù hận mới ở Pháp và xã hội phương Tây. Hành động của tờ tạp chí không phù hợp với khao khát cùng tồn tại và đối thoại văn hóa của người Hồi giáo" - thông cáo của Dar al-Ifta nói.

Nhà thuyết giáo người Anh Anjem Choudary, được cho là có quan hệ với các nhóm vũ trang, lên án số báo mới của Charlie Hebdo là "khiêu chiến". Tuy nhiên, các thủ lĩnh Hồi giáo ở Pháp kêu gọi bình tĩnh.

Đài CNN không đăng tải bìa báo mới của Charlie Hebdo

 
 Sau khi tuần báo Pháp quyết định giữ hình ảnh nhà tiên tri Muhammed trên trang bìa, các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ như CNN, NBC News và The New York Times không đăng tải hình ảnh này. Nhưng một số báo đài khác như The Guardian, BBC (Anh), Wall Street Journal và Washington Post (Mỹ) vẫn đăng tải các bức biếm họa gây tranh cãi. Các ấn phẩm châu Á bao gồm The Star (Malaysia), South China Morning Post ( Hồng Kông) và The Jakarta Post (Indonesia) cũng không trưng hình ảnh trang bìa mới nhất của Charlie Hebdo.

Đề cập tới lý do vẽ nhà tiên tri rỏ nước mắt trên trang bìa, cây bút biếm họa Luzier của tuần báo Pháp cho biết ông và các đồng nghiệp xem những kẻ khủng bố như những đứa trẻ. Chúng trở nên sa ngã vào một giây phút đánh mất linh hồn và gây nên tội ác.

Khi vẽ nhà tiên tri Muhammed cùng dòng chữ “Tất cả được tha thứ”, ông Luzier đã khóc và nghĩ rằng đây là trang bìa bắt đầu một giai đoạn mới. Ông quyết định chọn lại hình ảnh nhà tiên tri để gửi gắm một thông điệp ý nghĩa nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc hài hước của tờ báo.

 
Theo P.Nghĩa
Nld.com.vn

Bình luận