BĐVN: Xói mòn niềm tin

Bốn ông trọng tài bỗng nhiên bị tố cáo có dấu hiệu “ăn tiền bẩn” sau một trận đấu V..League – và thế là mồi lửa thổi lên, khiến hai lãnh đạo chóp bu của Ban Trọng tài ra đi không thương tiếc. Một cái sân vận động mang danh “Quốc gia” nhưng 2 năm trở lại đây luôn “làm khó” ĐTQG, và mới nhất lại nổi lên những lùm xùm quanh việc “ép giá” trận cầu lịch sử giữa ĐTVN và CLB Arsenal.

Bốn ông trọng tài bỗng nhiên bị tố cáo có dấu hiệu “ăn tiền bẩn” sau một trận đấu V..League – và thế là mồi lửa thổi lên, khiến hai lãnh đạo chóp bu của Ban Trọng tài ra đi không thương tiếc. Một cái sân vận động mang danh “Quốc gia” nhưng 2 năm trở lại đây luôn “làm khó” ĐTQG, và mới nhất lại nổi lên những lùm xùm quanh việc “ép giá” trận cầu lịch sử giữa ĐTVN và CLB Arsenal.

Hai sự việc diễn ra ở hai thời điểm kế tiếp nhau, thuộc hai phạm trù khác nhau, và liên quan đến những đối tượng khác nhau, nhưng lại cùng gặp nhau ở một điểm: Sự xói mòn niềm tin!

Không phải là niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá, mà là niềm tin giữa chính những người làm bóng đá với nhau.

Từ chuyện trọng tài

Có thể nói, nghi án các trọng tài ăn tiền bẩn sau trận Thanh Hoá – Hoàng Anh Gia Lai (vòng 3 V.League 2013) là một giọt nước tràn ly khiến cho sự bất tin của các đội bóng, các cầu thủ, HLV, và cả những lãnh đạo VFF vào… giới cầm còi lên tới đỉnh điểm cao trào. Cái cao trào mà ở đó, sau khi quyết định trảm hai lãnh đạo chóp bu của Ban trọng tài (với lý do đã ém nhẹm vụ việc), ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ không ngại cho biết: “Lâu nay, các trọng tài sợ hai ông ấy lắm!”.

Cái cao trào mà ngay ở trận đấu đầu tiên của lượt về V.League, HLV trưởng Nguyễn Minh Dũng cùng GĐKT Lê Thuỵ Hải của Bình Dương đã ầm ầm phản ứng trọng tài Trần Trung Hiếu trong trận Bình Dương – Đà Nẵng trên sân Chi Lăng. Cái cao trào mà tiếp đó, ông chủ tịch Bình Dương Nguyễn Minh Sơn không ngại nói thẳng trên báo về việc nếu các trận đấu tiếp theo của Bình Dương còn được điều khiển bởi những ông trọng tài “chỉ đem lại xúi quẩy” cho mình, đội ông sẵn sàng ký biên bản xin thua.

Sân Mỹ Đình bỗng nóng, nhưng chuyện xói mòn niềm tin đã nóng từ rất lâu rồi...

Trời đất ơi, nếu quả thật Bình Dương đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với việc… ký biên bản xin thua, và nếu cái trào lưu “vì trọng tài, mà các đội bóng thi nhau ký biên bản xin thua” được xác lập thì sân chơi V.League còn ra thể thống gì nữa? Mà có sống với V.League, có lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các đội bóng V.League bây giờ mới biết rằng niềm tin vào giới trọng tài đã xuống lắm rồi – xuống tới độ mà nói như cựu phó Ban Trọng tài Đoàn Phú Tấn thì “Ngay cả khi trọng tài đơn thuần sai chuyên môn, họ cũng nghĩ trọng tài ăn tiền đối phương để bắt ép đội mình”.

Về phía các trọng tài và những người có quyền sinh quyền sát trong Ban trọng tài thì sao? Thì cứ nhìn vào các ông cựu Trưởng ban Dương Vũ Lâm và cựu Phó ban Đoàn Phú Tấn là rõ cả: đến thời điểm này cả hai ông vẫn tin rằng việc mình bị trảm không đơn thuần đến từ lý do “ém nhẹm thông tin” như lãnh đạo VFF đưa ra, mà đến từ những dích dắc khác, liên quan tới chuyện quyền lực này, quyền lực khác phía sau hậu trường.

Đơn cử như việc kể từ khi cựu bầu Nguyễn Đức Kiên đề nghị xoá sổ Hội đồng Trọng tài Quốc gia để dựng lên Ban Trọng tài thì cái Ban ấy đã nhiều lần phớt lờ những đề nghị của VFF, khiến VFF mất cả cái hữu hình lẫn cái vô hình. Thế nên bị tạm đình chỉ công việc rồi, ông Dương Vũ Lâm đã phản pháo thường trực VFF quyết liệt, còn ông Đoàn Phú Tấn thậm chí từng tính đến việc sẽ kiện ngược trở lại những người ra quyết định trảm mình.

Thực ra, không cần đợi tới khi ngôi nhà bị cháy, người ta cũng biết rằng những thành viên chủ chốt trong ngôi nhà đã bất tin vào nhau. Nhưng đúng là phải đến khi ngôi nhà bị cháy, khi mọi thứ tan hoang, xơ xác thì người ta mới vỡ lẽ, hoá ra từ rất lâu rồi, cái sự bất tin kia đã xuống đến mức kiệt cùng. Thế thì một ngôi nhà mới được dựng lên, những con người mới được trưng dụng liệu có chữa được căn bệnh “bất tin” vốn đang lan tỏa từ thượng đỉnh chính trường cho tới hạ cờ V.League?


Đến chuyện sân bãi

Không phải ngẫu nhiên mà Thường trực VFF phải “bắn tin” cho báo chí quanh vụ sân Mỹ Đình ép giá trận Việt Nam – Arsenal diễn ra vào ngày 17- 7 tới. Thực tế thì trong nhiều trận đấu, và nhiều giải đấu từ năm 2010 trở lại đây, cái sân đã có những biểu hiện “ép” rất lạ lùng. Chẳng hạn như lần BĐVN làm đồng chủ nhà AFF Cup 2010, và những nhà quản lý sân Mỹ Đình nhất nhất đòi VFF, phải chia chác lợi nhuận thu được từ việc khai thác thương quyền giải đấu.

Vì thương quyền giải đấu thuộc về AFF, chứ không phải VFF nên lần ấy VFF đã ức tới độ suýt nữa trả lại quyền làm chủ nhà giải bóng đá số 1 Đông Nam Á. May mà phút cuối, lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch đã vào cuộc và “quả mìn” đã kịp tháo ra phút chót. Đến lần tổ chức trận Việt Nam – Arsenal kỳ này thì sân Mỹ Đình lại “quát” giá thuê sân lên tới 1,6 tỷ đồng cả thuế với cái lý lẽ mà nói như người đứng đầu khu Liên hợp thể thao Quốc gia thì: Nhà có giỗ, bố mẹ ăn cỗ không thể để con mình nhịn đói.

À, hoá ra người ta nghĩ trận đấu Việt Nam – Arsenal giống như chuyện “nhà có giỗ”, dù cho tất cả những ai có chút hiểu biết về kinh tế bóng đá không khó tính rằng cái sự vụ được ví von là “nhà có giỗ” khiến “người làm giỗ” phải lỗ ít nhất từ 8 đến 10 tỷ đồng.

Đã có người than vãn: Một nhà quản lý Sân vận động Quốc gia mà lại không nắm rõ các bài toán kinh tế thể thao, dẫn tới việc ví von, quát giá vô căn cứ thì ngán thật! Nhưng sự thực, có phải là người ta không biết đến những bài toán kinh tế thể thao không? Hay là người ta biết cả đấy, nhưng vì không tin nhau, vì muốn gây áp lực cho nhau, muốn thu lợi nhuận cho mình mà sẵn sàng lên gân lên cốt?

Ai cũng biết, sân khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình là con của Bộ Văn –Thể - Du. VFF tiếng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng trên thực tế luôn chịu những ảnh hưởng to lớn từ Bộ Văn – Thể - Du, mà điển hình nhất là ông Thứ trưởng Lê Khánh Hải của Bộ hiện đang là ứng cử viên số 1 cho ghế Chủ tịch VFF khoá 7 sắp diễn ra.

Người ta còn biết người đứng đầu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình hiện nay vốn là một… con người bóng đá, và vốn có những quan hệ hết sức thân cận, gần gũi với những người lãnh đạo nền bóng đá đương thời. Thế thì vì sao những con người từng có lúc rất gần gũi nhau, và trên thực tế đang cùng nhau nằm dưới một mái nhà lại cứ bất tin nhau, và liên tục phải gây khó cho nhau như thế?

Tư duy “nhà có giỗ”

Một cái sân vận động quốc gia, một Đội tuyển bóng đá Quốc gia, một Liên đoàn Bóng đá quốc gia, một Giải vô địch bóng đá quốc gia – đấy đều là những đối tượng, những phạm trù mang màu sắc Quốc gia. Chắc chắn nó không phải là tài sản riêng của một người hay một nhóm người nào cả. Và chắc chắn là những vấn đề phát sinh từ nó sẽ tạo ra những tác động với không chỉ một người hay một nhóm người nào cả.

Sẽ là khiên cưỡng nếu đồng nhất sự thắng – thua của một Đội tuyển bóng đá quốc gia với hình ảnh một quốc gia, nhưng sẽ không vô lý nếu nói rằng yếu tố thứ nhất có sức ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thứ hai. Và để một nền bóng đá vững mạnh, để hình ảnh một quốc gia có thể qua bóng đá mà lấp lánh, bay bổng thì tất cả những yếu tố trên lẽ ra phải được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một hệ thống.

Tiếc thay, tự thân nó lại cứ chia rẽ, khiến cho niềm tin của cả một hệ thống, bằng cách này hay cách khác, từ chỗ này qua chỗ khác cứ bị xói mòn.

Tất cả bắt nguồn từ tư duy… “Nhà có giỗ…”?

Thời và thế… Có một thực tế là trước khi cựu bầu Nguyễn Đức Kiên đề nghị thành lập VPF, rồi lập Ban Trọng tài thay cho cái Hội đồng Trọng tài QG cũ kĩ thì những đội bóng chịu ảnh hưởng từ ông bầu Đỗ Quang Hiển như SHB Đà Nẵng hay Hà Nội T&T luôn nhận được những quyết định có lợi từ các trọng tài. Nhưng trong năm đầu tiên Ban Trọng tài ra đời thì các đội bóng được cho là chịu sự ảnh hưởng của bầu Kiên như CLB Bóng Đá Hà Nội (đã giải thể) hoạc Kienlongbank Kiên Giang lại nhận được cái sự… “ưu ái vô tình” đó!

Ngược lại, những đội bóng như SHB.Đà Nẵng lại chịu những phán quyết thiệt thòi từ các “vua”, khiến sau đó HLV trưởng Lê Huỳnh Đức uất ức kiến nghị tạm dừng cuộc chơi V.League. Có thể mọi thứ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc có thể tự bản thân các trọng tài cứ thích vừa thổi còi vừa “nhìn mặt tướng” nhưng rõ ràng đấy là câu chuyện điển hình cho những suy ngẫm về thời và thế trong bóng đá Việt đương thời. Bốn tháng nữa sẽ chính thức diễn ra Đại hội VFF khoá 7, kéo theo đó là nhiều thay đổi khác nhau. Và bây giờ thì nhiều nhân vật trong làng bóng lại đang sống trong giai đoạn “dò mặt tướng” mà “đoán thiên thời”!?


Theo cand.com.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.