MU: Khổ tận thì mới cam lai

Sau những năm đỉnh cao với Sir Alex Ferguson, MU cần phải sẵn sàng chịu khổ trong nhiều năm trước khi tìm thấy một niềm hy vọng mới.

Sau những năm đỉnh cao với Sir Alex Ferguson, MU cần phải sẵn sàng chịu khổ trong nhiều năm trước khi tìm thấy một niềm hy vọng mới.

Bao giờ thì Manchester United sẽ trở lại đỉnh cao của những năm được Sir Alex Ferguson dẫn dắt? Khó mà tìm được câu trả lời, nhưng với những gì đang diễn ra trong nội tình CLB cũng như thành tích sân cỏ thì có thể tin rằng, fan hâm mộ sẽ phải chấp nhận bước qua một giai đoạn “u tối” để ánh sáng lại xuất hiện.

CLB có một truyền thống đáng tự hào, đó là đã 3.750 trận đấu liên tiếp MU luôn có ít nhất một cầu thủ xuất thân từ đội trẻ góp mặt trong danh sách đăng ký thi đấu. Đó là một kỷ lục kéo dài từ tận năm 1937 và đã trở thành một bản sắc riêng của “Quỷ Đỏ”. Bản sắc ấy được nối dài theo năm tháng từ Sir Matt Busby cho tới Sir Alex Ferguson, hai HLV đã làm nên lịch sử CLB như ngày hôm nay.

MU: Khổ tận thì mới cam lai - 1

Sam Johnstone (phải) là một trong số những thành viên đội trẻ còn sót lại ở đội hình chính MU

Nhưng khi MU thua Swansea trong trận đấu Premier League gần nhất, kỷ lục đã được giữ vững nhờ hai cầu thủ trẻ chưa thành danh ngồi trên ghế dự bị. Thủ môn Sam Johnstone và hậu vệ Paddy McNair không được hứa hẹn bất cứ điều gì từ HLV Louis Van Gaal, họ được đăng ký thi đấu bởi vì vị trí thủ môn hơi ít người sau khi Van Gaal đã lần lượt gây xung đột với Victor Valdes và David De Gea, còn McNair được đăng ký vì Phil Jones chấn thương.

Nếu Jones không chấn thương, e rằng McNair cũng sẽ mất luôn suất dự bị. Nếu De Gea được Van Gaal triệu hồi lại đội hình chính, Johnstone sẽ trở lại với đội dự bị. E rằng lúc đó MU sẽ sạch bóng “gà nhà” và kỷ lục sẽ dừng. Cầu thủ đội trẻ không đơn thuần chỉ làm nên kỷ lục, họ đại diện cho bản sắc bóng đá mà mỗi CLB theo đuổi và đồng thời đề cao lòng trung thành và tận tụy với đội bóng đã nuôi nấng họ.

Tính bản sắc & lòng trung thành, đó là những phẩm chất nền tảng cho sự thành công của một tập thể. Những phẩm chất này đang phai nhạt dần ở MU do CLB quá thừa tiền để mua cầu thủ mới. Louis Van Gaal thực ra vẫn cho các cầu thủ trẻ cơ hội – thành viên đội trẻ MU mùa trước góp mặt còn đông hơn so với mùa cuối cùng Sir Alex dẫn dắt – nhưng không biết Van Gaal sẽ chịu làm vậy được bao lâu khi sức ép phải hàng năm dự Champions League luôn trùm lên đầu.

MU: Khổ tận thì mới cam lai - 2

MU thời hậu-Ferguson đã không còn là tập thể đáng sợ của quá khứ

Các fan có thể tha thứ cho sai lầm của những người trẻ nhưng họ không thể tha thứ việc CLB không được dự đấu trường cao cấp nhất châu lục. Van Gaal phải chi tiền: mua về Di Maria để rồi 12 tháng sau Di Maria bỏ MU sang Pháp, mua về Marcos Rojo để rồi giờ này Rojo và Van Gaal đang xung đột. Mới đây nhất Anthony Martial tốn của CLB tới 36 triệu bảng, một con số khổng lồ cho một cầu thủ chưa thành danh.

Lịch sử MU đã chứng minh rằng thành công của CLB luôn song hành với một thế hệ cầu thủ đội trẻ, từ các thành viên nhóm “Busby Babes” thập niên 1950 cho đến thế hệ “Bầy chim non của Fergie” 1992. Tuy nhiên xen giữa hai giai đoạn thành công ấy là “kỷ nguyên tối”, CLB xuống hạng vì cú đánh gót của Denis Law năm 1974 và họ chơi một thứ bóng đá vô cùng tẻ nhạt dưới thời Dave Sexton (1977 – 1981).

Trong giai đoạn ấy MU bỏ tiền mua cầu thủ cực nhiều. “Quỷ Đỏ” liên tiếp phá kỷ lục chuyển nhượng cho những cầu thủ như Ray Wilkins, Garry Birtles, Bryan Robson và Remi Moses bên cạnh những hợp đồng lớn cho Gordon Strachan hay Peter Davenport. Ngay cả Sir Alex Ferguson cũng thực hiện những thương vụ “bom tấn” như Mark Hughes (mua lại từ Barcelona), Steve Bruce hay Gary Pallister trong những năm đầu dẫn dắt MU, nhưng họ cũng suýt nữa không cứu được ông khỏi bị sa thải nếu không nhờ chức vô địch FA Cup 1990.

MU: Khổ tận thì mới cam lai - 3

Alex Ferguson đã mất hơn nửa thập kỷ dẫn dắt MU để cho ra mắt "Bầy chim non"

Fergie phải mất 6 năm để đưa thế hệ của Roy Keane, Ryan Giggs và David Beckham vào đội hình chính và cho tới lúc đó, Ferguson “chữa cháy” bằng cách dùng tiền mua cầu thủ. Sir Matt Busby cũng mất chừng đó thời gian (1945 – 1951) để những Duncan Edwards, Mark Jones, Bill Foulkes hay Liam Whelan “tốt nghiệp” và chiếm lĩnh đội hình 1 của MU để đi tới 2 chức vô địch Anh.

Để MU trở lại đỉnh cao rực rỡ của giai đoạn Ferguson hay Busby, CLB sẽ phải chấp nhận những ngày tháng “tăm tối” chờ đợi tìm ra một người tài giỏi sẵn sàng giữ vững truyền thống xây dựng đội bóng bằng các thành viên đội trẻ. Louis Van Gaal không lâu nữa sẽ về hưu nên không thể là người đó, nhưng thế thì là ai?

Chỉ có sự kiên nhẫn mới giúp “Quỷ Đỏ” tìm ra đáp án của câu hỏi đó, bởi ánh sáng luôn ở cuối của đường hầm. Nếu không kiên nhẫn để đi hết đường hầm, họ có lẽ đã chẳng bao giờ có Sir Alex Ferguson.

Theo Khám phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.