TTK VFF Ngô Lê Bằng lên tiếng sau vụ Huy Hoàng

TTK VFF Ngô Lê Bằng thừa nhận rất khó để phát hiện cầu thủ đang thi đấu ở V-League và giải hạng Nhất sử dụng chất bị cấm, bởi điều kiện của chúng ta chưa cho phép thực hiện việc kiểm tra và xét nghiệm trên quy mô lớn một cách liên tục và thường xuyên.

TTK VFF Ngô Lê Bằng thừa nhận rất khó để phát hiện cầu thủ đang thi đấu ở V-League và giải hạng Nhất sử dụng chất bị cấm, bởi điều kiện của chúng ta chưa cho phép thực hiện việc kiểm tra và xét nghiệm trên quy mô lớn một cách liên tục và thường xuyên.

Ở mùa giải 2012 vừa qua, VPF đã không tiến hành kiểm tra doping hay những chất gây nghiện đối với các cầu thủ, đây là một thông tin khá sốc với dư luận. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TTK VFF Ngô Lê Bằng: - Chúng tôi luôn cho rằng vấn đề phát hiện và ngăn ngừa việc sử dụng doping hay sử dụng chất gây nghiện trong bóng đá là chuyện hết sức cần thiết, thực tế ở mỗi giải đấu từ quốc tế hay trong nước, những nhà tổ chức và quản lý luôn đề cao và tìm cách phòng chống.

Khi tôi chưa giữ chức vụ TTK VFF, ở V-League tôi cũng đã từng chứng kiến những lần BTC giải kiểm tra ngẫu nhiên một số cầu thủ sau khi trận đấu kết thúc.

Nhưng trong mùa giải 2012 vừa qua, VPF đã không tiến hành công việc đó nữa, thực tế thời điểm mùa giải 2012 diễn ra, lúc đó tôi vẫn chưa nhận nhiệm vụ TTK VFF và đến giờ tôi mới bắt đầu công việc được 7 tháng. Thế nên, mọi vấn đề liên quan đến phòng chống doping ở mùa giải vừa qua, tôi vẫn chưa được báo cáo.

TTK VFF Ngô Lê Bằng không được báo cáo về việc VPF không tiến hành kiểm tra doping cho cầu thủ ở mùa giải 2012. Ảnh: VSI

Vậy khi trao quyền tổ chức và điều hành mùa giải 2012 cho VPF, VFF có chuyển giao tiểu ban Y học của mình cho VPF hay có những định hướng nào về vấn đề kiểm tra doping và chất gây nghiện?

- Theo tôi được biết, VFF không có tiểu ban Y học chuyên trách về vấn đề kiểm tra doping. Quá trình kiểm tra doping hay những chất gây nghiện trong những năm qua, thực chất là do Bệnh viện Thể thao VN đảm nhiệm.

Việc ở mùa giải vừa qua, công tác kiểm tra doping hay những chất gây nghiện không diễn ra, cho tới lúc này tôi cũng chưa được báo cáo. Việc VPF không tiến hành kiểm tra như các mùa giải trước, đây không phải là vấn đề thiếu sót của riêng VPF mà trách nhiệm thuộc về cả ngành thể thao nói chung.

Sự việc cầu thủ Huy Hoàng bị nghi “phê thuốc” khi điều khiển xe ôtô và gây ra va chạm giao thông đã cho thấy môi trường bóng đá VN thực sự vẫn chưa lành mạnh?

- Riêng trường hợp của Huy Hoàng, tôi chưa nghe thấy hay nhìn thấy kết luận của các cơ quan có thẩm quyền nên tôi không có bình luận gì. Tất nhiên, khi có kết luận cuối cùng về việc Huy Hoàng uống rượu say hay dùng những chất gây nghiện, bản thân cậu ấy sẽ phải chịu trách nhiệm và CLB SLNA sẽ phải có những động thái nhất định về vụ việc.

Dĩ nhiên không thể phủ nhận môi trường bóng đá VN không có những cầu thủ cá biệt, thường xuyên vi phạm những điều cấm kỵ, bởi vấn đề doping hay những chất gây nghiện, không chỉ giới hạn trong bóng đá hay thể thao nói chung, mà nó còn len lỏi cả vào những trường học và các công sở.

Để kiểm soát được sự việc, tôi nghĩ không chỉ những người làm bóng đá mà còn phải phải nhờ vào ý thức của cộng đồng, toàn xã hội và bản thân mỗi con người.

Thực tế, dư luận cũng như chính những lãnh đạo ở các đội bóng đều cho rằng, trong số những cầu thủ đang thi đấu ở V-League, hạng Nhất chắc chắn có những cầu thủ sử dụng doping hoặc những chất gây nghiện. Nhưng lãnh đạo VFF và VPF lại không thể phát hiện ra, phải chắc do công nghệ hay một lý do nào đó?

- Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng hiện nay theo tôi được biết, chúng ta đều phải mang các mẫu thử doping hoặc chất bị cấm ở bóng đá hay các môn thể thao khác ra nước ngoài để kiểm tra.

Như vậy, sẽ đòi hỏi kinh phí khá cao, thế nên chúng ta không thể kiểm tra theo kiểu rộng rãi. Mặt khác, trong môi trường bóng đá hiện nay, nói phức tạp thì hơi quá, nhưng để kiểm soát chặt chẽ theo kiểu trại lính là điều rất khó.

Bởi từ nhận thức, tư duy cho tới những điều kiện về tài chính của giới cầu thủ đã tiến rất xa so với những năm về trước. Vậy nên từ việc quản lý đến phát hiện những trường hợp dùng doping hay chất bị cấm là điều tương đối khó khăn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo TT&VH


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.