2 kịch bản sinh tử cho bất động sản

Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, khủng hoảng bất động sản có thể tránh cuộc bể dâu nếu ổn định vĩ mô 3-5 năm, lập lại trật tự hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất xuống dưới 10% và giá nhà đất giảm 30% nữa để giải tỏa hàng tồn.

Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, khủng hoảng bất động sản có thể tránh cuộc bể dâu nếu ổn định vĩ mô 3-5 năm, lập lại trật tự hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất xuống dưới 10% và giá nhà đất giảm 30% nữa để giải tỏa hàng tồn.

Ngày 12/12, tại hội thảo Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2013, ông Chí cho rằng cuộc khủng hoảng địa ốc đang đứng trước thời khắc vô cùng khó khăn khi phải chọn một trong hai kịch bản sinh tử.

Kịch bản thứ nhất là hạ cánh mềm với điều kiện phải áp dụng những chính sách thích hợp kéo dài 3-5 năm như: tái lập ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất về dưới 10%... Trong đó, bất động sản phải giải quyết hàng tồn kho bằng cách giảm giá nhà đất thêm 30% nữa.

Kịch bản thứ hai là hạ cánh cứng, sẽ diễn ra khi khó khăn tiếp tục chồng chất và không được giải quyết. Trong tình huống này, theo ông Chí, nhu cầu tài trợ ngân sách thúc đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ dẫn đến lạm phát hai con số trở lại. Cộng hưởng với chính sách quản lý thị trường vàng thiếu hợp lý, áp lực lên tỷ giá có thể đưa mức trượt giá mới của tiền đồng một cách nghiêm trọng. Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở và căn hộ tại các đô thị lớn có thể xuống 50% trong kịch bản này.

Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, khủng hoảng bất động sản có thể hạ cánh mềm nếu ổn định vĩ mô 3-5 năm, hạ lãi suất xuống dưới 10% và giá nhà đất giảm 30% nữa để giải tỏa hàng tồn. Ảnh: Vũ Lê

Trong tham luận gửi đến hội thảo, Tiến sĩ Alan Phan cho rằng giá nhà đất có thể bốc hơi thêm 30% kéo dài ít nhất 2 năm. Với bức tranh thị trường nhiều mảng tối, ông Alan Phan dự báo các doanh nghiệp bất động sản khó có thể huy động thêm nguồn lực đáng kể nào từ người dân trong thời gian tới. "Thành phần hưởng lợi trong năm 2013 là những người có tiền mặt, dễ dàng thu mua tài sản với giá cực rẻ", ông nhận xét.

Với Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, Lê Chí Hiếu, ngày dòng tiền quay trở lại thị trường bất động sản vẫn còn xa. Bởi lẽ theo ông, kinh tế năm 2013 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: nợ xấu tăng cao chưa thể xử lý trong ngắn hạn, tổng cầu lại suy giảm.

Ông Hiếu dự báo, đầu năm 2013, bất động sản sẽ tiếp tục đà giảm giá do cung vượt quá cầu. Giữa năm 2013, nếu chính sách kích cầu bắt đầu phát huy hiệu quả sẽ tạo nền tảng ban đầu cho quá trình hồi phục. "Tôi kỳ vọng đến quý IV/2013 mặt bằng giá dần ổ định và thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện đôi chút", ông nói.

Chuyên gia này cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ mới hình thành được khoảng 18 năm với 3 chu kỳ tăng trưởng và suy giảm. Năm 2013 có thể là năm kết thúc chu kỳ thứ 3 để dần bước vào một giai đoạn phát triển mới. Năm Quý Tỵ sẽ bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân với sự phân hóa mạnh ở nhóm nhà diện tích cực nhỏ, giá thấp.

Cho rằng cơn khủng hoảng bất động sản chưa kết thúc nên người mua nhà vẫn chờ giá giảm thêm. Ảnh: Vũ Lê

"Đây sẽ là năm các nhà đầu tư táo bạo còn nắm nhiều tiền mặt thu gom tài sản giá rẻ. Khối ngoại gồm: Nhật, Hàn Quốc, Singapore... sẽ quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam", ông Hiếu cho hay.

Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cho rằng để tránh kịch bản bất động sản đổ vỡ, Chính phủ cần có cơ chế riêng để xử lý nợ xấu của ngành này. Nguyên tắc "thép" là không dùng ngân sách Nhà nước, cũng không in thêm tiền để mua nợ xấu.

Theo ông Lai, cần phải tạo ra thị trường nợ thứ cấp để phẫu thuật "khối u" này. Chẳng hạn như: chuyển nợ thành vốn góp, đàm phán cơ chế mua trái phiếu, tiêu thụ sản phẩm có sự giám sát của nhà băng với lãi suất xử lý nợ bằng 0%...

Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, đặc thù của các khoản vay bất động sản là thường bị chặt khúc theo nhiều tầng, nghĩa là một dự án có vô số loại con nợ khác nhau. Do đó cần phải truy đến con nợ cuối cùng, phải túm lấy người chủ chi để tạo ra sản phẩm (chủ đầu tư) mới mong giải được bài toán khó này.

"Nhà nước cần ban hành chính sách minh bạch về xử lý nợ xấu dựa trên cơ chế thị trường. Ai gây họa, người đó phải gánh chịu bên cạnh sự giúp sức của Pháp luật và sự chia sẻ hợp pháp của các bên tham gia thị trường", ông Lai nhấn mạnh.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.