Trên các trang bán hàng hải sản online, cua Hoàng đế nhập khẩu đang đắt hàng trở lại. Với mức giá chênh lệch khá lớn, từ 2 đến 8 lần, các loại cua này được bán theo nhiều kiểu: nguyên con, nửa con, hoặc chỉ riêng chân, càng.
Theo nhân viên của một siêu thị hải sản tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, đơn vị này mới nhập về trong tháng 11 khoảng 10kg chân, càng cua Hoàng đế Alaska. Mỗi túi chứa 4 chân, càng cua có trọng lượng từ 500g đến 1,2kg, được bán với giá 1,4 triệu đồng/kg. Mỗi túi này tương đương nửa con cua, và không có phần mai cua khá nặng đi kèm.
Chân, càng cua Hoàng đế Alaska bán riêng có giá bằng một nửa so với loại nguyên con. |
Có ý định mua chân cua Hoàng đế về nhà chế biến, nhưng chị Nguyễn Thị Phượng ở phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM thấy khá bất ngờ với mức giá này. Theo chị Phượng, giá cua Alaska thông thường không dưới 2 triệu đồng/kg cho loại có trọng lượng từ 2,5kg/con trở lên. "Nếu tính theo kiểu này thì giá bán lẻ chân cua (được giới thiệu có thêm thịt tại nửa phần mình) chỉ bằng một nửa so với giá cua nguyên con. Trong khi nếu mua nguyên con, tôi còn phải bỏ đi phần mai khá nặng và hầu như không có thịt", chị Phượng thắc mắc.
Thực tế, tại một số nhà hàng, siêu thị Hà Nội, giá cua Hoàng đế Alaska cũng chênh lệch khá lớn. Mỗi kg cua Alaska có thể dao động từ 2 triệu đến hơn 4 triệu đồng. Một nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội còn khẳng định, giá cua Hoàng đế loại lớn không thay đổi trong suốt hơn một năm qua, và luôn giữ ở mức gần 4,2 triệu đồng/kg cua tươi, không dưới 3 triệu đồng/kg với cua đông lạnh.
Nhân viên của một siêu thị chuyên bán hải sản nhập khẩu tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, riêng loại cua Hoàng đế, siêu thị này bán cả hàng trong nước và hàng xuất xứ Nhật Bản. Với hàng Việt Nam, chủ yếu là loại cua Hoàng đế lông, giá bán từ 550.000 đồng đến một triệu đồng/kg. Loại cua này có thịt tập trung ở phần mình, với chiếc mai lớn, trong khi chân và càng rất nhỏ. Còn loại cua nhập khẩu có tên Hoàng đế Alaska hoặc Hoàng đế Nhật có phần chân lớn, dài khoảng 30cm-40cm, và phần lớn thịt của loại cua này đều tập trung tại bộ phận trên.
"Cua nhập thường được để trong môi trường đông lạnh dài ngày. Nếu tách cả chân để bán riêng và bóc bỏ mai thì có thểlà loại đã được đông lạnh trong thời gian khá lâu, khiến phần gạch trong mai biến màu; hoặc con cua đã chết, rơi càng, rụng chân trước khi được mang đi cấp đông. Với các loại hải sản nước sâu, đặc biệt là cua, thịt càng cấp đông lâu thì chất lượng càng giảm. Đó có thể là nguyên nhân khiến giá của loại hàng chân, càng này thấp hơn so với giá trung bình của cua Hoàng đế", chị này cho hay.
Theo Zing