Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế có hiệu lực từ 1/1/2015 đã bỏ quy định về mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp tân... Các chuyên gia thuế đánh giá: Khoan hẵng mừng, chưa biết lợi, hại!
Lợi: Đỡ cân chỉnh chi phí
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết từ trước đến nay việc khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp tân... (gọi chung là chi phí quảng cáo) ở tỉ lệ 10%, 15% đã khiến doanh nghiệp (DN) mệt nhọc vì tính toán. Thông thường, DN phải liệt kê, đánh dấu các hóa đơn chi phí loại này, đến kỳ kê khai thì tổng hợp toàn bộ hóa đơn lại. Sau đó DN đối chiếu loại chi phí này với tổng chi phí, nếu thấy vượt mức 10%, 15% thì lại phải bóc bớt một khoản chi nào đó ra cho vừa tỉ lệ quy định. Nếu DN đưa chi phí quảng cáo vào vượt tỉ lệ, làm giảm thu nhập chịu thuế thu nhập DN thì sẽ bị truy thu thuế và bị phạt nặng.
Ông Xoa đánh giá việc sửa quy định, bỏ khống chế chi phí quảng cáo sẽ giúp DN giảm thời gian và công sức cân chỉnh sổ sách. Tuy nhiên, sửa đổi này mang tính cải cách hành chính là chính chứ không hẳn giúp DN chi tiêu thoải mái hay giảm bớt thuế. Bởi lẽ mỗi DN đều có dự tính cho khoản chi này, trị giá bao nhiêu tiền. Nếu DN chi cho quảng cáo, khuyến mãi, ăn nhậu tiếp khách, quà biếu đối tác... nhiều quá thì tổng chi phí sẽ tăng lên, đẩy giá sản phẩm tăng lên, khi đó sẽ khó cạnh tranh với DN khác. Nếu không tăng giá sản phẩm thì DN phải chịu giảm lợi nhuận. Khi giảm lợi nhuận, nhất là ở các công ty cổ phần, cổ đông sẽ phản ứng. Cổ đông thường xem kỹ các khoản chi này, họ sẽ chất vấn vì sao anh quản lý công ty mà đi “tiếp khách” nhiều quá vậy!
Bỏ khống chế chi phí quảng cáo không hẳn giúp DN giảm bớt thuế.
|
DN có mua hóa đơn ăn uống để kê chi phí?
Luật sư Trần Xoa cũng cho biết hiện nay có một số khoản chi phí thường được DN bỏ một ít tiền ra mua hóa đơn, ví dụ như xăng dầu, vận chuyển và ăn uống. Bởi vì với ba loại hình này, đa số người tiêu dùng thực sự đều không lấy hóa đơn. Vì vậy, các cửa hàng xăng dầu, người vận chuyển hay nhà hàng ăn uống có thể xuất hóa đơn cho DN không tiêu dùng thực sự nhưng cần có hóa đơn để kê vào chi phí.
Khi chi phí quảng cáo, tiếp tân được bỏ thì liệu DN có mua nhiều hóa đơn ăn uống để kê chi phí lên cao, giảm bớt thuế thu nhập DN hay không?
Ông Mai Thanh Tòng, Phó chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM, phân tích: Khi bỏ mức trần chi phí, cơ quan thuế cũng có dự liệu trước các tình huống này, chưa biết họ sẽ đưa giải pháp nào để quản lý. Các nhà hàng không dám xuất khống hóa đơn (xuất mà không có phục vụ ăn uống thực tế), cũng không dám kê hóa đơn lên cao giá, vì họ cũng sợ bị cơ quan thuế phát hiện, bị phạt nặng.
Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng nhóm gia đình hay nhóm bạn bè đi ăn với nhau, ăn xong vẫn lấy hóa đơn ghi đúng số tiền thực trả nhưng ghi tên DN lên hóa đơn để DN đó được tính vào chi phí tiếp khách. Nhà hàng không hỏi, không yêu cầu xuất trình chứng từ chứng minh tên người ăn uống, mục đích ăn uống. Nếu tình trạng này tiếp diễn mà cơ quan thuế không có biện pháp ngăn chặn thì đúng là DN có được hóa đơn hợp pháp cho chi phí quảng cáo, tiếp khách.
Ông Tòng cũng giải thích, quảng cáo với chi phí cao thường là quảng cáo trên truyền hình và chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN Việt Nam không có tài lực để chi nhiều tiền cho quảng cáo, nhất là giai đoạn khó khăn về kinh tế.
Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, cho biết DN gặp nhiều khó khăn nên không có nhiều tiềm lực chi cho quảng cáo. Đến DN nước ngoài cũng cắt giảm khoản chi này, nói gì DN Việt Nam, cho nên bỏ trần chi phí thì bỏ thôi chứ cũng không mong nhiều DN chi quảng cáo vượt khả năng lâu nay của họ.
Quy định bị bỏ: (điểm m khoản 2 Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN):
Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra.
DN chi tiền quảng cáo nhiều thì giảm doanh thu chịu thuế, giảm thuế thu nhập DN nhưng DN ngành quảng cáo sẽ có doanh thu cao, cơ quan thuế lại được nguồn thu thuế từ doanh thu này. Với dịch vụ nhà hàng ăn uống, từ trước đến nay thường không xuất hoặc xuất rất ít hóa đơn.
Nay vì nhu cầu DN lấy hóa đơn tăng cao thì con số kê khai doanh thu của nhà hàng cũng sẽ tăng lên, nhà hàng sẽ phải nộp thuế thu nhập DN, cơ quan thuế còn thu được thuế giá trị gia tăng nữa. Mất khoản này vẫn được khoản khác. Quan trọng hơn, DN bớt được thủ tục.
Một chuyên viên thuế