Bơm tiền, giảm thuế, kích cầu... đổ tiền cứu BĐS

Thị trường bất động sản năm 2012 trầm lắng cùng với vấn đề “nóng” là nợ xấu cao và tồn kho lớn. Những ngày cuối của năm 2012 đã cơ bản có những giải pháp tổng thể kích cầu thị trường.

Thị trường bất động sản năm 2012 trầm lắng cùng với vấn đề “nóng” là nợ xấu cao và tồn kho lớn. Những ngày cuối của năm 2012 đã cơ bản có những giải pháp tổng thể kích cầu thị trường.


Sau nhiều kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản một gói giải cứu BĐS sắp thành hiện thực, Chính phủ cũng sẽ một nghị quyết về cứu BĐS.

“Bơm” tiền khủng

Con số nợ xấu BĐS được NHNN đưa ra hiện nay là 28.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ bất động sản (207.595 tỷ đồng). Riêng tại Tp.HCM, dư nợ là 85.000 tỷ đồng, nợ xấu là 4.125 tỷ đồng chiếm 6,27%. Tại Hà Nội, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu ngân hàng.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, vấn đề là cần xử lý được nợ xấu BĐS. Một nguồn vốn tín dụng đã được tính đến, và một công ty quản lý tài sản đã được đưa ra.

Tại buổi làm việc với Hà Nội. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2013 sẽ bơm ra khoảng 100 đến 150 ngàn tỷ đồng để xử lý nợ xấu, mà chủ yếu là tập trung xử lý nợ xấu bất động sản vì nợ xấu chủ yếu liên quan đến bất động sản.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cam kết sẵn sàng cung ứng 20 đến 40 ngàn tỷ đồng cho các NHTM để cho vay mua nhà với thời hạn vay dài hạn là 10 năm.

Tại buổi làm việc với Hà Nội sáng 19/12, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có Đề án xử lý nợ xấu, trong phiên họp thường kỳ tới đây sẽ đưa ra. Trong phương án xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản là 70%, các ngân hàng tự xử lý (cơ cấu lại nợ) là khoảng 250.000 tỷ.

Đề án này tập trung xử lý nợ xấu bất động sản trong đó có thành lập công ty quản lý tài sản, mua lại các tài sản bất động sản với giá chấp nhận được.

Dự kiến, Công ty quản lý tài sản này sẽ tập trung ưu tiên tiếp nhận, mua, xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là bất động sản có dư nợ xấu trên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng trở lên đối với cá nhân, hộ gia đình. Giá mua theo giá trị thị trường dựa trên cơ sở đánh giá lại khoản nợ và tài sản bảo đảm.



Giảm thuế, giảm lãi suất

Nhằm hỗ trợ cho các DN kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng,…vượt qua khó khăn, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Một số giải pháp về thuế cũng đã được Bộ Tài chính đưa ra, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp giữa năm 2013.

- Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, VLXD,...

- Gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2013 của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

- Nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng nhưng tối đa không quá 24 tháng

- Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2013 và năm 2014 cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuế đất.

- Áp dụng mức thuế suất 20% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa từ 1/7/2013.

- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với thu nhập từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

- Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động cho thuê, cho thuê mua hoặc bán nhà ở xã hội từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.

- Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở đối với những căn hộ có diện tích sàn sử dụng dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng m2 sàn sử dụng từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.

- Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà để ở hoặc kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh những công cụ về thuế, lãi suất cho vay cũng đã được bàn luận trong buổi họp 19/12 của Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo NHNN cần hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở. Các ngân hàng cũng cần cho vay với lãi suất thấp. Nếu lạm phát kiểm soát tốt, chỉ còn khoảng 5 - 6%/năm, cộng với quỹ hỗ trợ tại địa phương thì lãi suất cho vay ưu đãi sẽ chỉ khoảng 4 - 5%/năm.

Còn Bộ Tài chính kiến nghị NHNN đưa tín dụng chứng khoán, BĐS ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất, đồng thời giảm lãi suất cho vay.

Giải phóng tồn kho, kích cầu thị trường

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, số liệu tồn kho bất động sản tại Tp.HCM hiện nay là “15.000 căn hộ chung cư chưa bán, hơn 300.000 m2 nền đất tồn kho, thừa khoảng 58.748 m2 văn phòng cho thuê và mặt bằng thương mại. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 30.242 tỉ đồng.”

Còn tại Hà Nội, tồn kho BĐS hiện tại là “5.789 căn hộ, tương ứng 566.610 m2 sàn. Nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) 3.483 căn, tương ứng 874.825 m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000 m2.”

Để giải quyết hàng tồn kho, Thủ tướng chỉ đạo NHNN có chính sách cho vay kích cầu, tạo cầu cho phân khúc nhà xã hội. Ngoài chính sách về ưu đãi thuế, gói 20-40 ngàn tỷ đồng cần đưa ra để tạo cho thị trường ấm lên.

Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho bất động sản hiện còn quá lớn hiện nay, mà theo như đánh giá của một số tổ chức, chuyên gia phải mất 5-7 năm mới tiêu thụ hết, thậm chí là cả 10 năm. Còn theo Thủ tướng các dự án được quy hoạch đến nay đã đủ nhà ở cho đến 2050.

Qua đó, đáng chu ý là cho phép các chủ đầu tư chuyển chức năng của các loại hình đang thừa cung như nhà ở cao cấp sang bệnh viện, trường học, khách sạn,…Cho phép chủ dự án cơ cấu lại diện tích căn hộ theo hướng nhỏ lại phù hợp nhu cầu người dân.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị “đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Bộ trưởng cũng cho rằng, các DN cần tái cơ cấu doanh nghiệp mình cho phù hợp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường.

Phát triển nhà xã hội

Nhà ở xã hội (nhà giá thấp) sẽ là điểm nhất của chính sách định hướng phát triển chính của chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều DN lớn tham gia đẩy mạnh phát triển nhà xã hội. Có nhiều chính sách ưu đãi được ban hành về thuế và nguồn vốn.

Một số đơn vị lớn đã cam kết tăng cường đầu tư nhà xã hội như Vinaconex sẽ đầu tư dự án 50ha tại Thanh Trì, Nam Cường dành 10-15ha để làm nhà xã hội ở Đại Mỗ, HUD dự kiến dành 2,4ha làm nhà xã hội ở Tây Nam Linh Đàm,…

Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội, khuyến khích cho chủ đầu tư làm nhà xã hội. Hỗ trợ về lãi suất cho vay để người dân được mua, được thuê mua và thuê nhà ở xã hội.

Mới đây, nhằm cụ thể hóa chính sách trên, ngày 18/12 Ngân hàng BIDV đã ký hợp tác với Bộ Xây dựng cam kết dành gói tín dụng trung dài hạn quy mô 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở xã hội. Tong đó, 10.500 tỷ cho chủ đầu tư và còn lại cho người mua nhà.

BIDV đề xuất Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để người mua nhà ở xã hội chỉ phải trả mức lãi suất bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (6-7%/năm).

Theo TTVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.