Chính phủ quyết tâm “cứu” thị trường bất động sản

Tại cuộc làm việc với TP.HCM ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phải quan tâm hơn nữa việc xây dựng nhà ở cho người nghèo, và kiên quyết không để những doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

- Tại cuộc làm việc với TP.HCM ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phải quan tâm hơn nữa việc xây dựng nhà ở cho người nghèo, và kiên quyết không để những doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp phát triển theo tâm lý “đám đông”

Ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ, ngành đã làm việc với TP Hồ Chí Minh để bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn TP còn khoảng 15 ngàn căn hộ chung cư chưa bán được, ngoài ra còn khoảng trên 300.000m2 đất nền, gần 60.000m2 văn phòng chưa giao dịch được với tổng giá trị khoảng 30.242 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng BĐS của TP Hồ Chí Minh cũng cao hơn Hà Nội, chiếm khoảng 47,8%, Hà Nội khoảng 23,7%. Đại đa số doanh nghiệp nợ BĐS khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Có những dự án giảm tới 30% như dự án Hoàng Anh River View ( từ 28 triệu đồng/m2 xuống còn 18 triệu đồng/m2). Giá một số dự án chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hiện đang được chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 (xấp xỉ giá thành đầu tư)... nhưng giao dịch thành công vẫn rất ít.

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tổng số 1.318 dự án KĐTM, nhà ở, đất quy hoạch khoảng 12.304 ha, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại là 4.074 ha, đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội chỉ có 213 ha.

Mặc dù TP đã chỉ đạo rà soát các dự án, tuy nhiên kết quả rà soát còn hạn chế, số lượng dự án cần tạm dừng, cần điều chỉnh vẫn còn ít, chưa có dự án nào được thực hiện điều chỉnh căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
 
Chính phủ quyết tâm “cứu” thị trường BĐS
Chưa có dự án nào ở TP.HCM được thực hiện điều chỉnh căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường (ảnh minh họa)

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương cũng đều nhận định rằng trong thời gian dài, thị trường BĐS tại đây phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch và điều tra nhu cầu của thị trường.

Đầu tư BĐS theo phong trào, tâm lý "đám đông", nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm, yếu về năng lực tài chính, không phải là ngành nghề kinh doanh chính cũng tham gia kinh doanh BĐS , lực lượng các nhà đầu cơ nhỏ lẻ tăng mạnh làm cho giá nhà đất không phản ánh đúng giá trị thực. Nguồn cung BĐS của TP Hồ Chí Minh hiện vượt quá cầu có khả năng thanh toán của thị trường.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hoá BĐS cũng phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích lớn. Trong tổng số khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thành trước năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh thì 37% là căn hộ cao cấp, 38% căn hộ trung bình và 25% căn hộ bình dân. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân.

Ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 6 giải pháp cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS.

Trong đó, trước hết tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội...

Thứ hai, nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu. Phân loại, rà soát các dự án, cũng như kiên quyết dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương; cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Với nhóm giải pháp về tín dụng và giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đã góp ý với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường BĐS, ưu tiên xử lý nợ xấu có bảo lãnh bằng BĐS.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1.24 triệu tỷ chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản, vì vậy việc tập trung phục hồi và phát triển thị trường BĐS là giải pháp xử lý nợ xấu ít tốn kém nhất, đồng thời bảo đảm lợi ích của các bên liên quan.

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vựcBĐS, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản, từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm). Còn với giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và thuế, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải làm quyết liệt, đồng bộ; thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung trước hết phải xem xét lại công tác quy hoạch, bởi công tác này một trong những bất cập lớn, điểm yếu nhất hiện nay; đồng thời nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tăng cường kiểm soát việc phát triển đô thị, bất động sản, nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đáp ứng của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần quan tâm hơn nữa tới xây dựng nhà ở cho người nghèo, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công, công nhân viên chức, nhà ở tái định cư… Tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

Dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp quy hoạch, nhu cầu phát triển của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn ra vào ngày hôm nay (19/12), Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012 và sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo  Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.