Bột nhuộm tóc từ lá cây henna loạn giá, xuất xứ

Được quảng cáo 100% nguyên liệu thiên nhiên, một loại bột làm từ lá cây ở Ấn Độ đang được khách Việt Nam tìm mua về nhuộm tóc

Được quảng cáo 100% nguyên liệu thiên nhiên, một loại bột làm từ lá cây ở Ấn Độ đang được khách Việt Nam tìm mua về nhuộm tóc song lại có nhiều mức giá, nguồn gốc và xuất xứ.

Theo thông tin từ các mẩu quảng cáo trên mạng Internet, bột nhuộm tóc thiên nhiên được làm từ lá cây henna (cây móng) ở Ấn Độ. Lá cây này có chứa rất nhiều các phần tử Lawsonia inermis để tạo màu nên được nghiên cứu chế biến thành thuốc nhuộm. Sản phẩm không chứa chất hoá học, độc hại nên được phụ nữ ở các nước ưa dùng. Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam, loại bột này cũng được chào bán với giá 30.000-50.000 đồng một gói. 

Tại một trang web bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc, loại bột henna có tác dụng nhuộm tóc được chào bán với giá chỉ 0,2-0,5 USD một gói, xấp xỉ hơn 4.000-10.000 đồng. Ngoài sản phẩm trên, một số loại bột có tác dụng nhuộm tóc cũng được chào bán với mức giá 18-19,2 USD một gói, tương đương trên dưới 400.000 đồng. 

Theo chị Thanh, bán hàng xách tay ở Thanh Xuân, Hà Nội, trong dòng mỹ phẩm ngoại nhập, bột nhuộm tóc henna là sản phẩm đang bán chạy nhất. So với các sản phẩm khác, loại này có giá ở mức trung. Thông thường, 1 hộp (6 gói), giá 280.000 đồng dùng được 1 lần cho tóc dài, 2-3 lần cho tóc ngắn ngang vai. Bán và cũng trực tiếp sử dụng, chị Thanh nhận xét, bột nhuộm không những lên màu đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh vảy gàu, thúc đẩy mọc tóc và làm suôn mượt. Thậm chí, theo lời chủ hàng, các bà bầu hoặc người đang cho con bú vẫn có thể sử dụng được.

Bột nhuộm tóc từ lá cây henna loạn giá, xuất xứ
Bột henna nhuộm tóc được quảng cáo làm từ nguyên liệu 100% thiên nhiên. Ảnh: NVCC.

"Cách sử dụng bột nhuộm không khác gì thuốc thông thường. Người dùng hoà một ít nước chanh với nước, sau đó trộn đều bột henna cho quánh lại. Chải hỗn hợp lên tóc thật đều, để khoảng 30 phút hoặc vài tiếng, tuỳ theo độ ăn màu của tóc rồi gội sạch với nước hoặc dầu gội ít chất tẩy. Người dùng có thể cho thêm ít muối nếu tóc khó ăn màu và một chút tinh dầu hoặc trà thơm tạo mùi", chị Thanh hướng dẫn.

Chị khẳng định, loại bột này càng nhuộm càng có tác dụng tốt. Do đó, nhiều khách sau khi sử dụng một lần quay lại mua nữa hoặc giới thiệu cho bạn bè. Chị cho biết sẽ nhập thêm hàng về bán và giới thiệu sản phẩm cho các hiệu làm đầu để đổ buôn.

Theo chị Sáu, một người bán mỹ phẩm ở Gò Vấp, TP HCM, bột nhuộm được nhập từ một công ty độc quyền ở Ân Độ tên là Herbul Henna, địa chỉ Ansari Rd, Dariya Ganj, New Delhi, Delhi. Thông tin từ công ty này cho biết, sản phẩm henna được chiết xuất từ 100% thảo dược thiên nhiên, không có hoá chất. Loại bột này có tên gọi khác là Mehandi. Tác dụng của sản phẩm là tăng cường nuôi dưỡng chân tóc, thúc đẩy tăng trưởng và chữa gàu, các bệnh khác về da đầu. Ngoài ra, bột henna cũng có tác dụng làm mát da đầu và ngăn ngừa rụng tóc.

Bột lá henna ban đầu được người bản địa xay nát lấy nước để phủ bạc bởi độ an toàn cao. Về sau, khi lá có nhiều tác dụng tốt cho tóc nên một số cơ sở chiết xuất tạo thành nhiều màu đa dạng và được giới trẻ ưa chuộng. Ngoài có tác dụng nhuộm tóc, loại bột này còn dùng để vẽ xăm nghệ thuật (Mehndi).

Ở nước bản địa, bột henna có 13 màu nhưng tại Việt Nam thông dụng khoảng 5-6 màu gồm đen, nâu, xám, đỏ, tím,... Tuy nhiên, màu chủ đạo, tự nhiên của lá henna là đỏ và da cam. Vì thế, khi nhuộm phủ bạc, nâu sẽ chuyển thành màu đen nhưng khi ra nắng sẽ có ánh đỏ cam. Trong trường hợp này, người dùng nên kết hợp với bột chàm sẽ cho màu đen tuyền.

Bột nhuộm tóc từ lá cây henna loạn giá, xuất xứ
Bột henna được làm từ cây lá móng có xuất xứ ở Ân Độ. Sản phẩm được một công ty chiết xuất phân phối độc quyền. Tuy nhiên, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Sử dụng bột nhuộm henna được nửa năm nay, Nguyễn Nguyên Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) khá hài lòng về chất lượng sản phẩm. Linh cho biết, mỗi lần tham gia show diễn, cậu phải nhuộm tóc nhiều lần nên hư hại, bị xơ rất nhiều. Nhưng khi sử dụng bột nhuộm Ấn Độ một thời gian, cậu thấy tóc được phục hồi và cải thiện nhiều.

Theo Linh, so với ngoài tiệm, nhuộm tóc bằng bột henna rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mỗi lần nhuộm, để tóc lên màu, cậu phải chờ 2-3 tiếng. Ngoài ra, màu tóc chỉ giữ được tối đa trong 3 tháng. Khá rành về dòng sản phẩm này, cậu cho biết, hiện loại bột có đóng bao bì có in hình cô gái Ấn Độ là hàng nghiêm. Ngoài ra, trên thị trường còn trôi nổi sản phẩm có bao bì y chang nhưng có chữ Trung Quốc, giá rẻ hơn một nửa nhưng chất lượng không được đảm bảo.

Trong khi một số người tìm mua, không ít khách cũng lo lắng về các sản phẩm nói trên. Chị Trần Thanh Hiền (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị từng bị dị ứng da dầu và mặt khi sử dụng một loại bột nhuộm giá rẻ được quảng cáo chiết xuất thảo dược được bán trên mạng Internet. "Các bạn nên xem xét hoặc hỏi người đã từng sử dụng về công hiệu sản phẩm, không nên ham đồ rẻ, chưa rõ nguồn gốc, nhiều nguy cơ tiền mất tật mang", chị khuyến cáo.

Thời điểm trước, loại bột phấn nhuộm tóc ngũ sắc cũng từng làm mưa làm gió trên thị trường với giá rẻ chỉ 20.000-80.000 đồng một thỏi. Người dùng chỉ cần sát thỏi nhuộm lên tóc ẩm để bột dính vào, tạo màu cho tác. Tuy nhiên, sau nhiều khuyến cáo về nguy cơ mắc bệnh ung thư da, ảnh hưởng đường hô hấp, sản phẩm này dần ít xuất hiện trên thị trường.

Theo zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.