Chuyển đổi cây trồng mùa khô hạn, nhiều nông dân trúng đậm

Nhiều hộ nông dân phấn khởi bởi sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại hoa màu khác trong cái nắng hạn gay gắt này.

Những ngày qua, trong khi nhiều nông dân ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng đang đứng ngồi không yên khi hàng ngàn ha lúa, mía bị thiệt hại bởi hạn, mặn thì nhiều hộ nông dân khác lại phấn khởi bởi sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại hoa màu khác trong cái nắng hạn gay gắt này.

Trò chuyện với PV, ông Châu Văn Chuyển - Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết, trong đợt hạn, mặn vừa qua, huyện Châu Thành bị thiệt hại 2.378 ha cây trồng, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Tân và An Hiệp. Nguyên nhân là dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con không nên xuống giống lúa vụ 3 nhưng bà con vẫn xuống, bây giờ gặp hạn, mặn nên thiệt hại rất lớn.

Anh Điền Vũ Lan ở xã An Ninh với ruộng dưa của gia đình.
Anh Điền Vũ Lan ở xã An Ninh với ruộng dưa của gia đình.

Trong khi đó, ở xã An Ninh, nhiều hộ nông dân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, không xuống giống cho lúa vụ Xuân - Hè mà chuyển sang xuống giống màu như bắp cải, ớt,…và nhiều nhất là dưa hấu. Hiện tại, vụ dưa hấu của bà con đã bước đầu cho hiệu quả cao, thu nhập của người nông dân tăng cao, lời hơn so với làm lúa.

Anh Điền Vũ Lan (ngụ ấp Xà Lan, xã An Ninh) cho biết: “Mấy năm nay, cán bộ khuyến nông khuyến cáo không nên xuống giống lúa vụ 3 vì nguy cơ thiệt hại cao. Vì vậy, nhiều hộ nông dân chúng tôi đã mạnh dạn chuyển sang xuống giống màu, nhất là dưa hấu. Vụ dưa hấu năm nay đã thành công, bà con lời nhiều, ai cũng phấn khởi”.

Theo anh Lan, một công (khoảng 1.000m2) trồng dưa hấu, sau 3 tháng đã cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng từ 3- 3,5 tấn. Chi phí đầu tư một công hết 5 triệu đồng. Với giá bán hiện nay là 5.000 đồng/kg thì mỗi công bà con lời khoảng từ 10- 12,5 triệu đồng. Trong khi đó, làm lúa chính vụ, nếu trúng mùa được giá thì lời khoảng 2 triệu đồng/công. Còn năm nay, nhiều hộ làm lúa mất trắng.

Anh Điền Vũ Lan cho biết, gia đình anh trồng 2.000m2 dưa hấu gần thu hoạch và hiện thương lái đã đặt cọc với giá 5.000 đồng/kg.

Ông Thái Thành - Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh, cho biết, sau khi thu hoạch xong 2 vụ lúa Hè - Thu và Đông -Xuân sớm, bà con không làm lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng màu, trong đó chủ lực là dưa hấu. Toàn xã hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 150 hộ trồng dưa hấu với diện tích 60 ha. Nhiều hộ đã thu hoạch và với giá bán như hiện nay, nhà nông lời hàng trăm triệu đồng/ha. So với làm lúa lời gấp 4 lần, thời gian trồng dưa hấu chỉ 60 - 63 ngày, còn làm lúa phải từ 90 - 105 ngày.

Mua bán dưa hấu ở huyện Mỹ Tú.
Mua bán dưa hấu ở huyện Mỹ Tú.

Còn ở huyện Mỹ Tú, nông dân hạn chế gieo sạ lúa vụ 3, thay vào đó là trồng màu xuống ruộng, cách làm này cho hiệu quả rất khả quan.

Ở Tổ hợp tác lúa - màu ấp Mỹ Lợi A (thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú) có 28 ha với 22 hộ tham gia, sản xuất cho hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 3 đến 4 lần. Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ rất phù hợp và cho hiệu quả kinh tế khá ổn định đối với nông dân.

Hiện nay nhiều hộ nông dân ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, xã Hưng Phú và Phú Mỹ,… đã áp dụng mô hình trồng màu xuống ruộng theo cơ cấu một vụ lúa, một vụ màu, chủ yếu là ớt sừng vàng, các loại rau củ và dưa hấu, cho thu hoạch và lợi nhuận gấp 2- 3 lần so với trồng lúa, vừa giúp cải tạo được đất, tránh sâu bệnh trong sản xuất lúa vụ kế tiếp.


Thu hoạch dưa hấu ở xã Phú Mỹ.

Thu hoạch dưa hấu ở xã Phú Mỹ.

Ông Trần Cam (ngụ xã Phú Mỹ) cho biết: “Nhiều năm nay, nông dân chúng tôi thực hiện đúng theo khuyến cáo của chính quyền địa phương là không xuống giống lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng màu cho thu nhập cao, hạn chế được rủi ro. Sau khi gặt lúa xong, bà con trồng các loại rau củ như bắp cải, ớt, đậu,… và sau đó tiến hành làm vụ dưa hấu. Thu hoạch dưa xong là tới mùa mưa thì chuyển sang làm lúa. Vụ dưa hấu năm nay thắng lợi to, năm nay bà con chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer vui lắm”.

Chăm sóc ruộng dưa ở xã Lâm Kết, thị xã Ngã Năm.
Chăm sóc ruộng dưa ở xã Lâm Kết, thị xã Ngã Năm.

Còn ở thị xã Ngã Năm, nông dân đã mạnh dạn chuyển diện tích đất ruộng sang trồng màu. Trong điều kiện nắng nóng và xâm nhập mặn hiện nay thì mô hình này được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.

Ông Võ Văn Hiệp (ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3) cho biết: “Làm lúa vụ Xuân - Hè có nhiều rủi ro hơn so với trồng màu như thiếu nước, sâu bệnh nhiều, chi phí đầu tư tăng cao, nên tôi trồng màu đầu tư không cao nhưng lại cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Tính ra màu có thể cho thu nhập gần 10 triệu đồng”.

Nhiều nhà nông ở thị xã Ngã Năm trồng màu xuống ruộng theo cơ cấu sản xuất luân canh, chủ yếu là trồng bắp, ớt và các loại rau củ. Theo bà con, trồng màu vụ Hè - Thu là thích hợp vì lượng nước tưới vừa phải, mau cho thu hoạch, lợi nhuận lại cao hơn trồng lúa, giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh cho vụ lúa tới.

Dưa hấu xanh tươi giữa mùa khô hạn ở thị xã Ngã Năm.
Dưa hấu xanh tươi giữa mùa khô hạn ở thị xã Ngã Năm.

Trong khi đó, ở xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị), hàng chục ha dưa hấu chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch với niềm vui khôn tả bởi năm nay dưa trúng mùa, được giá.

Ông Thạch Phol (ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết) phấn khởi nói: “Gia đình tôi làm 3.000m2 dưa hấu, khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch. Vụ dưa này thắng lợi rồi. Theo ước tính, dưa của tôi sẽ cho khoảng 12 tấn trái, thương lái đã đặt mua với giá từ 4.400 đồng - 4.700 đồng thì chắc chắn với ruộng dưa này, gia đình tôi sẽ lời khoảng trên 30 triệu đồng chỉ sau 2 tháng chăm sóc. So với trồng lúa lời nhiều hơn”.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.