Công nghệ sản xuất trà tẩm ướp hóa chất

Được biết, cơ sở trà Đông Phương đã kinh doanh, chế biến mặt hàng này từ hàng chục năm nay

Các cơ quan chức năng phát hiện trên 12 tấn trà lài và trà sen (gồm trà nguyên liệu và thành phẩm) tẩm ướp bằng hóa chất không rõ nguồn gốc tại “Hãng trà Đông Phương”.

 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Môi trường (C49B - Bộ Công an) cùng lực lượng Quản lý thị trường quận Bình Thạnh, TP.HCM, kiểm tra tại cơ sở trà Đông Phương (128/13/26, phường 1, quận Bình Thạnh), do bà Trần Thị Kỳ làm chủ.

Được biết, cơ sở trà Đông Phương đã kinh doanh, chế biến mặt hàng này từ hàng chục năm nay. Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không trình được các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc mua, nhập nguyên liệu, cũng như hồ sơ chứng minh sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Bà Kỳ cho biết, nguyên liệu trà được thu mua tại tỉnh Lâm Đồng qua một người trung gian, với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. Một phần nguyên liệu trà thô khác mua từ một nhà máy sản xuất trà tại Hà Nội, với giá rất rẻ 15.000 - 16.000 đồng /kg trà thô.

Trà được sấy khô và tẩm ướp bằng hóa chất
Trà được sấy khô và tẩm ướp bằng hóa chất.

Khi yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan tới các thùng nhựa chứa hương liệu (hương lài, sen) thì chủ cơ sở không cung cấp được. Chủ cơ sở cho biết, nguyên liệu được sử dụng để ướp trà sen là một loại bột hóa chất hương liệu, với giá 680.000 đồng/kg và một loại hương liệu hương sen khác bằng nước.

Ghi nhận tại hiện trường, có 4 kg loại bột hóa chất, 1 bình nhựa nhỏ chứa 350 ml hương liệu nước, đều là cho sản xuất trà sen. Trên bình này có dán nhãn, nhưng không phụ đề tiếng Việt, không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Ghi nhận tại hiện trường, toàn bộ số trà thành phẩm và trà nguyên liệu là 12.709 kg, không dán nhãn hàng hóa và không có niêm yết giá.

Theo chủ cơ sở, cứ 3 kg trà thô sau khi sấy được trộn 1 g bột hóa chất hương liệu rồi mang ra đóng gói. Tùy theo loại mà các sản phẩm tại đây có giá bán từ 100.000 tới 120.000 đồng/kg, loại cao nhất có giá 200.000 đồng/kg.

Bà Kỳ cũng cho biết, sở dĩ phải dùng hương liệu phụ gia vì không phải lúc nào cũng có hoa lài và tâm sen tươi để ướp, hoặc có cũng thu mua không đủ để sản xuất. Qua trình bày của chủ cơ sở cho thấy, cơ sở tận dụng toàn bộ nguyên liệu trà để bán ra thị trường, đến cả trà cọng và trà cám cũng được bán với giá 15.000 tới 16.000 đồng/kg, lúc giá cao là 28.000 đồng/kg trà cám.

Các loại trà cọng, trà cám này được bán cho các hàng trà đá, quán cơm, thức ăn đường phố... Không những thế, họ còn sử dụng loại “hương trà”, hương liệu ướp vào loại trà cám để khi pha có vị y hệt như mùi trà. Khách hàng mối lấy của cơ sở này rất rộng, từ khu vùng ven Gò Vấp, chợ ở TP HCM cho đến các tỉnh khu vực miền Tây như Cà Mau, Đồng Tháp…

Đoàn kiểm tra đã niêm phong số hóa chất hương liệu tại cơ sở, lấy mẫu các loại trà thành phẩm để kiểm nghiệm. Đồng thời yêu cầu cơ quan ban ngành địa phương cùng phối hợp giám sát, yêu cầu cơ sở trà Phương Đông trên ngưng hoạt động cho tới khi có kết quả xử lý và kiểm nghiệm sản phẩm.

Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.