Du lịch ngày lễ: Chặt chém từ bữa ăn đến chỗ nghỉ

Chen nhau tới các điểm du lịch nổi tiếng trong kỳ nghỉ lễ dài, nhiều gia đình khóc dở, mếu dở với cảnh bị chặt chém từ giá vé tàu xe, khách sạn, dịch vụ đến cả miếng ăn.

Chen nhau tới các điểm du lịch nổi tiếng trong kỳ nghỉ lễ dài, nhiều gia đình khóc dở, mếu dở với cảnh bị chặt chém từ giá vé tàu xe, khách sạn, dịch vụ đến cả miếng ăn.

Nhà xe tăng giá, nhồi nhét khách

Lợi dụng nhu cầu di chuyển cao trong dịp nghỉ lễ, nhiều nhà xe đã tự động tăng giá vé so với mức niêm yết cố định. Không chỉ vậy, một số hãng xe còn bất chấp luật an toàn giao thông đường bộ, tự ý bổ sung thêm giường phụ, ghế phụ để tăng doanh thu. Kỷ lục ghi nhận ngày 3/5, một xe khách 42 chỗ ngồi chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa đã "nhồi" tới 111 người.

Khách trên xe phải chia nhau ghế ngồi, ngồi trên ghế phụ, khu vực cabin, thậm chí là dưới sàn. Các đối tượng ưu tiên như người già, phụ nữ có thai và trẻ em trong những hoàn cảnh này cũng không có ngoại lệ.

Du lịch ngày lễ: Chặt chém từ bữa ăn đến chỗ nghỉ
Cảnh nhồi nhét khách của các nhà xe trong dịp cao điểm đi lại mùa lễ, Tết. Ảnh: Hoàng Anh - Hoàn Nguyễn.

Nhiều xe ngoại tỉnh về thủ đô, do chở quá tải, đã ép khách xuống đường đi bộ khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra. Tại khu vực bến xe Mỹ Đình ngày 3/5, PV ghi nhận, nhiều nhà xe trả khách giữa đường trước khi vào bến, đề phòng bị phạt nặng.

Lương Xuân Anh (quê Quảng Ninh, Sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho biết, nhiều năm đi xe khách, em đã quen với cảnh bị nhồi nhét, tăng giá vé. Năm nay, lực lượng chức năng kiểm tra ráo riết mà tình trạng này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Khách sạn 2-3 sao giá hơn 10 triệu một đêm

Không chỉ vất vả chuyện đi lại, tới được điểm dừng chân, khách du lịch lại "khóc dở, mếu dở" với tình trạng thiếu phòng nghỉ, khách sạn. Những người may mắn đặt được phòng cũng không cảm thấy vui vẻ hơn, khi phải trả số tiền gấp hàng chục lần bình thường cho chỗ nghỉ.

Chuyện một số khách sạn 2-3 sao tại Sapa (Lào Cai) dịp lễ vừa qua hét giá phòng từ mức 500.000-1 triệu đồng lên 5-46 triệu đồng một đêm đã khiến dư luận choáng váng. Cụ thể, tại một số trang đặt phòng khách sạn trực tuyến như booking.com. agoda.com, gần chục khách sạn tại Sapa đồng loạt niêm yết giá phòng trong các ngày 28/4-1/5 tăng gấp 10 lần mức cũ.

Kỷ lục, khách sạn 3 sao Sapa Elite Hotel đã niêm yết giá trên trang agoda.com ngày 29-30/4 tới gần 47 triệu đồng một đêm. Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, đây là mức giá hiếm hoi ngay cả với khách sạn 5 sao.

Sau khi bị cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt, đại diện khách sạn trên phân trần, do các đơn vị này có hợp đồng bán phòng với một số công ty kinh doanh du lịch. Trong những thời điểm cháy phòng, để hạn chế lượng khách đặt, các đơn vị này đã tự ý điều chỉnh giá phòng niêm yết trên website lên mức "không tưởng" như vậy. Thực tế, giá phòng ở đây chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. (?!)

Du lịch ngày lễ: Chặt chém từ bữa ăn đến chỗ nghỉ
Khách sạn 3 sao tại Sapa nâng giá gần 47 triệu đồng/đêm. Ảnh chụp lại từ website.

Ở một điểm nóng du lịch khác là bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), tình trạng thổi giá, "chặt chém" khách trong dịp lễ cũng diễn ra như quy luật. Do đặt khách sạn cận ngày, gia đình chị Ngọc Bích (Vinh, Nghệ An) chấp nhận mức giá 500.000 đồng một đêm cho "khách sạn 0 sao" ngay gần bờ biển. Nhưng chị Bích chia sẻ, ngay sau đêm đầu tiên, phải chịu cảnh phòng bẩn, chật chội, đồ dùng hỏng hóc, lễ tân không có, chị đã quyết định trả phòng.

Không may cho gia đình chị, thay vì lấy 500.000 đồng, chủ nhà nghỉ đã "chém" 1,5 triệu đồng, với lý do khách "phá vỡ hợp đồng". Trả lời PV, chủ nhà nghỉ này cho biết, mức giá thuê phòng ngày thường tại đây là 250.000 đồng một đêm. Tuy nhiên, chuyện tăng giá gấp 2-3 lần, thậm chí chục lần, vào dịp nghỉ lễ "là chuyện thường. Bởi ai cũng làm vậy!".

Theo anh này, gia đình chị Bích đăng ký ở 3 ngày theo "hợp đồng miệng" giữa 2 bên. Nhà chị chỉ ở 1 ngày là phá vỡ hợp đồng nên bị phạt. Thực tế, trước phản ứng của khách hàng, lễ tân đã thu 1 triệu đồng thay vì 1,5 triệu đồng.

Khảo sát tại nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở Cửa Lò trong những ngày vừa qua, do số lượng phòng cho thuê có hạn nhưng lại đón tới hàng chục vạn khách du lịch tìm đến, nên tình trạng thổi giá, chèn ép khách, chất lượng dịch vụ giảm sút là có thật. Thậm chí, trên các diễn đàn mạng, nhiều khách chia sẻ, đã phải quay về ngay sau ngày đầu tiên tận hưởng kỳ nghỉ lễ quá vất vả.

Bữa ăn đơn giản giá bạc triệu

Cũng ở những điểm du lịch được người dân ưa thích trong những ngày này, chuyện "bữa ăn đạm bạc giá triệu đồng" bỗng trở thành phổ biến. Chị Ngọc Bích cho biết, các bữa ăn tại Cửa Lò, nhà chị thường chỉ gọi vài món đơn giản, nhưng thanh toán hóa đơn thường xuyên ở mức trên dưới 2 triệu đồng. Nhiều bạn bè của chị Bích khuyên, thay vì ăn tại Cửa Lò, nhà chị chỉ nên tắm tại đây, sau đó sang Cửa Hội ăn uống, để có giá mềm hơn, đồ ăn tươi ngon hơn.

Tại Sapa, một nhóm khách du lịch nước ngoài chia sẻ trên trang tripadvisor.com: "Nếu không muốn về nước sớm, bạn nên thỏa thuận kỹ giá cả đồ ăn". Nhóm này đã gọi một nồi lẩu cá cho 6 người giá 1,5 triệu đồng. Nhưng khi gọi thêm rau và vài gói mỳ, hóa đơn bữa ăn đã tăng giá gấp đôi.

"Được biết Đà Nẵng là chốn ăn chơi 'bình ổn giá' nổi tiếng, nhưng không ngờ dịp này đi, nhà mình cũng bị chặt đẹp từ giá phòng khách sạn tới đồ ăn", anh Nguyễn Quảng Nam (du khách Hà Nội) chia sẻ.

Theo anh Nam năm trước, nhà anh đi Đà Nẵng, 2 vợ chồng, 2 con nhỏ, tổng chi phí chỉ khoảng chục triệu đồng. Năm nay số tiền bỏ ra gấp đôi, chất lượng dịch vụ không hơn, nên vợ anh luôn miệng cằn nhằn, ấm ức.

"Từng ấy tiền, đi Thái Lan có lẽ còn sướng hơn, cũng biển xanh cát trắng, đồ ăn ngon, phục vụ tốt", anh Nam nói.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.