Khó xử lý lái buôn nước ngoài làm ăn trái phép tại Việt Nam

Hiện tượng thương nhân nước ngoài mua nông, thủy sản trái phép ở Việt Nam diễn ra phổ biến, phức tạp nhưng rất khó để xử lý.

Hiện tượng thương nhân nước ngoài mua nông, thủy sản trái phép ở Việt Nam diễn ra phổ biến, phức tạp nhưng rất khó để xử lý.

Tại hội nghị “tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa vào ngày 12/9, nhiều đại biểu là lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường của 14 tỉnh thành Miền trung và Tây nguyên cho biết, rất khó khăn trong việc xử lý các thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam.
 
 Tình trạng thương nhân nước ngoài thu mua nông sản ở VN diễn ra ồ ạt (Ảnh: Lao Động)

Báo cáo của Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, từ tháng 5/2011 đến nay hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có diễn biến ngày càng phức tạp.

Cụ thể là thu mua quả vải ở Bắc Giang, chè ở Tuyên Quang, Thái Nguyên.., hải sản ở Khánh Hòa, Phú Yên, cua ở Cà Mau… Các thương nhân nước ngoài này đều là những cá nhân, tổ chức không có hiện diện thương mại nhưng lại tổ chức thu mua hàng trái phép tại Việt Nam.

Các hoạt động mua bán trái pháp luật của thương nhân nước ngoài, nhất là thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua đã gây bất ổn thị trường, tác động xấu đến nguồn tài nguyên, thất thu thuế, mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, trưởng phòng pháp chế Cục quản lý thị trường Bộ Công thương các quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm trong hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài khá đầy đủ. Trong đó, việc xử phạt đối với các thương nhân không có hiện diện như trên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tang vật…

Tuy nhiên, quá trình xử lý thực tế ở các địa phương cho thấy đang còn vướng mắc, nhất là khi các dịch vụ mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài có sự tiếp tay của người dân bản địa. Ông Khoa kiến nghị cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, công an,… khi cần có thể tạm giữ giấy tờ hoặc người để thực hiện việc xử lý vi phạm.

Vì nhiều địa phương khi làm xong quy trình xử lý vi phạm của các thương nhân nước ngoài đến tống đạt quyết định đến cho họ thì họ đã đi mất, QLTT ôm tang vật nhưng không tổ chức tịch thu tang vật được vì chưa tống đạt được quyết định xử phạt đến đối tượng liên quan.

Ông Phạm Văn Hữu, phó chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa nói, “qua kiểm tra hoạt động thu mua, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn T.p Cam Ranh đoàn chỉ phát hiện được 1 công ty tại T.p Hồ Chí Minh nuôi thủy sản trên vịnh Cam ranh, dù biết đứng tổ chức đằng sau là người nước ngoài nhưng trên giấy tờ họ là chuyên gia được mời sang lao động, đại diện là người Việt Nam nên không thể xử lý. Kiểm tra các cơ sở chế biến thủy sản tại Nha Trang được phản ánh là chế biến cho thương nhân nước ngoài nhưng các chủ cơ sở nhận là hàng của mình nên đoàn cũng không xử phạt được. Chúng tôi phải theo dõi và bắt quả tang ngay tại cơ sở đó đang do người nước ngoài chỉ đạo thu mua chế biến, cơ sở hợp đồng thu mua, chế biến cho thương nhân trên mới có cơ sở xử phạt”.

Đại diện Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, “Không có hợp đồng mua bán giữa tiểu thương Việt Nam và thương nhân nước ngoài thì khó mà xử phạt được họ vì thiếu chứng cứ khẳng định họ thu mua hàng hóa. Họ lách luật bằng hộ chiếu du lịch, thuê thương lái Việt Nam thu mua, đứng tên, trả tiền… Hiện Quảng Ngãi cũng mới chỉ xử phạt được 2 thương nhân Trung Quốc thu mua trái phép hải sản nhờ nắm được hợp đồng giữa thương nhân và chủ các cơ sở thu mua cá người Việt”.

Cũng theo vị đại diện chi cục QLTT Quảng Ngãi, việc phát hiện và xử phạt các thương nhân nước ngoài thu mua thủy hải sản sai quy định Việt Nam là khó nhưng sẽ là dễ nếu người dân không tiếp tay. Cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến đầy đủ, phù hợp đối tượng để người dân hiểu rằng không nên vì lợi trước mắt mà vô hình chung mất đi lợi ích lâu dài của chính mình.

Đại tá Lê Thái Ngọc, phó chủ nhiệm chính trị, Bộ đội biên phòng Việt Nam cho biết: “Cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành địa phương còn nhiều bất cập. Các địa phương khi triển khai xây dựng các khu kinh tế biển theo quy định thì phải tham khảo ý kiến của Bộ đội Biên phòng về đảm bảo an ninh biên giới, hải đảo nhưng từ năm 2011 đến nay chỉ có 3/15 tỉnh và 10/233 doanh nghiệp khi triển khai dự án có lấy ý kiến của Bộ đội Biên phòng. Nhiều địa phương lấy lý do tạo điều kiện phát triển kinh tế nên không thông tin đầy đủ các hoạt động thương mại với thương nhân nước ngoài cho Bộ đội Biên phòng”.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.