“Không “ăn” dầu không phải tài xế xe tải” (?)

Ngoài tiền lương, nhiều tài xế còn “kiếm thêm” thu nhập bằng đủ loại chiêu trò như đổi vỏ xe, ăn cắp hàng…

Ngoài tiền lương, nhiều tài xế còn “kiếm thêm” thu nhập bằng đủ loại chiêu trò như đổi vỏ xe, ăn cắp hàng…

“Không “ăn” dầu không phải tài xế xe tải” (?)
Một tài xế dừng xe ở tiệm vá vỏ để rút dầu ra bán (ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Linh trưa 6/11).
 
“Mỗi khi hỏi nhau chuyện tiền lương, cánh tài xế thường nói về phần cứng và phần mềm. Phần cứng là chủ doanh nghiệp trả, còn phần mềm do tài xế “moi” được bằng đủ mọi cách, phổ biến nhất là ăn cắp dầu của chủ xe. Là tài xế xe tải hơn 20 năm, tôi dám khẳng định: không ăn cắp dầu không phải tài xế xe tải…” - ông Đoàn Văn Năm, chủ Doanh nghiệp (DN) vận tải Nam Hương, nói.

Bán dầu, đổi vỏ xe

Ông Đỗ Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải Minh Liên, cho biết: Công ty có 10 đầu xe container chuyên chở hàng từ cảng tới các kho bãi ở TP.HCM, Đồng Nai… Rất nhiều lần xe của công ty bị đổi mâm, vỏ mới thành mâm, vỏ cũ nhưng không thể xác định được tài xế nào đổi để lấy tiền chênh lệch.

“Khi tôi quản lý chặt thì việc đổi mâm, vỏ giảm được một thời gian ngắn, sau đó lại xảy ra sự cố tài xế Nguyễn Văn Dương (ngụ Bình Định, lái cho công ty được bốn năm - PV) đổi hai vỏ xe và bán 350 lít dầu trong xe rồi bỏ việc, tắt điện thoại. Phụ xe sợ cũng nghỉ theo. Hành động của tài xế Dương làm công ty thiệt hại 20 triệu đồng, tôi buộc phải làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng...” - ông Phú bức xúc.

Ông Lưu Văn Mạnh, chủ DN vận tải Mạnh 79, bộc bạch: Việc tài xế “ăn” dầu, bán phụ tùng là nỗi ám ảnh của tất cả DN vận tải. Có nhiều chủ DN phải bán xe, lâm vào cảnh nợ nần do không quản lý được tài xế. Các DN luôn phải đau đầu tìm cho mình cách quản lý làm sao cho đỡ thất thoát nhất. Chứ sa thải tài xế này rồi nhận tài xế khác cũng chỉ yên ổn một thời gian, sau đó mọi việc vẫn như cũ. 

Anh A., tài xế của Công ty Vận tải Công Thành, “bật mí”: Ngã ba Tân Vạn (Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TP.HCM) là nơi giới tài xế xe tải hay ghé để bán dầu. Nhưng khu vực họ ưng ý nhất chính là Bình Thung, Dĩ An. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, tài xế có thể rút một bình 35 lít dầu bán cho đầu nậu ở đây, thu khoảng 580.000 đồng (gần 17.000 đồng/lít dầu, trong khi giá thị trường 21.800 đồng/lít).

PV đã đến các khu vực Tân Vạn, Bình Thung để xác minh và thấy tài xế A. nói hoàn toàn đúng sự thật. Việc mua bán dầu ở những nơi này diễn ra rất công khai nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.

Chôm tiền cước, ứng tiền rồi “lặn”

Ông Nguyễn Như Việt, chủ DN vận tải Phương Việt, kể: “Mấy tháng trước, tài xế Nguyễn Văn Hải (ngụ Bình Định) than gia đình gặp khó khăn đột xuất, cần gấp 40 triệu đồng. Chia sẻ khó khăn, tôi đưa Hải mượn 40 triệu đồng và cho anh ta trả dần. Vài bữa sau, khi bị CSGT thổi phạt, Hải không xuất trình bằng lái mà bỏ xe đi mất biệt. Tôi phải rất vất vả mới lấy được xe về”.

Ông Khanh, chủ một xe container chở hàng từ Sài Gòn đi Lạng Sơn, cũng gặp “tai nạn” nhớ đời với tài xế. “Khi chở hàng ra đến Lạng Sơn, tài xế Nguyễn Văn Dũng (Quảng Ngãi) gặp chủ hàng lấy hết 75 triệu đồng tiền cước rồi tắt điện thoại, bỏ xe đi mất. Tôi buộc phải thuê tài xế từ TP.HCM ra Lạng Sơn để lái xe về lại TP.HCM, sau đó về Quảng Ngãi tìm gặp Dũng. Sợ bị tố cáo, Dũng trả lại 40 triệu đồng và từ đó không dám vào TP.HCM làm tài xế nữa” - ông Khanh nhớ lại.

Bán đứng DN

Một trong những đơn vị “gặp hạn” nặng nề vì tài xế là DN vận tải Vân Linh. Ngoài việc bán dầu, những năm qua tài xế của DN này đã ba lần “rút ruột” container khiến DN phải bồi thường gần 3 tỉ đồng.

Ông Linh, chủ DN, kể: Tháng 12-2008, công ty điều tài xế Nghiêm Xuân Huy và phụ xe Nguyễn Văn Luận (cùng ngụ Hải Dương) vào cảng ICD Phước Long chở container về KCN Nhơn Trạch, Đồng Nai. Khi giao nhận, chủ hàng thông báo cho tôi là trọng lượng container nhẹ hơn nhiều so với hồ sơ, chứng từ. Tôi cử nhân viên đến cùng chủ hàng mở container thì phát hiện mất cuộn đồng 4,3 tấn trị giá gần 420 triệu đồng. Cả tài xế và phụ xe đều bỏ trốn, tôi không còn cách nào khác là bồi thường cho chủ hàng, sau đó làm đơn tố cáo với công an.

Tới tháng 6-2009, tài xế Nguyễn Văn Thuận (ngụ Nam Định) đem bán cả hai container cà phê trị giá 2,4 tỉ đồng rồi bỏ xe trốn biệt. Sang tháng 2-2010, tài xế Mạc Văn Tuấn và phụ xe Đặng Đại Dương đã bán tám tấn hàng khi vận chuyển hai container từ cảng Cát Lái đến KCN Vĩnh Lộc. Liên hệ với Công an quận Thủ Đức, DN mới biết trước đó Tuấn đã tham gia nhiều vụ trộm hàng hóa của các công ty khác.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, DN phải rất vất vả để tồn tại, tạo công ăn việc làm cho tài xế. Thay vì cùng nhau vượt khó, họ lại tìm đủ mọi cách để bán đứng DN...” - ông Linh ứa nước mắt.

“Tình trạng tài xế bán tất cả những gì có thể bán được trên xe đã trở thành vấn nạn của DN vận tải. Tiếp sức với cánh tài xế chính là hàng trăm điểm mua dầu, phế liệu và các mặt hàng nông sản ở các cửa ngõ ra vào TP.HCM. Tại sao các điểm tiêu thụ đồ gian đó tồn tại mà không bị xử lý?” - ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đặt vấn đề.

Theo Trung Dung
Pháp luật TPHCM



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.