Khi bước vào “cuộc chơi”, người bán hàng online mới thực sự được trải nghiệm, trong đó phải sẵn sàng “chịu đựng” những giọt nước mắt.
Vạn sự dở khóc dở cườiDù không giống với những shop buôn bán trực tiếp, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn quần áo, sản phẩm và sau đó sẽ "tiền trao cháo múc" ngay tại cửa hàng, với các shop bán hàng online, việc đặt hàng thường được thực hiện qua mạng và điện thoại. Vì thế, những đơn hàng này có thể bị khách hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần phải phản hồi hay có lý do chính đáng. Điều này khiến không ít chủ shop "hụt hẫng" và chỉ biết "trông ngóng, chờ đợi mòn mỏi".
Dù sao thì với những "thượng đế mưa nắng thất thường" khi bỗng dưng không lấy hàng... vì không thích hay vì một ngày thời tiết khó chịu, chủ shop bán hàng online vẫn còn giữ được hàng và không bị lừa tiền. Còn đối với những khách hàng có chủ ý "lừa đảo" thì việc bị mất cả hàng và tiền là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Kinh doanh online đang là xu hướng, ngoài sự tiện ích hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Một chủ shop quần áo có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi từng gặp phải trường hợp như thế này: 1, 2 lần đầu khi mua quần áo, vị khách này trả tiền rất sòng phẳng. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, khi đặt mua số lượng nhiều với tổng giá trị lên 3 triệu đồng, chị ta hứa hẹn sẽ chuyển khoản ngay khi nhận được hàng vì lúc này còn đang bận chút chuyện. Tuy nhiên, sau khi hàng được giao đi, khách hàng này cũng biến mất không để lại dấu vết". Khi ấy, cách duy nhất chỉ có thể là khóc một mình mà thôi.
Thậm chí, nhiều chủ shop còn bị lừa ngay trước mắt mà không thể làm được gì. G.N - 1 chủ shop bán quần áo online - cho biết, có lần vì khách hẹn mang 5 chiếc váy đến để thử, vừa cái nào lấy cái đó. Vì chỗ thử đồ là tòa nhà cao tầng nên sau khi gặp mặt, vị khách này ngỏ ý muốn lên nhà thử đồ. Do cách nói chuyện thân thiện và tử tế mà G.N gật đầu cái rụp, không thèm mảy may suy nghĩ. Thế nhưng, đợi mãi nửa tiếng sau không thấy khách hàng quay lại, cô mới lên tầng tìm kiếm. Lúc này, khách hàng đã biến mất, bỏ mặc cô chủ nhỏ một mình…đứng khóc.
Trở thành "cú đêm", đặt hi vọng vào những đơn hàng từ những người lạ |
Khi gặp khách hàng “chỉ muốn sang mồm”
Một facebooker bán hàng online chia sẻ, có những vị khách chỉ thích order cho sang mồm, họ comment hỏi lấy size này cho chị nhé, lấy mẫu kia cho tớ nhé… rất dõng dạc như thể cho người khác thấy mình sẵn sàng mua đồ không tiếc tay. Nhưng khi hàng về, họ chầy cối hơn cả con nợ, facebook online đấy nhưng còn lâu mới "seen" tin nhắn, điện thoại thì gọi cháy cả máy vẫn không nghe.
Thắc mắc nhiều quá thì lý do là "Chị không nghe số lạ". Khổ nỗi là đa số những khách hàng “sang mồm” này thường oder những mặt hàng có giá trị cao. Cái kết là những khách hàng kia được dịp “khoe mẽ” với người khác rằng ta lắm tiền, ta chơi sang, nhưng sau đó thì “lặn không sủi tăm”.
Đ.T - một chủ shop online lại chia sẻ về câu chuyện với một vị “khách sộp” của mình cũng “khóc cười” không kém. Chả là vị khách thuộc dạng hot boy, bóng sáng, và thường xuyên khoe ảnh dùng đồ hiệu, không tiếc tiền sắm đủ từ giày, ví, quần áo, thắt lưng của các hãng Hermes, Mc Queen, Givenchy…
Trên facebook, cậu ta luôn xuất hiện như một công tử lịch lãm, có các mối quan hệ "dân chơi" đích thực. Cậu ta cũng từng order anh Thắng vài món đồ, nên khi nhận đơn chiếc ví hiệu LV, anh nhận lời ngay lập tức.
Hàng về, vị khách "sộp" hẹn lấy ví nhưng hôm đó lại… quên mang tiền. Nghĩ khách quen, lại là "dân chơi" thiếu gì tiền, chắc vô tình quên nên anh Thắng đồng ý. Thế rồi 1 tuần, 2 tuần, sang đến các tuần sau nữa mà cậu khách vẫn bặt vô âm tín mặc dù đã lên facebook khoe tới chục kiểu ảnh với chiếc ví hàng hiệu. Và sau nhiều lần nhắn tin gọi điện thì số điện thoại của “khách sộp” chuyển sang chế độ “thuê bao quý khách vừa gọi…”.
Đến những giá trị “vàng” cũng bị mất!
Mất tiền, mất hàng đã đành, nhưng ngay cả sức khỏe, tính mạng và những giá trị cao quý của đời người cũng là một điều luôn đe dọa đối với những người đang lăn lội trong thế giới bán hàng Online.
Gần đây nhất là câu chuyện giao hàng cho khách tại khu chung cư Times City Hà Nội, một shipper không những không lấy được 30.000 đồng tiền phí còn bị đánh gãy mũi bằng một cây vợt tennis. Chung quy lại thì lý do của việc này được dân mạng đánh giá là từ những “sự trở mặt” của khách hàng. Chính vì thế, shiper hay chính những chủ shop đi giao hàng, họ luôn phải sẵn sàng đối mặt những điều không thể lường trước được.
Khi nhận hàng, đôi khi có thể do khách quan, cũng có thể do chủ quan, mà khách hàng có thể tìm ra được 101 lý do để vặn vẹo và chỉ trích về sản phẩm. Nếu người bán hàng cam chịu chấp nhận, đồng nghĩa rằng họ sẽ mất công sức đi lại, công sức bán hàng và ngay chính số tiền họ phải ứng ra để mua hàng. Còn nếu như người bán không thể cam chịu, thì sự xung đột giữa kẻ bán người mua hoàn toàn có thể xảy ra và người chịu thiệt luôn là người bán.
Cách đây không lâu, ở Hải Phòng dự luận đã một phen xót lòng bởi câu chuyện của N. T. L - 23 tuổi. Mặt hàng bán online của L là một thương hiệu nước hoa nổi tiếng dành cho nam giới, nên đa phần khách hàng của L là những người giàu có và lịch sự. Một buổi tối L nhận được order của khách hàng và đề nghị phải lập tức trực tiếp giao hàng để khách kịp đi dự tiệc. Không gọi được cho shiper của mình, khách lại giục giao hàng nhanh sẽ trả công ship cao nên L đành trực tiếp đi giao hàng cho khách ở tầng 8 của một khách sạn. Thế nhưng đến nơi, khách hàng đã lấy cớ mời L vào nhà đợi lấy tiền thanh toán và sau đó cướp mất “đời con gái” của L.
Cuộc sống rủi may là chuyện thường tình, nhất là trong kinh doanh thì những chuyện khóc cười âu cũng là cái lẽ tự nhiên. Thế nhưng, với đặc trưng của việc bán hàng online thường là những bạn trẻ thực hiện, thì việc xác định trước rằng bất kỳ những điều gì cũng có thể đến. Chuyện được mất không nằm ở một giới hạn nào cả. Vậy nên hãy biết rằng, có thể bạn sẽ phải khóc nếu bán hàng online.