Kinh hoàng công nghệ 'phù phép' thịt trâu bò

Chúng tôi vào một khu tập kết trâu bò ven đường cạnh mốc lộ QL7 km222, cách cửa khẩu 3 km, nơi đây có khoảng 50 con trâu bò của một số anh em người Mông đang chờ "chủ nậu" lên bắt.

Chúng tôi vào một khu tập kết trâu bò ven đường cạnh mốc lộ QL7 km222, cách cửa khẩu 3 km, nơi đây có khoảng 50 con trâu bò của một số anh em người Mông đang chờ "chủ nậu" lên bắt.

Vừa thấy người lạ đến, ngay lập tức có một người ra mời chào: "Anh đến đây mua bò à?". Sau một lúc xã giao, họ giới thiệu tôi sang anh Lầu Bá Bạn (xóm Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) để anh Bạn giới thiệu một cách ngọn nguồn.

"Phù phép" bò Lào thành bò Việt

Nhà anh Sùng Chùng Sử (bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) là diện hộ nghèo nhất bản, ấy thế mà từ đầu năm đến nay anh đã đến nhà trưởng thôn xin bán cả trăm con bò. Sử cho biết, một tháng anh sang bên Lào mua trâu bò một đến hai lần, mỗi lần đi như vậy chỉ mua được hai đến ba con. Nhiều lần bị biên phòng, hải quan bắt giữ thì anh lại giở mánh khoé "người dân mua về để nuôi" là lại được thả.

Theo Sử, trâu bò bên Lào về rất gầy, anh mua về phải nuôi vỗ béo một hai tuần sau đó bán lại cho "chủ nậu" là coi như bò của nhà nuôi.

"Nhiều người đi mua trâu bò ở Lào về, lúc đang dắt đi trên đường gặp khách cũng bán luôn, chẳng cần phải giấy tờ gì cả. Lúc này chủ nậu tự thu xếp làm thủ tục với xã là được. Khi nào mà xã làm căng quá thì người dân lại quay về bản làm cái giấy bán bò rồi nhờ trưởng bản ký vào là coi như xong", anh Sử cho biết.

Ông Lầu Ga Long (trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) ngày nào cũng ký xác nhận cho hơn chục hộ bán trâu bò.
Ngồi với chúng tôi, nhưng ông Lầu Ga Long, trưởng bản Trường Sơn liên tục phải ngưng chuyện vì có người vào xin ký giấy bán bò.

Trâu bò ở nơi tập kết

Ông bảo, mình làm Trưởng bản nhưng chẳng đi đâu ra khỏi địa bàn được. Ông Long ví von, Trưởng bản ở đây chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là ký giấy bán bò cho người dân. Đi đâu xa một chút là y như rằng lại có người gọi điện và chực chờ ở nhà xin ký giấy. Chính vì vậy mà trong năm 2011 vừa qua ông Long đã ký cho hơn 1.000 giấy bán bò. Chưa kể nói đến bản ông chia làm 3 tổ, mỗi tổ đều có người được quyền ký giấy như: công an viên, phó bản, bí thư.

Khi chúng tôi hỏi, trong lúc đưa bò về xuôi nhỡ bị bắt thì sao, mình có mất trắng không?, thì nhận được nụ cười tự mãn của hầu hết người dân nơi đây: "Chỉ cần giấy thoả thuận bán bò có dấu và chữ ký xác nhận của xã là có thể đưa về xuôi bất cứ lúc nào mà không bị bắt".

Ông Lầu Ga Long (trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) ngày nào cũng ký xác nhận cho hơn chục hộ bán trâu bò.

Người dân Nậm Cắn nói chung và các "chủ nậu" nói riêng thường gọi đó là cái giấy "thông hành".

Thông thường hai bên tự thoả thuận bán với nhau, xong xuôi người bán trâu bò sẽ viết một cái giấy bán. Chỉ cần có cái giấy bán này đưa lên xã là ngay lập tức được đóng dấu. Phí cho mỗi chiếc giấy bán trâu bò được xã thu 20.000-25.000 đồng. Đối với xe ô tô thì tuỳ từng loại lớn nhỏ mà có mức thu khác nhau, như loại xe nhỏ thường có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/xe. Xe có trọng tải lớn hơn từ 200.000-250.000 đồng/xe.

Ông Bùi Trầm, chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, về vấn đề người dân công khai mua bò từ Lào về là có thật. Huyện cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan tuần tra, bắt giữ những trường hợp vi phạm. Chúng tôi rất ủng hộ người dân mua bán bò, nhưng phải khuyến khích buôn bán qua đường cửa khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, hầu hết người dân không chịu mà toàn vận chuyển trâu bò qua đường tiểu ngạch ở hai bên cánh gà của cửa khẩu, như vậy rất khó cho việc kiểm tra dịch bệnh.

Công nghệ "vỗ béo" của cánh lái buôn

Chợ Ú được coi là chợ đầu mối trâu bò lớn nhất khu vực miền Trung. Những người buôn trâu bò ở đây cho biết, chợ này có từ cách đây hơn 100 năm, từ thời ông bà ta đã hình thành cái chợ này. Nói là chợ trâu bò, thực ra chỉ là một bãi đất trống rộng vài trăm m2.

Chợ được mở theo phiên, một tháng họp 6 phiên vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 trâu bò ở đây chủ yếu là của người dân trong huyện, và các huyện lân cận mang xuống bán. Còn lại hầu hết là trâu bò được đưa từ khắp nơi về. Theo một lái buôn thì trâu bò ở đây chủ yếu là trâu bò Lào được cánh lái buôn gom ở khu vực cửa khẩu Nậm Cắn đưa xuống.

Từ tờ mờ sáng trong phiên chợ ngày 21/3, có cả trăm chiếc xe tải lớn nhỏ đậu dọc hai ven đường kéo dài vào sâu trong chợ. Mỗi xe chở hàng chục con trâu bò, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ số trâu bò trong chợ đã bán "sạch bách".

Ông Nguyễn K.H, người dân gần khu vực chợ Ú cho biết, trước đây ông cũng là người hay đứng ra gom hay còn gọi là "cò" trâu bò cho cánh lái buôn từ xuôi lên. Nhưng nay ông đã giải nghệ nên ông cũng chẳng hề giấu giếm công nghệ "vỗ béo" của cánh lái buôn thường làm.

Theo quy định, trâu bò trước khi giết mổ phải qua các khâu kiểm tra, đeo thẻ tai, mã số để biết nguồn gốc xuất xứ.

Nhưng theo thực tế nghi nhận của chúng tôi, tất cả trâu bò ở đây không hề được đeo thẻ, gắn mã số đã kiểm dịch, chứng nhận của thú y.

Thông thường người dân bán trâu bò theo kiểu hộ gia đình nhỏ lẻ họ phải dắt trâu bò đi từ lúc 2 - 3h để kịp phiên chợ. Sau khi cánh lái buôn gom được hàng thì bắt đầu vào một khu nào đó khuất lấp dùng vòi nước bơm trực tiếp vào miệng từng con trâu bò cho đến khi bụng căng phồng thì mới thôi.
Một chủ cửa hàng rửa xe gần khu vực chợ cũng cho biết, nhà anh không làm công việc này thường xuyên. Nhưng vào các phiên chợ thì có nhiều xe ô tô chở trâu bò đến nhờ vòi bơm nước vào bụng để tăng trọng lượng.

Để bơm được nước vào bụng trâu bò không phải đơn giản, ít nhất cũng phải có 3 người, hai người giữ miệng, một người giữ vòi nước để cho khỏi bị bật ra. Mỗi lượt bơm như vậy "chủ nậu" trả cho nhà rửa xe 100 ngàn đồng. Theo anh T nhà rửa xe, mỗi một con trâu bò được bơm nước vào bụng khoảng 15-20 lít nước. "Nhiều hôm chủ nậu bơm quá tay khiến bò no nước rồi lăn ra chết", anh D nói.

Ở đây mỗi phiên chợ như vậy có đến cả trăm chiếc xe chở bò, hầu hết khi bán qua tay thì đều được các "chủ nậu" "vỗ béo" bằng cách bơm nước theo kiểu này. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở đây có hàng chục con bò được cột ở bãi tập kết. Tuy nhiên, nhìn con nào bụng cũng căng tròn, chỉ có điều sườn lưng và hai bên hông của trâu bò thì gầy tóp lại, giơ cả xương. Nhìn con nào cũng yếu ớt bởi bị nhồi nhét cả bụng nước.

Đột nhập lò mổ

Rời phiên chợ, chúng tôi ăn chực nằm chờ lân la đến các khi lò mổ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Đô Lương có tới gần hai chục lò mổ trâu bò tập trung, đó là chưa kể đến rất nhiều lò mổ chui của các hộ dân gần khu vực chợ Ú. Theo phản ánh của những người dân gần khu vực lò mổ, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường thì các lò mổ đang dùng một loại công nghệ bơm nước vào thịt để kiếm lợi bất chính. Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc xâm nhập thực tế vào một lò mổ S (Đô Lương).

Bơm nước vào thịt bò tại lò mổ

Trong vai người mới vào nghề buôn bán thịt bò, chúng tôi tìm đến lò mổ S đặt mua lòng, thịt dài hạn. Ở đây ban ngày tỏ ra yên bình như những hộ dân bình thường, thỉnh thoảng có một vài xe máy kéo chở theo 2,3 con trâu bò đến để chờ giờ "hành quyết".

Ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ 21h, lò mổ S đã kín cửa cao tường, ở trong lò mổ có gần hai chục người "hoạt động" rầm rộ, người chuẩn bị búa tạ, người mài dao, rửa thớt... chờ đến khoảng 0-1h bắt đầu mổ.

Khâu cuối cùng của một công đoạn trong lò mổ có thể nói là kinh hoàng nhất, ở bên mỗi đống thịt là 2 đến 3 người phụ nữ dùng đang nhiều ống nhựa to như đầu ngón tay, một đầu gắn kim tiêm loại lớn, một đầu gắn với thùng nước to đình ở phía trên sau đó cắm kim tiêm trực tiếp vào động mạch, thớ thịt của từng mảng thịt trâu bò để nước được bơm trực tiếp vào đó để cho thớ thịt căng phồng.

Chúng tôi là người lạ nhưng chị D vẫn hồn nhiên bơm nước... Chị D cho biết, trung bình mỗi tối lò mổ hơn chục con, thời điểm giáp Tết có đêm phải đến hai chục con. Mỗi con bò sau khi mổ phải bơm được khoảng 20 lít nước vào các động mạch, mỗi lần bơm nước như vậy cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Ngoài việc bơm nước để thu lợi bất chính thì theo chị D, bơm nước vào thịt sẽ làm cho các miếng thịt căng phồng, đỏ tươi ngon.

Theo PLVN




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.