Loạn sâm Ngọc Linh và cách phân biệt sâm thật, giả

Hiện nay đa số các loại sâm được bày bán, đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên sâm bị làm giả rất nhiều gây nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện nay, có khoảng ba loại sâm Ngọc Linh được làm giả đã được phát hiện...

Hiện nay đa số các loại sâm được bày bán, đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên sâm bị làm giả rất nhiều gây nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện nay, có khoảng ba loại sâm Ngọc Linh được làm giả đã được phát hiện...

Sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, vì vậy nhu cầu mua sâm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, do đó sâm Ngọc Linh được làm giả rất nhiều. Một câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để phân biệt được nhân sâm Ngọc Linh giả và thật?

Sâm Ngọc Linh... giả đủ kiểu

Nhân sâm là loại được xếp đầu tiên trong 4 loại dược liệu quý của Đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng C. A. Mey, họ nhân sâm là Araliaceae, được Đông y đánh giá vào loại “thượng phẩm”, có tác dụng tốt cho sức khỏe mà không gây ra độc tính.

nhân sâm, thuốc quý, quý ông, tiền triệu, thị trường, phân biệt nguồn gốc, bị làm giả, sâm Ngọc Linh

Về cơ bản, nhân sâm có 3 nhóm tác dụng chính đó là tăng lực, chống stress, và bồi bổ sức khỏe. Riêng đối với sâm Ngọc Linh của Việt Nam, khoa học đã ghi nhận ngoài những tính năng tương đương với sâm Triều Tiên, sâm Ngọc Linh còn có khả năng chống stress tâm lý cao. Thông thường, sâm rừng thường tốt và đắt hơn so với sâm vườn được gieo trồng. Số tuổi của sâm càng lớn thì chất lượng của sâm càng tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay đa số các loại sâm được bày bán, đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên sâm bị làm giả rất nhiều gây nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện nay, có khoảng ba loại sâm Ngọc Linh được làm giả đã được phát hiện:

Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này, tạm gọi tên là sâm 1A.

Tuy nhiên, qua xét nghiệm DNA, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%. Nếu người tiêu dùng mua phải loại này thì vẫn còn khá may mắn vì dù sao nó cũng chắc chắn không độc hại gì, hơn nữa loài này giống như sâm Ngọc Linh sát nhau về di truyền nên cũng có lợi cho sức khỏe.

Loại sâm giả thứ 2 là từ Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để làm nhái sâm Ngọc Linh nhiều nhất vì ngoại hình tương đối giống sâm Ngọc Linh.

Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm. Nếu nhìn hình dạng thì cây ráy giống cây khoai môn, phần lá có dạng hình trái tim hơi dài, phần thân mỏng mềm, cao từ 30cm đến 1,5m. Phần rễ biến thành củ dài có nhiều đốt ngắn. Đây chính là phần được sử dụng để làm giả sâm Ngọc Linh.

Một cân củ ráy chỉ có giá 200 nghìn nhưng khi đưa vào xưởng sản xuất sâm giả, qua sơ chế hình dạng thì bán gấp hàng trăm lần. Những cơ sở sản xuất sâm Ngọc Linh giả thường lấy củ ráy về rửa sạch, luộc nhiều lần nước cho bớt chất ngứa và độc, đem phơi nắng cho ráo nước. Sau đó bỏ củ ráy vào dung dịch corticoid đậm đặc để qua đêm, hôm sau lại đem phơi dưới nắng.

Tiếp đó củ ráy được ngâm vào thứ nước hồng đẳng sâm. Ngâm và phơi một tuần thì sẽ thành Sâm Ngọc Linh giả. Nếu người dân mua phải loại này về ngâm rượu uống chưa biết tác hại của nó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn nó không có tác dụng về bồi bổ cơ thể.

Ngoài ra hiện nay, ngoài hàng giả ra người tiêu dùng còn bị lừa là mua nhầm sâm đã bị rút ruột, mất hết dưỡng chất. Nhìn bề ngoài thì sâm thật nhưng thực chất đó chỉ là xác sâm. Sâm loại này đã bị ép nước lấy hết dưỡng chất chỉ còn lại xác sâm. Để lấy các hoạt chất có trong sâm, người trong nghề thường tìm mua một số loại máy quay ly tâm.

Theo đó, họ sẽ bỏ củ sâm vào máy quay này để lấy nước rồi tiến hành biện pháp làm cô đặc, bán cho các công ty dược. Xác củ sâm mặc dù đã bị lấy hết nước, nhưng hình dạng củ sâm không hề bị biến đổi mà chỉ nhẹ hơn. Vì muốn tiếp tục thu lời, không ít gian thương lấy xác nhân sâm khô ngâm vào dung dịch là tinh dầu, thậm chí là đường hóa học.

Với công nghệ tái chế thủ công này, sản phẩm nhân sâm sẽ nặng ký, có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt giống như sâm thật. Khi sử dụng loại sâm này không những không có tác dụng mà ngược lại còn bị nhiễm độc hóa chất, nếu dùng lâu ngày sẽ rất có hại cho cơ thể như gây ngộ độc, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư.

Cách phân biệt sâm Ngọc linh thật giả…

Do có giá trị sức khỏe cao vì vậy nhu cầu về loại nhân sâm này không ngừng tăng, làm phát sinh nguy cơ sâm giả kém chất lượng trên thị trường, Sau đây là một số lưu ý cơ bản nhất để phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả.

nhân sâm, thuốc quý, quý ông, tiền triệu, thị trường, phân biệt nguồn gốc, bị làm giả, sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này.

Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn nếu như sờ vào các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.

Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm được mọc tự nhiên. Kích thước và hình dáng sâm trồng khá đồng đều. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.

Còn về phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất. Hình dạng thân của tam thất loằng ngoằng và dài hơn sâm Ngọc Linh. Trên thân tam thất hoang có chứa nhiều mắt. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không phát hiện ra vì người bán lấy tam thất về đã bẻ hết các mắt, chỉ để lại một nhánh cho giống sâm Ngọc Linh thật. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.

Trên thị trường hiện nay sâm Ngọc linh thật giả lẫn lộn. Nếu không có kĩ năng phân biệt thì khách hàng khó có thể nhìn ra. Vì vậy khi mua người tiêu dùng nên tiếp cận với những cơ sở uy tín, tránh mua đại trà với giá rẻ bất ngờ, vì giá quá rẻ so với mặt bằng chung thì chắc chắn là sâm giả hoặc là đã bị lấy đi hết dưỡng chất có trong sâm.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.